Nếu nghĩ làm doanh nghiệp nhà nước là nhàn thì phải xem nhật ký của cô gái này

09/09/2016 20:12 PM | Kinh doanh

Cư dân mạng đang lan truyền một clip của cô gái từng nếm trải cảm giác làm việc trong thời chiến ngay từ ngày đầu tiên, trưởng thành qua những cú sốc, thử thách, thất bại...

Rời nơi này để thực hiện ước mơ làm freelance producer, Trang phát hiện mình vừa tốt nghiệp thêm một trường đại học mới.

Ra trường hơn 1 năm (tốt nghiệp Học viện Báo chí và tuyên truyền), Đỗ Phương Trang vào làm việc tại Hội sở chính của một tập đoàn viễn thông sau 5 vòng thi với tâm trạng háo hức và hãnh diện. Thế nhưng, buổi họp đầu tiên mà cô gái này tham gia giống như một cú sốc.

Buổi họp đó có tên "45 ngày đêm làm việc với tinh thần thời chiến" – "Bây giờ là thời bình mà", Trang nhớ lại cảm giác lúc bước vào phòng lúc đó. Khi ấy, cô gái trẻ không hiểu làm việc với tinh thần thời chiến là gì và nghĩ: "mọi người họp hành hô hào khẩu hiệu như phim truyền hình Việt Nam".


Tâm sự lạ của cô gái khởi nghiệp với nghề freelance producer - Ảnh 1.

Tâm sự lạ của cô gái khởi nghiệp với nghề freelance producer - Ảnh 1.

Thế nhưng, tất cả mọi người trong cuộc họp thì rất nghiêm túc, thậm chí căng thẳng. "Hóa ra không phải hô khẩu hiệu à?" là cảm nghĩ lúc đó. Tuy nhiên, Trang cảm thấy buồn cười va pha lẫn màu sắc thú vị khi lần đầu tiên tiếp xúc với một văn hóa như vậy

Ngay sau cuộc họp, Trang về phòng và nhận ngay nhiệm vụ phỏng vấn một số người ở Burundi về tình hình nội chiến ở đất nước ấy và công việc của họ. Trước đó, Trang chưa từng nghe đến cái tên Burundi, cũng chưa biết là công ty đầu tư ở đây, không biết ở đâu… chỉ thấy mọi người trong phòng mình ngay lập tức lao vào việc.

"Nội chiến đang xảy ra ở Burundi và tình hình rất căng thẳng rồi. Bài vở phải đưa về và cập nhật ngay cho mọi người trong tập đoàn. Em không dám hỏi nhiều vì mọi người rất tập trung. Lúc đó em chỉ có một số điện thoại, một cái tên, em nhớ tên anh đó là Fabric…"

Khi Trang trao đổi với Fabric qua điện thoại, đường truyền rất xấu vì nội chiến nên cơ sở hạ tầng bị tàn phá.

Thế nhưng cô chuyên viên truyền thông mới vẫn nhớ như in câu nói của nhân viên người Burundi được giật lên làm tít của bài báo nội bộ: "Tôi sẽ chỉ nghỉ việc khi công ty đóng cửa". Trong cuộc phỏng vấn đó, Fabric khẳng định, chừng nào người Việt Nam vẫn ở đó, họ vẫn tiếp tục cùng làm việc.

Khi có đầy đủ thông tin viết bài báo, Trang vừa viết vừa khóc. Cô gái mới ra trường hơn 1 năm không thể tưởng tượng được rằng, tinh thần thời chiến từ một đất nước rất xa xôi đã truyền đến công việc mà mình đang làm nhanh chóng như vậy.

"Cảm phục những đồng nghiệp đang làm ở Burundi là ấn tượng đầu tiên của em. Nhưng sau đó em cũng nhận ra rằng những ngày tháng tiếp theo sẽ không hề dễ dàng", Trang tâm sự.

Đỗ Phương Trang có một cuốn nhật ký và thường viết cảm xúc chợt đến với mình dưới dạng tản văn. Thế nhưng, từ ngày vào công ty, cách ghi chép nhật ký của cô cũng thay đổi mà Trang chỉ nhận ra rõ ràng khi quyết định nghỉ việc tại đây:

"Em đọc lại thấy buồn cười vì trong quá trình làm việc cứ viết viết viết và không có thời gian đọc lại. Đó là một sự thay đổi rất lớn, với rất nhiều câu hô hào khẩu hiệu".

Từng trang nhật ký biến thành những bài học về đạo đức như tự kiểm điểm bản thân này, mình thiếu kỹ năng này, mình chưa làm được việc này, tại sao mình nhát như thế, tại sao mình kém như thế… "Nó không giống mình trước đây tí nào. Nó không còn là những trang nhật ký về cảm xúc như trước nữa, nó hoàn toàn là những lời tự động viên bản thân... ".

"Quyết định nghỉ việc ở công ty là cướp đi của bố mẹ niềm tự hào bởi con cái được làm việc ở một môi trường tốt. Bản thân em cũng nghĩ đến những gì mình đã mất đi khi làm việc và học được ở đây.

Em cũng tự hỏi mình có lãng phí thời gian ấy hay không, có đánh mất tương lai tốt đẹp hay không? Cái vòng thi thứ 6 (5 vòng thi trước là tuyển dụng) mà em đã dành hết thời gian, tình cảm, tâm huyết cho công ty, em nghĩ là mình đã thất bại. Em đã không vượt qua được vòng thi ấy".

"Phải nói rằng việc liên tục đối mặt với những công việc mới tưởng như bất khả thi đã rèn luyện cho em sự tự tin. Đây thật sự là môi trường làm việc mơ ước của bất cứ bạn trẻ nào, nhưng em tin đó cũng là một thách thức". Chính trong thời gian đó, dần dần Trang thấy giấc mơ làm freelance producer hiển hiện ngay trước mắt.

Lựa chọn rời bỏ công ty để thực hiện ước mơ của mình, Trang chia sẻ, giờ đây, em có thể tự tin vì hiểu rõ bản thân mình mà nếu không phải là tập đoàn đó, không phải là những tháng ngày khó khăn đã qua, sẽ còn lâu nữa em mới nhận ra được. "Em có cảm giác mình vừa tốt nghiệp một trường đại học mới", Đỗ Phương Trang tâm sự.

"Mỗi khi nhìn thấy những biển, băng rôn có từ Viettel, mình luôn cảm thấy liên quan ở đấy, là một phần ở đấy, mình lo lắng cho nó, mình quan sát xem có vấn đề xảy ra không. Bây giờ mỗi khi nạp một cái thẻ điện thoại mình vẫn nhớ cảm giác từng là một phần của nơi đó".

Theo Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM