Nếu Nga khóa van khí đốt sang châu Âu: “Trạng chết, chúa cũng băng hà”?

10/03/2022 09:15 AM | Xã hội

Giá khí đốt cao gấp 10 lần kể từ đầu năm 2021, gây áp lực nặng nề lên nền kinh tế châu Âu vốn đang từng bước phục hồi sau đại dịch Covid-19 và đang trải qua một mùa đông lạnh giá.

Hãng tin RT ngày 5/3 đưa tin, đường ống Yamal-Europe đã tạm dừng tất cả các nguồn cung cấp khí đốt sang phương Tây; tuy nhiên, sau đó tuyến này đã được nối lại. Tuyến đường ống Yamal-Europe là hệ thống không chạy qua Ukraine, mà qua Belarus, đến Ba Lan và Đức.

Động thái này sẽ khiến châu Âu, đặc biệt là Đức, nơi phụ thuộc đến 40% nguồn dầu mỏ nhập khẩu từ Nga, gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn cung thay thế.

Theo dữ liệu từ nhà điều hành đường dẫn khí đốt châu âu Gass Dòng chảy khí đốt của Nga đến Đức qua điểm đo Mallnow ở mức khoảng 10,6 triệu kilowatt giờ (kWh / h), theo dữ liệu từ nhà điều hành Gascade.

Nếu Nga khóa van khí đốt sang châu Âu: “Trạng chết, chúa cũng băng hà”? - Ảnh 1.

Sơ đồ hệ thống đường ống Yamal-Europe.

Khí đốt Nga quan trọng như thế nào?

Nga cung cấp gần 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu qua đường ống Yamal-Europe và chiếm 15% nguồn cung cấp về hướng Tây của nước này. Khí đốt Nga càng quan trọng với châu Âu khi sản lượng khí đốt tại các nước khác ở lục địa này ngày giảm trong thời gian qua.

Sản lượng của Hà Lan, từng là nhà sản xuất khí đốt lớn của Liên minh châu Âu (EU), đã giảm mạnh do chính phủ Hà Lan dần đóng cửa mỏ khí đốt Groningen khổng lồ để đối phó với các trận động đất do hoạt động sản xuất khí đốt.

Khí đốt cũng ngày càng có tầm quan trọng khi các nhà máy nhiệt điện than ngừng hoạt động ở các nước như Đức để đáp ứng các mục tiêu về môi trường và các nhà máy hạt nhân ở Đức và Anh cũng vậy.

Cùng thời điểm trên, các nước châu Âu đã và đang thực hiện cắt giảm sự phụ thuộc vào than đá để đạt mục tiêu khí hậu.

Bất chấp việc châu Âu đang đầu tư mạnh tay cho các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời, các nước vẫn cần nguồn năng lượng truyền thống phục vụ sản xuất và dân sinh.

Theo Tổng cục Năng lượng của EU, khoảng 25% năng lượng tiêu thụ của EU là từ khí đốt tự nhiên, dầu và dầu mỏ chiếm 32%, năng lượng tái tạo và năng lượng sinh học chiếm 18%, nhiên liệu hóa thạch rắn chiếm phần còn lại 11%.

Thực tế này cho thấy, khu vực này đã phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng Nga. Theo Tổng cục Năng lượng EU, tỷ trọng khí đốt EU nhập từ Nga chiếm 41%, Na Uy 24% và Algeria 11%.

Tờ The New York Times cho biết, theo các chuyên gia, lý do khí đốt Nga chiếm ưu thế là do trong các nhà cung cấp nước ngoài, khí đốt của Nga là rẻ nhất. Thay vì đa dạng hóa nhà cung cấp, các tuyến đường nhập khẩu khí đốt của Nga đã được đa dạng hóa.

Ngoài giá rẻ, lượng dự trữ khí đốt của Nga còn lớn hơn bất kỳ nguồn cung nào khác gần đó, chuyên gia Georg Erdmann của Đại học Công nghệ Berlin cho biết.

Điều gì sẽ xảy ra cho châu Âu?

Nếu Nga khóa van khí đốt sang châu Âu: “Trạng chết, chúa cũng băng hà”? - Ảnh 2.

Một trạm trung chuyển khí đốt thuộc dự án đường ống Nord Stream 1.

Khủng hoảng Ukraine xảy đến đúng thời điểm không thích hợp nhất với phương Tây: Giá năng lượng thế giới đang tăng vọt vì nguồn cung dầu mỏ lẫn khí đốt không bắt kịp nhu cầu hồi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19 và một mùa đông giá rét.

Và giờ đây, căng thẳng leo thang hơn nữa khi Nga mới đây đã quyết định khóa van đường ống Yamal-Europe nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt dồn dập của phương Tây.

Thậm chí, Nga hôm 7/3 cảnh báo có thể cắt cung cấp khí tự nhiên cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1).

