img
Ngân hàng năm 2020: Nợ xấu hậu Covid-19 và làn sóng chuyển sàn - Ảnh 1.

Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có 3 lần hạ lãi suất điều hành vào tháng 3, tháng 5 và tháng 10. Lãi suất điều hành (tái cấp vốn, tái chiết khẩu...) giảm 1,5-2%/năm lãi suất, trần lãi suất tiền gửi giảm 0,6-1%/năm, trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm về mức 4,5%/năm.

Động thái trên của NHNN được đánh giá là hành động nổi bật trong bối cảnh đầu ra tín dụng gặp khó do nhu cầu vay vốn bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Theo chuyên gia Võ Trí Thành, động thái của NHNN vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp có được mặt bằng lãi suất thấp hơn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Sau 3 lần điều chỉnh của NHNN, các ngân hàng cũng đưa mặt bằng lãi suất cho vay và huy động xuống mức thấp nhất nhiều năm qua. Lãi suất huy động phổ biến ở 2,5-3,8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7-5%/năm với kỳ hạn 6-12 tháng, 4,9-5,8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng. Lãi suất cho vay dao động 4,5-6%/năm, thấp nhất lịch sử, giảm 2,5% so với thời điểm năm 2016.

Ngân hàng năm 2020: Nợ xấu hậu Covid-19 và làn sóng chuyển sàn - Ảnh 2.

Lãi suất tiết kiệm giảm 2,5-3 điểm phần trăm so với đầu năm 2020. Ảnh: Bảo Linh.

Ngoài 3 lần giảm lãi suất, NHNN cũng ban hành Thông tư 01, hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu nợ, giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Đến ngày 28/9, các TCTD đã tái cơ cấu thời hạn trả nợ cho hơn 272.000 khách hàng với dư nợ cho vay khoảng 331.000 tỷ đồng, tương đương 3,8% tổng dư nợ của toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng lùi lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn thêm một năm, cho phép duy trì tỷ lệ 40% đến hết ngày 30/9/2021 và hạ dần sau đó. Từ 1/10/2023, tỷ lệ trên sẽ giảm về 30%.

Ngân hàng năm 2020: Nợ xấu hậu Covid-19 và làn sóng chuyển sàn - Ảnh 3.
Ngân hàng năm 2020: Nợ xấu hậu Covid-19 và làn sóng chuyển sàn - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Hồng nhận quyết định bổ nhiệm Thống đốc NHNN.

Giữa tháng 11, bà Nguyễn Thị Hồng được bổ nhiệm làm Thống đốc NHNN, cũng là nữ thống đốc đầu tiên của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hồng sinh ngày 7/3/1968 tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Bà làm việc tại NHNN từ tháng 1/1991 ở vị trí chuyên viên vụ quản lý ngoại hối, sau là nhiều vị trí tại Vụ Chính sách Tiền tệ.

Từ tháng 1/2012, bà được bổ nhiệm chức Vụ trưởng Chính sách Tiền tệ và trở thành Phó Thống đốc NHNN từ tháng 8/2014.

Năm 2019, bà Hồng từng được Forbes Việt Nam vinh danh là một trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam.

Tại buổi lễ nhận quyết định bổ nhiệm Thống đốc, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ dẫn dắt NHNN, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế bền vững. Trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động của đại dịch Covid-19, chính sách tiền tệ tiếp tục được thực hiện theo hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD.

Ngân hàng năm 2020: Nợ xấu hậu Covid-19 và làn sóng chuyển sàn - Ảnh 5.

Tính đến cuối tháng 9, nợ xấu của 27 ngân hàng khảo sát tăng tăng 29,5% so với đầu năm, quanh 111.000 tỷ đồng. Trong đó, 23 nhà băng có nợ xấu tăng. ACB, TPBank, SCB, HDBank, VietBank có nợ xấu tăng trên 50%.

