Ngân hàng phải trả phí SMS tốn kém nhất cho nhà mạng?
Theo báo cáo tài chính quý 4/2021 của các ngân hàng niêm yết, chỉ có 3 ngân hàng công khai chi phí phải trả cho nhà mạng đối với dịch vụ viễn thông, trong đó phần lớn là dịch vụ SMS banking.
Các ngân hàng này gồm Vietcombank, Techcombank và VIB. Trong khi đó, các nhà băng còn lại không nêu cụ thể chi phí cho dịch vụ viễn thông, thay vào đó là chi phí chung cho hoạt động dịch vụ.
Theo công bố của Vietcombank, năm 2021 ngân hàng đã chi tới 136,648 tỷ đồng để trả cho nhà mạng, tăng 9,1% so với năm 2020. Con số này chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng số 1.081 tỷ đồng chi phí hoạt động dịch vụ của Vietcombank (ngân hàng thu được 3.302 tỷ đồng từ hoạt động dịch vụ).
Chi phí hoạt động dịch vụ của Vietcombank năm 2021 và 2020. |
Trong khi đó, năm 2021 Techcombank trả cho nhà mạng phí dịch vụ dưới tên gọi “chi phí thông tin liên lạc” là 83,863 tỷ đồng, tăng tới 80% so với năm 2020. Dù tăng gần gấp đôi so với năm trước nhưng chi phí này chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ so với mức chi 529 tỷ đồng hoạt động dịch vụ của ngân hàng này (năm 2021 Techcombank lãi 1.400 tỷ đồng từ hoạt động dịch vụ).
Điều bất ngờ khi dù là ngân hàng quy mô nhỏ hơn nhưng ngân hàng VIB lại chi tới 132,080 tỷ đồng cho “Cước phí bưu điện về mạng viễn thông”, tăng tới 130% so với năm 2020.
Điều này được lý giải bởi chi phí cước viễn thông VIB phải trả cho nhà mạng không chỉ gói gọn trong tin nhắn SMS banking mà phần lớn nằm ở chi phí gửi tin nhắn spam tới các thuê bao di động. Những tin nhắn mời gọi mở thẻ tín dụng, mời gọi vay vốn được ngân hàng này gửi đi đều đặn mỗi tháng từ 1-2 lần. Thậm chí những chủ thuê bao không phải là khách hàng của VIB cũng nhận được những tin nhắn này.
Ngoài chi cho SMS banking, VIB phải trả cho nhà mạng số tiền lớn từ hoạt động quảng cáo qua tin nhắn SMS. |
Câu chuyện các ngân hàng đồng loạt tăng phí tin nhắn SMS đang nóng trong vài ngày qua. Nhiều khách hàng của các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Techcombank,… bỗng ngã ngửa khi bất ngờ bị trừ số tiền thậm chí lên tới 77.000 đồng/tháng tùy theo số lượng tin nhắn ngân hàng đã gửi.
Thay vì cách tính phí cố định 10.000 đồng/tháng (chưa bao gồm VAT) như trước, một số ngân hàng đã tính lũy kế theo số lượng tin nhắn đã gửi cho khách hàng trong tháng.
Chẳng hạn như Vietcombank áp mức phí duy trì dịch vụ SMS banking thành phí tính theo số lượng tin nhắn chủ động. Cụ thể, các số điện thoại nhận dưới 20 tin nhắn/tháng vẫn tính phí 10.000 đồng. Từ 20 đến dưới 50 tin nhắn sẽ tính phí 25.000 đồng/tháng; từ 50 đến dưới 100 tin nhắn tính phí 50.000 đồng và từ 100 tin nhắn trở lên tính phí 70.000 đồng.
Tương tự, BIDV thay đổi từ mức 9.000 đồng/tháng cố định thành 9.000 đồng với 0-15 tin nhắn/tháng; 30.000 đồng với 16-50 tin nhắn/tháng; 55.000 đồng với 51-100 tin nhắn/tháng và 70.000 đồng với 101 tin nhắn trở lên/tháng (chưa bao gồm VAT).
Techcombank cũng đang tận thu phí dịch vụ này khi phân chia theo các mốc: 0-15 tin nhắn/tháng phí 13.200 đồng, 16-30 tin nhắn/tháng phí 19.800 đồng, 31-60 tin nhắn/tháng phí 44.000 đồng, trên 61 tin nhắn/tháng 82.500 đồng/tháng.
Lãnh đạo một ngân hàng than vãn, một trong những những chi phí ngân hàng này đang phải bù lỗ nhiều nhất chính là dịch vụ SMS ngân hàng phải trả cho nhà mạng để họ cung cấp dịch vụ gửi tin nhắn cho khách hàng.
Đối với mỗi giao dịch thanh toán, ngân hàng phải gửi cho khách hàng ít nhất 2 tin nhắn là OTP xác thực giao dịch và thông tin báo biến động số dư.
Mức chi phí của dịch vụ gửi tin nhắn từ doanh nghiệp đến nhà mạng hiện đang bị tính cao hơn so với cá nhân gửi cho nhau. Cụ thể: Mobifone và Vinaphone thu 820 đồng/tin nhắn, Viettel thu 785 đồng/tin nhắn, trong khi cước phí tin nhắn của các nhà mạng này với khách hàng cá nhân chỉ từ 99-350 đồng/tin nhắn.
Như vậy, một giao dịch 2 tin nhắn, bình quân khoảng 1.500 đồng chi phí tin nhắn cho một giao dịch. Với mức chi phí SMS quá lớn, các ngân hàng đang đẩy mạnh khuyến khích khách hàng chuyển sang các hình thức khác thay thế như nhận thông báo số dư qua ứng dụng ngân hàng (app) và xác thực giao dịch thông qua smart OTP.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nếu xác thực giao dịch bằng OTP gửi qua tin nhắn SMS truyền thống, hạn mức giao dịch tối đa chỉ là 100 triệu đồng/giao dịch, nhưng nếu xác thực bằng Smart OTP, khách hàng có thể giao dịch với hạn mức lên tới cả tỷ đồng/giao dịch.