New York Times: Đã gần 20 năm kể từ khi ngành hàng không toàn cầu đối diện với mối đe doạ sống còn, có thể mất sạch 113 tỷ USD trong năm nay
Sự sụt giảm đột ngột trong lưu lượng di chuyển bằng đường hàng không trên toàn cầu cho thấy những tác động đối với nền kinh tế do dịch bệnh có thể đang bước vào giai đoạn căng thẳng hơn.
Sóng gió nối tiếp sóng gió của ngành hàng không
Trong bối cảnh virus corona bùng phát và tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, toàn bộ ngành hàng không đang trải qua sự xáo trộn. Ở phiên giao dịch ngày 5/3, các cổ phiếu ngành này lao dốc mạnh khi nhà đầu tư cho rằng số lượng chuyến bay bị huỷ, doanh thu giảm sút và cắt giảm dịch vụ còn tiếp tục tăng lên trong vài tháng tới. Một số hãng của Mỹ - bao gồm United Airlines, JetBlue và Lufthansa, đã thông báo về việc ngừng khai thác một số chuyến bay mới trong những ngày gần đây.
Theo đó, một hiệp hội thương mại dự đoán dịch bệnh này có thể "quét sạch" từ 63 tỷ USD đến 113 tỷ USD doanh thu của ngành hàng không trên toàn cầu trong năm 2020. Nicholas E. Calio – giám đốc của Airlines for America (tổ chức thương mại đại diện cho các hãng hàng không lớn của Mỹ), cho hay: "Số lượng hành khách trong tuần này luôn thấp hơn tuần trước. Các chuyến bay liên tiếp bị huỷ bỏ do không thiếu khách."
Virus corona đã khiến thị trường chứng khoán rung lắc, gây xáo trộn cho chuỗi cung ứng và khiến các công ty phải lên kế hoạch ứng phó khẩn cấp. Ở phiên 5/3, Dow Jones lại rớt gần 1.000 điểm, S&P 500 cũng mất hơn 3%. Tuy nhiên, sự sụt giảm đột ngột trong lưu lượng di chuyển bằng đường hàng không trên toàn cầu đã cho thấy những tác động đối với nền kinh tế do dịch bệnh có thể đang bước vào giai đoạn căng thẳng hơn.
David Clark – tổng giám đốc của FreeWheel – một công ty quảng cáo thuộc sở hữu của Comcast, đã đến Sân bay Quốc tế Kennedy ở New York vào sáng ngày 5/3, sau khi tham dự một cuộc họp ở Cancun, Mexico. Ông là một người thường xuyên đi công tác và chia sẻ chuyến bay của ông gần như trống không, cả 2 sân bay đều trong tình trạng lặng thinh. Clark cho biết có lẽ ông sẽ không di chuyển bằng đường hàng không trong nhiều tháng tới.
Đã gần 20 năm kể từ khi ngành hàng không phải đối mặt với mối đe doạ mang tính sống còn như vậy. Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, lưu lượng di chuyển bằng đường hàng không trên toàn cầu sụt giảm mạnh và phải mất nhiều năm để có thể hồi phục hoàn toàn. Còn hiện tại, có thể sự lây lan của virus corona sẽ gây ra thảm hoạ tương tự.
Gary Kelly – CEO của Southwest Airlines, chia sẻ với CNBC: "Đến cuối tuần trước, tôi bắt đầu chứng kiến tình trạng sụt giảm rất mạnh. Mọi thứ diễn ra như thời điểm sự kiện 11/9 xảy ra."
Ngành hàng không đã gặp nhiều rắc rối khi dòng máy bay Boeing 737 Max bị cấm bay sau 2 vụ tai nạn nghiêm trọng. Việc không được sử dụng một loại máy bay đã khiến một số hãng hàng không không thể đáp ứng được mục tiêu doanh thu, theo đó họ buộc phải huỷ hàng nghìn chuyến bay và gây tổn thất hàng tỷ USD.
