Ngân hàng nào có kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận "nóng" nhất năm 2022?
Có không ít ngân hàng tham vọng tăng trưởng trên dưới 100% nhưng có nhà băng lại tính "đường lùi" vì năm trước tăng trưởng đột biến.
Tính đến hiện tại, hầu hết ngân hàng đều đã được công bố các chỉ tiêu kinh doanh năm 2022. Theo đó, 25/27 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UpCoM có kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022.
Tính chung 27 ngân hàng nêu trên, tổng lợi nhuận trước thuế năm 2022 dự kiến đạt tối thiểu hơn 245.024 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với mức thực hiện năm 2021.
Trong đó, Vietcombank là ngân hàng có lợi nhuận kế hoạch cao nhất hệ thống khi dự kiến lãi hợp nhất tăng tối thiểu 12%, tương đương gần 30.700 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch, Vietcombank sẽ là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam sở hữu lợi nhuận trên 30.000 tỷ.
Kết thúc quý I, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 9.950 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ và thực hiện được 1/3 kế hoạch lợi nhuận tối thiểu.
Bám sát Vietcombank là VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn gấp đôi năm trước với 29.662 tỷ đồng, tăng 103% so với năm 2021. Trong quý I, ngân hàng này ghi nhận khoản lãi kỷ lục 11.146 tỷ đồng, gấp gần 2,8 lần cùng kỳ 2021 và hoàn thành được gần 38% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Với kết quả đạt được trong quý I, VPBank đã lần đầu tiên vượt Vietcombank về lợi nhuận hợp nhất. Trước đó, VPBank mới chỉ vượt qua Vietcombank về lợi nhuận riêng lẻ nhờ ghi nhận khoản 24.000 tỷ đồng lợi nhuận từ chuyển nhượng vốn tại FE Credit trong năm 2021.
Năm 2022, Techcombank kế hoạch lãi trước thuế 27.000 tỷ, tăng 16,2% so với mức thực hiện năm 2021. Hết quý I, nhà băng này đã hoàn thành được hơn 25% mục tiêu đề ra với 6.800 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế.
Ngoài những cái tên nêu trên, có 4 ngân hàng khác cũng dự kiến lãi hợp nhất trên 20.000 tỷ trong năm 2022 là VietinBank (21.000 tỷ), BIDV (20.600 tỷ) và MB (20.300 tỷ). Hết quý I, ngoài VietinBank có lợi nhuận giảm 28%, BIDV và MB đều tăng trưởng mạnh với khoản lãi trước thuế lần lượt là 4.513 tỷ và 5.909 tỷ.
Xét về tốc độ tăng, Eximbank là nhà băng tham vọng nhất khi đệ trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận đạt 2.500 tỷ, tăng 107% so với mức thực hiện năm 2021. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa được thông qua do ngân hàng tổ chức bất thành đại hội cổ đông thường niên 2022.
Đứng kế sau Eximbank về mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận lần lượt là VPBank (103%), SHB (88%), VietBank (71%), ABBank (57%), BIDV (52%). Các ngân hàng có mục tiêu tăng trưởng thấp trong năm nay gồm có Bac A Bank (10%), Vietcombank (12%), VietinBank (10 – 20%), Techcombank (16%), Sacombank (20%), HDBank (21%),…
Lãnh đạo ngân hàng tự tin về kế hoạch lợi nhuận
Theo ban lãnh đạo VPBank, trong năm 2022, ngành ngân hàng tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng tích cực. Nhu cầu tín dụng phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ là nguyên liệu đáp ứng cho sự phục hồi tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 14%, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Lãi suất sẽ được giữ ở mức ổn định để hỗ trợ phát triển kinh tế.
Ban lãnh đạo VPBank cho biết với nền tảng vững chắc, ngân hàng tự tin đạt được các mục tiêu đề ra. Cụ thể, năm nay VPBank sẽ duy trì đà tăng trưởng tín dụng cao tại ngân hàng mẹ, ở mức 35% (nếu được NHNN cho phép và tùy thuộc diễn biến thị trường). Theo lãnh đạo ngân hàng, mức tăng trưởng này đã được tính toán dựa trên nhu cầu và năng lực của ngân hàng, số liệu thực tế sẽ được thực hiện dựa trên các hạn mức tối đa của Ngân hàng nhà nước.
"Trong quý I, ngân hàng có khoản thu bất thường từ hợp tác nâng tầm với đối tác bảo hiểm, tuy nhiên ngay cả khi trừ các khoản này, kết quả kinh doanh vẫn đạt được dựa trên nền tảng đã xây dựng. Đây là áp lực rất lớn với Ban lãnh đạo ngân hàng nhưng chúng tôi đã có chiến lược cụ thể, định hướng rõ các động lực tăng trưởng và tự tin vào kế hoạch" CEO VPBank Nguyễn Đức Vinh khẳng định.
Chia sẻ với cổ đông tại đại hội vừa qua, Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng cũng hoàn toàn tin tưởng ngân hàng sẽ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm, duy trì mục tiêu tổ chức tín dụng có hiệu quả và chất lượng tốt nhất như những năm qua.
Nói về chỉ tiêu lợi nhuận tăng 87%, Phó Chủ tịch SHB Võ Đức Tiến cho biết con số này hoàn toàn có cơ sở vì năm ngoái ngân hàng đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro để xử lý xong nợ xấu VAMC. Do đó, gánh nặng trích lập năm nay sẽ giảm mạnh khoảng 3.000 tỷ so với năm ngoái, là cơ sở giúp ngân hàng tăng mạnh lợi nhuận.
Với kết quả quý I, Tổng Giám đốc ACB cho biết rất lạc quan và có thể vượt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận 25% trong năm 2022. Ngoài ra, nếu tình hình kinh tế khả quan, ACB sẽ hoàn nhập dự phòng và có một khoản thu nhập bất thường trong năm nay.
Tại MSB, Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho biết dù không ghi nhận các khoản thu đột biến như phí Upfront bảo hiểm giống năm trước nhưng lợi nhuận năm 2022 vẫn sẽ tăng trưởng tốt. Thực tế, năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ, tăng 34% so với năm trước. Điều đó có nghĩa Core Business (các hoạt động kinh danh cốt lõi) sẽ tăng trưởng rất mạnh.
Theo ông Linh, MSB liên tục tăng trưởng tín dụng ở mức cao nhờ hoạt động quản trị rủi ro tương đối tốt. Đồng thời, ngân hàng cũng không tập trung cho vay đối với các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản (chỉ 9,8% tổng dư nợ). Ngoài ra, MSB cũng tham gia nhiều chính sách, cùng Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ, tháo gỡ một số trường hợp. Trên cơ sở đó, NHNN cũng có phần đánh giá tốt đối với MSB và trao cho ngân hàng mức tăng trưởng tín dụng ở mức cao trong thời gian tới.