Ngân hàng dồn dập báo lãi lớn trong 9 tháng

17/10/2019 09:21 AM | Kinh doanh

Vietcombank ghi nhận kỷ lục hơn 17.500 tỷ đồng, MB đạt trên 7.000 tỷ còn lợi nhuận của Sacombank cao hơn cả TPBank, Saigonbank ghi nhận quý 3 làm ăn tốt hơn gấp rưỡi so với 6 tháng trước đó cộng lại...

Mùa báo cáo tài chính quý 3 của các ngân hàng đã bắt đầu với hàng loạt cái tên báo lãi lớn thu hút sự chú ý của thị trường.

Đầu tiên là Vietcombank. Trong 9 tháng đầu năm nay, ngân hàng làm ăn tốt nhất hệ thống đã ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục 17.592 tỷ đồng, tăng 50,6% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt gần 86% kế hoạch của cả năm. Trong đó riêng ngân hàng mẹ đạt lợi nhuận 17.250 tỷ đồng, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018. Các chỉ số ROAA, ROAE đạt tương ứng là 1,65% và 25,75%, tăng mạnh so với năm 2018 và cao hơn hẳn so với mặt bằng chung ngành tài chính ngân hàng.

Tại thời điểm 30/9, Vietcombank ghi nhận tổng huy động vốn 998.247 tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch quý 3/2019. Dư nợ tín dụng đạt 709.128 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2018, hoàn thành kế hoạch 9 tháng.

Năm nay, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản sẽ tăng thêm 12% đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 15% đạt hơn 735 nghìn tỷ; huy động vốn tăng 11 – 13% và lợi nhuận trước thuế là 19.500 tỷ đồng cho ngân hàng riêng lẻ và 20.000 tỷ của ngân hàng hợp nhất.

Chia sẻ với báo giới, ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch ngân hàng cho biết kế hoạch lợi nhuận năm nay hoàn toàn nằm trong tầm tay. Ông cũng gợi nhắc đến con số 1 tỷ USD lợi nhuận của ngân hàng mạnh nhất Việt Nam.

Ngân hàng thứ 2 báo lợi nhuận tăng ấn tượng là MB. Trong 9 tháng đầu năm nay lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã đạt 7.086 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2018. Thu nhập lãi thuần tăng 16% lên 3.734 tỷ đồng, trong khi thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 38% lên 368,4 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động kinh doanh khác tăng 1,5 lần lên 887 tỷ đồng, đồng thời hoạt động đầu tư góp vốn dài hạn cũng chuyển từ âm 48 tỷ đồng năm trước sang có lãi 160 tỷ đồng trong năm nay.

Tại thời điểm 30/9, MB ghi nhận tổng tài sản ở mức 385.516 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cuối năm trước. Tiền gửi khách hàng đạt 255.627 tỷ đồng, tăng 6,2%. Dư nợ tăng 11% lên gần 230.143 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ ở mức 1,35%, tăng so với con số 1,22% cuối năm trước, chủ yếu do nợ nhóm 5 tăng gần 390 tỷ đồng lên 1.345 tỷ đồng.

Với cả Vietcombank và MB, các con số lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay là cao kỷ lục trong hoạt động từ trước tới nay (tính 9 tháng).

Ngân hàng Sacombank cũng nằm trong nhóm những nhà băng thông tin sớm nhất về kết quả hoạt động. Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 2.491 tỷ đồng, tăng 89,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản đạt 450.200 tỷ đồng, tăng 10,9% so với đầu năm; huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 408.882 tỷ đồng, tăng 14,4%; cho vay đạt 290.934 tỷ đồng, tăng 13,1%.

Các nguồn thu nhập của Sacombank tiếp tục tăng trưởng ổn định, tổng thu nhập thuần đạt 10.861 tỷ đồng, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 7.405 tỷ đồng, tăng 34,1%. Các hoạt động kinh doanh khác cũng có sức tăng trưởng ấn tượng, thu dịch vụ đạt 2.131 tỷ đồng, tăng 21,1%; trong đó thu dịch vụ bảo hiểm đạt hơn 280 tỷ đồng, chiếm 13,3% trong tổng thu dịch vụ; thu kinh doanh ngoại hối đạt 422 tỷ đồng, tăng 35%. Thu từ hoạt động khác đạt 845 tỷ đồng, tăng 176,2%.

