Ngân hàng nhiều tiền nhưng không ông chủ nào có tên trong top người giàu nghìn tỷ

01/01/2017 07:43 AM | Kinh doanh

Ngân hàng chẳng có gì ngoài tiền nhưng không ông bà chủ nào có tài sản nghìn tỷ trong năm nay. Người giàu nhất là ông Trầm Trọng Ngân xếp thứ 27 với tài sản 843 tỷ đồng.

Năm 2016 đã khép lại với những dấu ấn khó quên ở mỗi lĩnh vực. Và một trong những điều thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư và thị trường đó là danh sách người giàu.

Ngôi vị tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm nay đã gọi tên ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch tập đoàn FLC với khối tài sản hơn 33,8 nghìn tỷ đồng. Ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch của tập đoàn Vingroup vốn vẫn giữ ngôi vị số 1 Việt Nam về của cải những năm trước, năm nay đã lui về vị trí thứ 2 với tài sản 30,4 nghìn tỷ đồng.

Hai tỷ phú giàu nhất Việt Nam có khối tài sản bỏ rất xa người vị trí thứ 3 là ông Trần Đình Long, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát khi ông này có tổng tài sản hơn 9,1 nghìn tỷ đồng.

Không chỉ cả 3 người giàu nhất Việt Nam đều làm bất động sản (ông Trần Đình Long làm cả sắt thép) mà trong top 20 người giàu có tài sản 1.500 tỷ đồng trở lên cũng phần lớn là kinh doanh ở mảng này.

Đáng chú ý, ngân hàng xưa nay vẫn là lĩnh vực hot nhất vì chẳng có gì ngoài…tiền. Không chỉ là quy mô về tài sản hàng trăm nghìn tỷ, vốn hàng chục nghìn tỷ mà lợi nhuận của các ngân hàng lớn cũng đều đạt nghìn tỷ, nhưng lãnh đạo các ngân hàng này năm nay không ai có tên danh sách “top rich” nghìn tỷ.

Theo quy định của luật các tổ chức tín dụng, một cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của ngân hàng và các lãnh đạo ngân hàng, kể cả nhà đầu tư cá nhân trong nước hiện nay cũng hiếm có người sở hữu mức tối đa đó. Chính vì vậy nên dù ngân hàng có lớn đến đâu thì tài sản của các ông bà chủ ngân hàng và cả nhà đầu tư cá nhân cũng khó mà so với các lĩnh vực khác được.

Có thể đếm trên đầu ngón tay vài trường hợp sở hữu tỷ lệ từ 4,5% đến gần 5% như ông Trầm Trọng Ngân (nắm cổ phiếu STB của Sacombank, con trai ông Trầm Bê) hay ông Đặng Khắc Vĩ (chủ tịch VIB), bà Thái Hương (CEO của BacA Bank) hay bà Đặng Ngọc Lan (vợ bầu Kiên, giữ cổ phiếu ACB).

Còn những tên tuổi khác vẫn được biết đến như các ông bà chủ ở các ngân hàng như bà Trần Hải Anh (Chủ tịch NCB), ông Ngô Chí Dũng (chủ tịch VPBank), ông Trần Anh Tuấn (chủ tịch MaritimeBank), cha con ông Trần Mộng Hùng và Trần Hùng Huy (chủ tịch ACB), ông Dương Công Minh (chủ tịch LienVietPostBank), bà Nguyễn Thị Nga (chủ tịch SeABank)…thì lại chỉ nắm giữ khoảng từ 1% đến hơn 3% cổ phần ngân hàng.

Do tỷ lệ sở hữu ít cổ phần nên số tài sản của các lãnh đạo ngân hàng và các nhà đầu tư này đều rất thấp. Theo con số đo đếm được theo giá trị cổ phiếu trên sàn thì trong số các ông bà chủ ngân hàng duy chỉ có ông Trần Hùng Huy chủ tịch ACB là có tên trong top 50 người giàu nhất trên sàn chứng khoán với vị trí thứ 45 cùng tài sản 557 tỷ đồng.

Còn những người khác được biết đến như là nhà đầu tư hoặc quản lý ngân hàng cũng rất ít người có mặt trong top 100. Trong lĩnh vực ngân hàng thì ông Trầm Trọng Ngân hiện có tài sản lớn nhất khi đứng thứ 27 trong bảng xếp hạng với tổng tài sản khoảng 843 tỷ đồng. Vợ chồng ông Nguyễn Đức Kiên cũng có tên trong top 40 do nắm giữ cổ phiếu ACB trước đây, song không rõ hiện những người này có còn nắm cổ phiếu nữa không bởi họ không thuộc trường hợp phải công bố thông tin.

Trong top 100 còn có thêm các tên tuổi như vợ chồng ông Trần Mộng Hùng cùng hai con là Trần Minh Hoàng và Trần Đặng Thu Thảo; ba cha con nhà ông Trầm Bê (con Trầm Thuyết Kiều, Trầm Khải Hòa). Tổng giám đốc Sacombank là ông Phan Huy Khang đứng vị trí áp chót trong top 100. Những tên tuổi này cùng sở hữu tài sản hơn 200 tỷ đồng.

Trước đây ông Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch OceanBank có 3 năm liền lọt top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán nhưng ông này hiện đã bị bắt giam, vừa bị truy tố và chuẩn bị đưa ra xét xử vì có nhiều sai phạm trong quá trình điều hành hoạt động ngân hàng.

Theo Tùng Lâm

Cùng chuyên mục
XEM