Chuyển biến tiêu cực chưa từng có tiền lệ
Tuy nhiên, một vấn đề cơ bản xảy ra do sự lây lan của virus corona – đó là những đoàn khách du lịch đông người có thể sẽ tránh xa sân bay trong tương lai gần, lại là một mối đe doạ lớn hơn nhiều. Dù đã diễn ra trong thời gian đầu khi dịch bệnh bùng phát, nhưng vẫn có nhiều ý kiến lo ngại rằng sự gián đoạn kéo dài có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế về lâu dài. Hàng không thương mại – cũng như internet, là một phần trong mô hình liên kết nền kinh tế toàn cầu.
Alexandre de Juniac – chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), cho biết: "Trong vòng chưa đầy 2 tháng, triển vọng của ngành này ở nhiều nơi trên thế giới đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ, theo hướng tồi tệ hơn. Sự thay đổi nhanh chóng về doanh thu, lợi nhuận là gần như chưa có tiền lệ."
Trên khắp thế giới, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy ngành du lịch hàng không toàn cầu đang ngày càng hứng chịu sự trì trệ. Trên các phương tiện truyền thông, nhiều tài khoản đã chia sẻ hình ảnh về những chuyến bay hầu như không có hành khách. Một số khác lại đăng tải hình ảnh sân bay vắng vẻ và toàn bộ nhân viên đường băng đều mặc đồ bảo hộ tại các sân bay lớn như ở New Delhi, Zurich và Istanbul.
Kristi Faulkner – chủ tịch của công ty quảng cáo Womenkind, chia sẻ chị đang lên kế hoạch tham dự Shoptalk – một hội nghị lớn dành cho các thương hiệu bán lẻ ở Las Vegas. Khi sự kiện bị huỷ vào hôm 5/3, Faulkner cố gắng liên hệ với Delta Air Lines, nhưng chị lại nhận được một tin nhắn thông báo phải chờ 3 tiếng để nói chuyện với người đại diện. Nếu chị không di chuyển trong 72 giờ tới, chị nên gọi lại vào một ngày khác.
Dolly Meckler – một chiến lược gia truyền thông xã hội, bay từ New York đến Los Angeles vào hôm 4/3 sau khi tham dự cuộc họp và thăm gia đình. Chị nói: "Chuyến bay có tới một nửa ghế trống, nhiều hành khách phải sử dụng khăn giấy để khử trùng chỗ ngồi."
Trong năm 2018, các hãng hàng không đã phục hơn 4,3 tỷ lượt khách, tăng từ mức chưa đến 500 triệu người ở 2 thập kỷ trước, theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (CAO). Trong những năm gần đây, du lịch bằng đường hàng không đã tăng trưởng không ngừng nghỉ, đặc biệt là ở châu Á.
Hơn nữa, các sân bay cũng hỗ trợ sự phát triển của hệ sinh thái nhà hàng, cửa hàng, taxi và khách sạn – tất cả sẽ chịu ảnh hưởng nếu du lịch hàng không vẫn chịu sự gián đoạn. Theo nghiên cứu về Economic Impact of European Airports (Tác động kinh tế đối với các sân bay châu Âu), các sân bay ở khu vực này và các ngành đi theo đang hỗ trợ hơn 12,5 triệu việc làm và có giá trị khoảng 758 tỷ USD.
Ảnh hưởng của sự bùng phát dịch bệnh đã ngày càng rõ ràng hơn. Cổ phiếu của American Airlines và United Airlines đều giảm tới 13% hôm 5/3. Hôm 4/3, United cho biết hãng sẽ cắt giảm 20% chuyến bay trong tháng 4 và chuẩn bị cho kế hoạch tương tự vào tháng 5. JetBlue – hầu như chỉ khai thác các chuyến trong nước Mỹ, cho biết họ sẽ tạm thời cắt giảm 5% số lượng dịch vụ. Cả 2 hãng đều đưa ra những động thái như hoãn việc tuyển dụng nhằm tăng cường dự trữ tiền mặt .
Tham khảo New York Times