Với nhóm ngân hàng quốc doanh, tới cuối tháng 9, nợ xấu của BIDV, VietinBank và Vietcombank tăng 34% so với đầu năm, tương đương gần 12.300 tỷ đồng.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Covid-19 tác động mọi mặt đời sống kinh tế khiến người gửi tiền ngân hàng là doanh nghiệp, người dân gặp khó, nguồn thu giảm, khả năng trả nợ khó khăn khiến nợ xấu tăng. Một nguyên nhân khác là vấn đề kỹ thuật tính toán. Cầu tín dụng không cao như năm trước, do đó, tỷ lệ tương đối nợ xấu/dư nợ phát sinh cũng tăng lên.

Theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhiều khả năng nợ xấu sẽ tiếp tục tăng và vượt ngưỡng 3% do NHNN đặt ra năm 2021.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, ngân hàng dự báo tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3% cuối năm 2020 và 4% trong năm 2021, trong khi xử lý nợ xấu khó khăn hơn.

Ngân hàng năm 2020: Nợ xấu hậu Covid-19 và làn sóng chuyển sàn - Ảnh 6.

Theo báo cáo của NHNN về kết quả 3 năm thí điểm xử lý nợ xấu của các (TCTD) theo Nghị quyết 42/2017, giai đoạn 15/8/2017 đến 31/5/2020, hệ thống ngân hàng đã xử lý nợ xấu nội bảng 160.920 tỷ đồng. Các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý 67.280 tỷ đồng. Các TCTD cũng bán 65.680 tỷ đồng cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt.

Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý đạt trung bình khoảng 7.150 tỷ đồng/tháng, gấp hơn 2 lần so với kết quả giai đoạn 2012 - 2017. Thống đốc Lê Minh Hưng từng nhận định kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 bằng hình thức khách hàng trả nợ tăng, phản ánh ý thức trả nợ đã cải thiện.

Ngân hàng năm 2020: Nợ xấu hậu Covid-19 và làn sóng chuyển sàn - Ảnh 7.
Hội thảo với nội dung tổng kết xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 và đưa ra khuyến nghị chính sách.

Nghị quyết 42 cũng tác động đến hoạt động xử lý, thu hồi nợ của Công ty Quản lý Tài sản (VAMC). Từ 15/8/2017 đến 31/5/2020, VAMC đã thu hồi nợ 91.469 tỷ đồng, tương đương 60% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ 2013 đến 31/5/2020.

Thời gian qua, 19 ngân hàng thương mại cũng công bố xóa nợ tại VAMC. Trong đó, 7 nhóm công bố "sạch" nợ VAMC trong năm nay gồm VietinBank, BIDV, HDBank, LienVietPostBank, MSB, VietCapitalBank, VietBank.

Một số ngân hàng đang "rút" nợ xấu tại VAMC. Đơn cử Sacombank, giá trị trái phiếu VAMC đã giảm hơn 2.600 tỷ trong 9 tháng qua, trong khi ngân hàng tiếp tục tăng dự phòng rủi ro.

2 năm gần đây, các ngân hàng bắt đầu đẩy mạnh mua lại trái phiếu đặc biệt VAMC nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý nợ, tạo tiền đề để có lợi nhuận cao hơn.

Ngân hàng năm 2020: Nợ xấu hậu Covid-19 và làn sóng chuyển sàn - Ảnh 8.

2020 và cuối năm 2019 là thời gian bùng nổ của thị trường trái phiếu. Bộ Tài chính đã 3 lần phát đi cảnh báo, đưa ra khuyến nghị với các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Cơ quan này đề cập doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án chào bán trái phiếu khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ. Với nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân, Bộ Tài chính nhiều lần khuyến cáo "không nên mua chỉ vì lãi suất cao".

Nghị định 81/2020 có hiệu lực từ 1/9 đã sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hướng siết chặt các quy định về chào bán trái phiếu với đối tượng phát hành và giao dịch trái phiếu giữa các nhà đầu tư.

