Ngân hàng ồ ạt siết nợ doanh nghiệp
Vào những tháng cuối năm 2020, các ngân hàng đua nhau rao bán các tài sản thu giữ từ các doanh nghiệp không trả được nợ, từ ô tô đến thuốc bảo vệ thực vật...
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam có hơn 78.300 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tương ứng khoảng 8.700 doanh nghiệp mỗi tháng. Trong đó, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn chiếm trên 38.600 doanh nghiệp, tăng gần 82% so với cùng kỳ năm ngoái và tập trung ở nhóm có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Phần còn lại đang chờ giải thể hoặc đã hoàn tất thủ tục giải thể, lần lượt khoảng 27.590 và 12.090 doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động ở tất cả lĩnh vực, trong đó kinh doanh bất động sản, giáo dục, dịch vụ lưu trú và ăn uống, vui chơi giải trí... có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn nhiều nhất. Điều này thể hiện sự ảnh hưởng rất lớn và dai dẳng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời cho thấy quá trình thanh lọc đang diễn ra mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ghi nhận hàng năm, đến khoảng thời gian quý 3 thường là lúc các doanh nghiệp đã hoàn thành 70% kế hoạch được giao. Tuy nhiên, do dịch bệnh, nhiều ngành nghề chưa hoạt động trở lại nên doanh nghiệp vẫn đang chần chừ, nghe ngóng thông tin để có phương án tối ưu nhất.
Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể gia tăng cũng chính là lý do các ngân hàng đã liên tục rao bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ trong thời gian qua. Trong đó vào đầu tháng 10, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tiếp tục thông báo bán đấu giá nhiều tài sản và khoản nợ. Tài sản đấu giá đa dạng từ bất động sản, dây chuyền sản xuất máy móc, ô tô.... đến thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, Agribank chi nhánh Phú Nhuận thông báo bán đấu giá 123 tấn thuốc bảo vệ thực vật với giá khởi điểm hơn 5 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến tổ chức đấu giá vào ngày 9/10/2020.
Trong khi đó, Agribank chi nhánh Sóc Trăng đang lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Trần Liên Hưng với giá khởi điểm 83 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ngân hàng chưa công bố cụ thể tài sản đảm bảo của khoản nợ này.
Hai khoản nợ khác được Agribank Sóc Trăng rao bán là khoản nợ của Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Chế biến Xuất nhập khẩu Thủy Sản Mỹ Thanh phát sinh từ khoản vay năm 2011 và của doanh nghiệp tư nhân Phương Hà phát sinh từ năm 2010. Giá bán khởi điểm chung của 2 khoản nợ là 64 tỷ đồng.
Hay như VPBank cũng thông báo danh sách tài sản bán đấu giá với hàng trăm xe ô tô, bao gồm cả ô tô con và ô tô tải. Đa số xe ô tô do VPBank rao bán đợt này có năm sản xuất từ 2017-2019. Chiếc xe có giá cao nhất mà VPBank rao bán là chiếc ô tô tải DongFeng, với giá 2 tỷ đồng. Ngoài ra, 5 chiếc Tracomeco Universe có giá đấu gần nhất là 1,95 tỷ đồng tiếp tục được rao bán.
Bên cạnh xe ô tô tải, hàng loạt ô tô con cũng được VPBank rao bán, trong đó nhiều nhất là Chevrolet Spark, Ford Ranger, Kia Morning,… Giá khởi điểm của xe phụ thuộc vào tình trạng hiện tại của xe và năm sản xuất.
Từ đầu năm đến nay, VPBank là ngân hàng rao bán ô tô nhiều nhất trên thị trường. Chẳng hạn, trong tháng 8, ngân hàng này cũng đã đăng thông báo thanh lý hơn 50 chiếc xe ô tô để xử lý nợ.
Trong khi đó, BIDV Chi nhánh Bắc An Giang cũng thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Việt Can và DN tư nhân Như Ý với số dư nợ gốc và lãi tạm tính đến tháng 11/2019 trên 1.153 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ này là 154 lô đất nền tại khu đô thị mới - thành phố lễ hội thuộc TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang, giá khởi điểm được rao bán hơn 616 tỷ đồng...
VIB rao bán đấu giá xe Peugeot
Tuy nhiên, việc rao bán tài sản thu hồi nợ của các ngân hàng cũng không dễ dàng, nhất là những tài sản có giá trị lớn. Thông thường, rao bán những tài sản có giá trị lớn, như nhà xưởng, khu công nghiệp, khách sạn... khó hơn nhiều so với việc rao bán ôtô hay các tài sản có giá trị thấp.
Quy định hiện hành cũng hạn chế đối tượng được phép mua những tài sản giá trị lớn như khu công nghiệp, dự án của doanh nghiệp nhà nước... Cá nhân hay tổ chức đăng ký mua tài sản rao bán của các ngân hàng phải có lĩnh vực và điều kiện tài chính phù hợp với tài sản mà ngân hàng đấu giá.
Ngoài ra, một trong những lý do khiến các ngân hàng khó rao bán tài sản để thu hồi nợ, nhất là những tài sản có giá trị lớn, do hiện nay mới có khoảng 10 công ty định giá, nhưng hoạt động thiếu độc lập và năng lực còn hạn chế, trong khi quy định hiện hành chỉ cho phép điều chỉnh giá khởi điểm 5- 10% trong đợt đấu giá tiếp theo...