Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất?

06/04/2023 10:35 AM | Kinh tế vĩ mô

Một động lực khác cho Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất là do tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I vừa qua bất ngờ giảm xuống mức 3,32% so với cùng kỳ năm trước từ 5,92% trong quý IV/2022, được công bố chỉ một ngày trước đó.

Ngày 5/4, Ngân hàng UOB của Singapore có báo cáo nhận định về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cắt giảm các lãi suất chính sách với những thông tin đáng chú ý.

Theo đó, chỉ hơn hai tuần sau khi công bố nhiều đợt cắt giảm lãi suất khác nhau, ngày 31/3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã công bố về việc giảm 50 điểm (0,5%) lãi suất tái cấp vốn xuống 5,5%, có hiệu lực từ ngày 3/4. Đây là đợt cắt giảm lãi suất chính sách gần đây nhất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lãi suất chiết khấu mà Ngân hàng Nhà nước bất ngờ cắt giảm 100 điểm cơ bản xuống 3,5% (từ 4,5%) vào ngày 16/3, sẽ được giữ nguyên ở mức 3,5% và lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng sẽ không thay đổi ở mức 6%, không bị ảnh hưởng bởi thông báo chính sách mới nhất.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất? - Ảnh 1.

Lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn của Việt Nam trong thời gian qua.

Trong thông báo gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước cũng tuyên bố sẽ hạ trần lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam thêm 50 điểm cơ bản xuống từ 0,5% đến 5,5% đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng. Trần lãi suất cho vay ngắn hạn một số lĩnh vực ưu tiên giảm từ 5% xuống 4,5%.

Theo UOB, quyết định hạ lãi suất tái cấp vốn cơ bản của Ngân hàng Nhà nước không nằm ngoài dự đoán, do Ngân hàng Nhà nước đã công bố giảm các loại lãi suất liên quan khác từ ngày 16/3. Một động lực khác cho Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất là do tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I/2023 bất ngờ giảm xuống mức 3,32% so với cùng kỳ năm trước từ 5,92% trong quý IV/2022, được công bố chỉ một ngày trước đó.

UOB cho biết, có những dấu hiệu cho thấy sự ổn định quay lại thị trường sau các rối loạn gần đây trong hệ thống ngân hàng của Hoa Kỳ và châu Âu (sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon và việc UBS mua lại Credit Suisse) đã giảm bớt và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.

“Như chúng tôi đã dự đoán trong báo cáo trước đây, có nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ thiên về chính sách nới lỏng hơn trong giai đoạn sắp tới, với việc cắt giảm lãi suất tái cấp vốn 100 điểm cơ bản trong quý II/2023”, báo cáo của UOB nhận định.

Dù Ngân hàng Nhà nước thiên về chính sách nới lỏng hơn nhưng UOB cho rằng, điều này không có nghĩa là sự bắt đầu một chu kỳ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ, ít nhất là tính đến thời điểm này.

Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo một cách thận trọng và cân nhắc. Hướng tập trung của Ngân hàng Nhà nước rõ ràng sẽ là xu hướng tập trung quản lý lạm phát trong nước.

Lạm phát đang cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt, khi chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam tăng 4,18% so với cùng kỳ trong quý I/2023 và thấp hơn mục tiêu của chính phủ là 4,5%, lạm phát cơ bản vẫn chưa có dấu hiệu giảm đáng kể. Lạm phát cơ bản (không bao gồm giá cả lương thực, năng lượng và các dịch vụ công khác) trong quý I/2023 đã tăng lên mức 5,01% từ 4,76% trong quý IV/2022 và 3,17% trong quý III/2022.

Xu hướng này có thể khiến Ngân hàng Nhà nước lo ngại khi lạm phát cơ bản trong tháng 3 tăng 4,88% so với cùng kỳ, là tháng thứ 6 liên tiếp lạm phát dao động trên mức 4,5%. Bên cạnh những cân nhắc về giá tiêu dùng, bất kỳ sự cắt giảm lũy kế nào lớn hơn 100 điểm cơ bản sẽ phụ thuộc vào sự ổn định của ngành ngân hàng ở Hoa Kỳ và châu Âu, đặc biệt là mức độ ảnh hưởng kéo dài từ chiến dịch tăng lãi suất kéo dài một năm của Fed đến nhu cầu trên toàn cầu.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất? - Ảnh 2.

Theo UOB, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm tổng cộng 100 điểm cơ bản trong quý II/2023.

Ngân hàng UOB cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm tổng cộng 100 điểm cơ bản trong quý II/2023. Điều này có nghĩa là lãi suất tái cấp vốn rất có thể sẽ giảm thêm 50 điểm cơ bản trước thời điểm cuối tháng 6 để hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế trong nước.

UOB cũng khẳng định, VND nổi bật là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á. Bất chấp những thay đổi đáng kể trong kỳ vọng tăng lãi suất của FED, lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như tình trạng rối loạn của hệ thống ngân hàng Mỹ, đồng VND giao dịch trong biên độ hẹp 0,8% quanh mức 23.600 đồng/USD.

Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước cắt giảm 100 điểm cơ bản đối với lãi suất tái chiết khấu vào ngày 16/3, sự phục hồi của xuất khẩu và sản xuất công nghiệp trong những tháng tới, kết hợp với lạm phát giảm, có thể sẽ giữ ổn định cho đồng VND.

UOB kỳ vọng cặp USD/VND sẽ cùng quỹ đạo tăng như các cặp tỷ giá ngoại hối USD/châu Á khác lên 24.200 trong quý II/2023 trước khi giảm xuống 24.000 trong quý III/2023, 23.800 trong quý IV/2023 và 23.600 trong quý I/2024.

Theo Duy Quang

Cùng chuyên mục
XEM