Ngả mũ trước cách dân tộc thông minh nhất thế giới dạy con: Hãy để trẻ sống độc lập và có trách nhiệm

09/03/2017 10:25 AM | Sống

Trẻ em Do Thái được nuôi dạy với một sự tự do tuyệt vời. Những đứa trẻ có thể đi bộ hoặc đạp xe đến trường, rong chơi trước những cửa hàng tạp hóa hoặc công viên mà không có sự giám sát của cha mẹ.

Sống độc lập và có trách nhiệm: Kỹ năng quan trọng phụ huynh Do Thái dạy con

Các nghiên cứu cho thấy, thời thơ ấu thiếu tự do có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng trong cuộc sống trưởng thành. Trẻ em được bảo vệ quá mức sẽ trở thành những người lớn dễ bị tổn thương, có nguy cơ mắc chứng lo âu, trầm cảm nhiều hơn. Thậm chí, những đứa trẻ được bao bọc quá kĩ còn thiếu kỹ năng sống, kém khả năng tự ra quyết định, tự cân bằng trong cuộc sống và hạn chế khả năng đạt được mục tiêu sống hơn.

Một lý do khiến trẻ em Israel có vẻ tự do hơn trẻ ở các nước phương Tây khác bởi kiến trúc của những khu phố trong đất nước này. Họ thiết kế khu dân cư thân thiện, thích hợp cho mọi người đi bộ tới các địa điểm theo nhu cầu hàng ngày như trường học, công viên, hàng tạp hóa... Bên cạnh đó, theo truyền thống, người Do Thái rất coi trọng trẻ em. Điều răn thứ nhất trong kinh Torah có câu: "Hãy đi và nhân rộng giống nòi" (Go forth and multiply), theo tiếng Do Thái nghĩa là mỗi người đàn ông phải kết hôn và có ít nhất 2 đứa con.

Nhưng ngoài điều này, truyền thống Do Thái yêu cầu trẻ em phải được giáo dục để sống độc lập. Các giáo sĩ Do Thái đã chỉ thị, mỗi người cha dạy cho con trai mình cách buôn bán hoặc bơi. Lí giải điều này, người Do Thái cho rằng, khi bơi, con người tách ra khỏi môi trường sống quen thuộc. Khi một người biết bơi, họ cũng học được những kỹ năng cần thiết để tồn tại trong một môi trường mới lạ (như môi trường nước).

Một trong số những kỹ năng trẻ em Do Thái cần phải học nữa là có trách nhiệm với người khác, một điều dường như quá sớm đối với một đứa trẻ. Người Do Thái dạy cho trẻ 10 tuổi cách chăm sóc em như thay tã, cho ăn. Cũng từ lứa tuổi này, trẻ em Do Thái được coi là có trách nhiệm pháp lí với hành động của bản thân. Phụ huynh Do Thái thậm chí còn mong chờ thời điểm con cái họ có thể tự quyết định và chịu trách nhiệm với hành động của chúng.

Cùng với sự trách nhiệm, trẻ em Do Thái cũng được dạy sự tôn trọng cha mẹ, hỗ trợ cha mẹ việc nhà... Theo truyền thống Do Thái, cha mẹ mới là những người cần được nâng niu, chứ không phải những đứa trẻ.

Hãy để trẻ tự trải nghiệm cuộc sống

Trẻ em Do Thái thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội như thăm người bệnh, giúp đỡ trong các đám tang, nhảy múa trong đám cưới... Các hoạt động này đều nhằm mục đích dạy cho trẻ nhận thức những thăng trầm trong cuộc sống và học cách sống có trách nhiệm với người khác. Đó là điều không thể giảng dạy bằng giáo lí, trẻ cần được trực tiếp trải nghiệm.

Như vậy, thay vì giảng dạy cho con về những thăng trầm trong cuộc đời, các phụ huynh nên để trẻ trực tiếp tiếp xúc và trải nghiệm cả những cái tốt và cái xấu của cuộc đời. Chúng sẽ từ nhận thức và học được các kỹ năng. Cùng với quá trình đó, trẻ cũng sẽ học được kỹ năng quan trọng nhất của cuộc sống: khả năng tin tưởng vào người khác để có thể tìm được một bàn tay giúp đỡ khi cần.

Điểm mấu chốt của một xã hội lành mạnh là trẻ em phải có môi trường an toàn để có thể tự do hoạt động, chịu trách nhiệm với bản thân và xây dựng niềm tin tưởng. Để làm được điều đó, chúng ta cần tạo ra một cộng đồng an toàn để trẻ có thể tự khám phá cuộc sống và người lớn có đủ khả năng để chăm sóc gia đình, giáo dục con cái ở mức ưu tiên cao.

Theo Thu Hoài

Cùng chuyên mục
XEM