Vừa qua, NHNN cũng đưa ra dự thảo thông tư quy định về TCTD mua, bán trái phiếu doanh nghiệp thay thế Thông tư số 22/2016 và Thông tư 15/2018, quy định bổ sung việc mua và bán lại trái phiếu doanh nghiệp giữa các ngân hàng.

Một trong những điểm được đề cập là NHTM không được mua trái phiếu (bao gồm mua từ phát hành lần đầu và mua lại từ các tổ chức, cá nhân khác) của doanh nghiệp có phát sinh nợ xấu tại TCTD mua và đơn vị khác trong vòng 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm quyết định mua.

Ngân hàng năm 2020: Nợ xấu hậu Covid-19 và làn sóng chuyển sàn - Ảnh 9.

5 năm gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều thương vụ hợp tác giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm với hợp đồng phân phối độc quyền sản phẩm trong thời gian 10-15 năm.

"Bắt tay nhau" giúp các công ty bảo hiểm tận dụng mạng lưới khách hàng, nguồn nhân sự của ngân hàng để bán sản phẩm, trong khi các nhà băng có thêm nguồn thu dịch vụ, phí hoa hồng từ môi giới bảo hiểm và khoản phí độc quyền.

Vừa qua, ACB ký độc quyền bancassurance với Sun Life Việt Nam với thời hạn 15 năm. Ngân hàng nhận khoản phí trả trước hơn 400 triệu USD. Năm 2019, Vietcombank cũng ký độc quyền bảo hiểm với FWD với thời hạn 15 năm, nhưng giá trị khoản phí không được tiết lộ.

Ngân hàng năm 2020: Nợ xấu hậu Covid-19 và làn sóng chuyển sàn - Ảnh 10.
Buổi lễ ký hợp tác giữa ACB và Sun Life Việt Nam - thương vụ độc quyền mới nhất giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm ngoại.

Từ năm 2017, Techcombank và Manulife Việt Nam ký hợp đồng độc quyền bancassurance 15 năm. Hợp tác này kỳ vọng mang về cho ngân hàng 10.000 tỷ đồng phí bảo hiểm trong 5 năm. Cùng năm, AIA và VPBank cũng ký kết thoả thuận hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền 15 năm.

Tuy nhiên, hợp tác với công ty bảo hiểm cũng tiềm ẩn không ít bất cập. Thời gian qua, nhiều khách hàng của các nhà băng phản ánh về việc bị "ép" mua bảo hiểm với nhiều hình thức như lãi suất gói vay sẽ hợp ưu đãi hơn khi kèm bảo hiểm, thủ tục vay nhanh chóng hơn…

NHNN có văn bản yêu cầu các ngân hàng chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh bảo hiểm. Cơ quan này nhấn mạnh các ngân hàng không được gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với cấp tín dụng cho khách hàng, nói cách khác là "ép" mua bảo hiểm mới được vay vốn.

Ngân hàng năm 2020: Nợ xấu hậu Covid-19 và làn sóng chuyển sàn - Ảnh 11.

Theo đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, toàn bộ ngân hàng thương mại phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức HoSE, HNX hoặc UPCoM trước năm 2021.

Do đó, năm nay, thị trường chứng kiến nhiều ngân hàng "đổ bộ" lên sàn chứng khoán có thể điểm tới như Nam A Bank, Saigonbank, MSB… Đồng thời, nhiều ngân hàng đang trong quá trình được các cơ quan chức năng xem xét hồ sơ niêm yết gồm OCB, SeABank…

Bên cạnh làn sóng lên sàn, nhiều ngân hàng như SHB, ACB, VIB, LienVietPostBank cũng đã và đang trong quá trình chuyển niêm yết hoặc chuyển sàn từ UPCoM, HNX sang HoSE.

Ngoài các ngân hàng thuộc diện cơ cấu xử lý, giám sát đặc biệt, Agribank là NHTM duy nhất chưa có động thái lưu ký cổ phiếu hoặc lên sàn. Một trong những nguyên nhân được đề cập là vướng mắc về định giá, xác minh tài sản.

NDH