Từng là 1 trong 5 ngân hàng tư nhân lớn mạnh nhất, Sacombank đã đi xuống kể từ sau thương vụ nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào năm 2015. Tuy nhiên sau hơn 2 năm tái cơ cấu và nỗ lực xử lý nợ xấu (từ 2017 tới nay), kết quả kinh doanh của Sacombank 9 tháng vừa qua đã ghi nhận lạc quan ngoài dự báo của nhiều người. Với đà tăng trưởng này, thị trường chờ đợi Sacombank sẽ sớm bứt phá và giành lại vị thế trong tương lai không xa.

Ngân hàng Tiên Phong TPBank cũng là một trong 5 ngân hàng có kết quả kinh doanh sớm nhất. Trong 9 tháng qua ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 2.404 tỷ đồng, tăng 790 tỷ đồng, tương đương tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2018 và hoàn thành trên 75% kế hoạch của cả năm.

Nhiều chỉ số tài chính khác của ngân hàng đã gần đạt kế hoạch năm chỉ sau 3 quý. Chẳng hạn tổng tài sản ngân hàng đã vượt 154.000 tỷ đồng, hoàn thành tới 98,76% kế hoạch; Tổng huy động đạt trên 138.000 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ và hoàn thành 97,3% kế hoạch.

Đầu tháng 9, TPBank thông báo đã trích lập đủ dự phòng và mua lại toàn bộ 756,6 tỷ đồng danh mục trái phiếu VAMC trước thời hạn. Động thái này giúp TPBank đưa số liệu nợ xấu về chỉ còn nợ nội bảng, giúp ngân hàng có thể chủ động theo dõi và xử lý nợ xấu, tăng tính minh bạch cho ngân hàng. Tại thời điểm cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 1,48%.

Một ngân hàng khác vừa thông báo kết quả kinh doanh trong ngày 16/10 là LienVietPostBank. Báo cáo cho thấy trong 9 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt 1.636 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2018 và hoàn thành 86% mục tiêu kế hoạch năm 2019. Trong đó lợi nhuận riêng quý 3 đạt 519 tỷ đồng, tăng 49% so với quý 3 năm 2018.

Đến cuối tháng 9/2019, các chỉ số kinh doanh khác của LienVietPostBank cũng rất khả quan. Tổng tài sản đạt 193.536 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch năm 2019; vốn chủ sở hữu đạt 12.291 tỷ đồng, tăng 20,5% so với thời điểm cuối năm 2018; tổng huy động vốn đạt 176.159 tỷ đồng, cho vay thị trường I đạt 135.105 tỷ đồng, tương ứng tăng 10,1% và 11,7% so với thời điểm cuối năm 2018. Các chỉ số hiệu quả sinh lời trên tổng tài sản và vốn chủ sở hữu bình quân có cải thiện rõ rệt, đạt 0,71% và 11,66%, tăng 24,6% và 19% so với 2018, cao hơn mức trung bình của ngành.

Bất ngờ thông báo kết quả kinh doanh sớm, Saigonbank đã ghi nhận kết quả đột biến trong quý 3 năm nay, qua đó giúp lợi nhuận cả 9 tháng được cải thiện đáng kể. Cụ thể trong quý 3 lợi nhuận trước thuế đạt 132 tỷ đồng, cao gấp 13 lần cùng kỳ năm 2018. Trước đó trong nửa đầu năm Saigonbank chỉ đạt lợi nhuận hơn 88 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh quý 3 tích cực đã giúp lợi nhuận 9 tháng vượt 220 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 30/9/2019, tổng tài sản của Saigonbank ở mức 22.077 tỷ đồng, tăng 8,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay đạt 14.511 tỷ đồng, tăng 6,1%.Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,02%.

Mới vào đầu mùa công bố kết quả kinh doanh nhưng những con số kể trên của các ngân hàng cho thấy triển vọng mùa kinh doanh 9 tháng vẫn lạc quan hơn so với dự đoán. Trước đó nhiều ý kiến lo ngại tăng trưởng tín dụng năm nay hạn chế trong khi chi phí huy động vốn tăng cao sẽ khiến cho lợi nhuận của các ngân hàng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Theo Tùng Lâm

Từ khóa:  ngân hàng , lãi
Cùng chuyên mục
XEM