Trong tương lai gần, nền kinh tế lớn nhất của khu vực là Đức sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt vì nước này đang ngừng sử dụng than và năng lượng hạt nhân. Ảnh hưởng tương tự cũng sẽ xảy ra với các nước nhận khí đốt thông qua các đường ống Yamal-Europe.

Trong phiên giao dịch ngày 7/3, giá khí đốt ở châu Âu có lúc tăng 80%. Giá khí đốt được dự báo sẽ tăng cao hơn nữa, đẩy chi phí của các nhà máy nhiệt điện tăng lên, dồn áp lực giá lên người tiêu dùng và leo thang lạm phát.

Giá năng lượng tăng phi mã còn tác động tiêu cực tới nỗ lực phục hồi kinh tế toàn cầu hậu Covid-19.

Nhiều nhà máy tiêu thụ nhiều điện năng như sản xuất phân bón hay kim loại ở châu Âu lâm vào tình cảnh tạm ngưng hoạt động, khiến nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Châu Âu đang lên phương án tìm các nguồn cung thay thế nhưng đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Nếu mua khí đốt từ Mỹ hay Qatar, các nước châu Âu sẽ phải chấp nhận trả mức giá cao hơn nhiều.

Châu Âu cũng đang thúc đẩy các kế hoạch xây dựng các trạm nhập khẩu khí đốt và đường ống để không phụ thuộc vào Nga, đồng thời trao đổi về việc cho phép các nhà máy điện than tiếp tục phát thải trong thời gian dài hơn miễn là điều đó giúp duy trì sự độc lập về năng lượng.

Tuy nhiên, nhiều biện pháp trong số đó sẽ phải mất vài tháng và trong trường hợp xây dựng các đường ống hay trạm nhập khẩu mới, việc này có thể kéo dài hàng năm.

Câu trả lời về dài hạn cho vấn đề năng lượng ở châu Âu là sản xuất các nguồn năng lượng có thể tái tạo như gió và năng lượng mặt trời. Dù vậy, hiện nay, châu Âu vẫn phụ thuộc vào khí đốt để phục vụ cho các máy sưởi trong nhà, sản xuất điện và cung cấp cho các ngành công nghiệp như sản xuất phân bón.

Các nhà chức trách EU cũng đang hối thúc các quốc gia ký các thỏa thuận chia sẻ khí đốt trong những trường hợp khẩn cấp.

Nga cũng khốn đốn

Một số nhà quan sát cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không khóa van Dòng chảy phương Bắc 1 bởi vì cắt nguồn cung khí đốt quan trọng nhất hiện nay đối với khách hàng số 1 châu Âu cũng sẽ khiến nguồn doanh thu của Moscow gặp rủi ro.

Bởi điều đó sẽ khiến Nga mất đi những khách hàng lớn nhất ở châu Âu và doanh thu khoảng 300 triệu USD/ngày.

Nếu Nga khóa van khí đốt sang châu Âu: “Trạng chết, chúa cũng băng hà”? - Ảnh 3.

Tuyến đường ống dẫn khí đốt Yamal-Europe mang về cho Nga lợi nhuận lớn.

Cựu đặc phái viên Mỹ về các vấn đề năng lượng quốc tế dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông David Goldwyn, nhận định: "Trong khi châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt Nga, bản thân Nga cũng phụ thuộc vào thị trường châu Âu và không dễ dàng tìm được khách hàng thay thế".

Đương nhiên, sự ổn định về giá cả, ổn định nguồn cung - cầu là thiết yếu cho nền kinh tế Nga, cho nền tài chính của nước này cũng như là cho cam kết xã hội của ông Putin, tờ Atlantico dẫn lời chuyên gia Cyrille Bret tại trường Khoa học Chính trị Paris cho biết.

Bởi vì, nguồn thu từ xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ chiếm khoảng từ 35-50% nguồn thu thuế của Nga. Khi giá cả hay nhu cầu giảm, chính sách công của Nhà nước Nga sẽ đối mặt nguy cơ vấp phải làn sóng chỉ trích như những gì xảy ra trong cuộc khủng hoảng 2015.

Sự lệ thuộc vào xuất khẩu khí đốt và các nguồn nhiên liệu khác cũng khiến nước Nga dễ bị lung lay.

The Economist dẫn minh chứng của Phó tổng biên tập tạp chí năng lượng Energy Intelligence Jaime Concha với tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga.

Theo ông này, trong trường hợp giả định, không có bất kỳ hình phạt nào và mức giá trung bình hàng ngày lấy theo mức trung bình của quý IV/2021, việc ngừng hoàn toàn khí đốt sang châu Âu sẽ khiến Gazprom bị mất doanh thu từ 203 - 228 triệu USD/ngày. Nếu trường hợp này kéo dài ba tháng, doanh thu bị mất sẽ lên tới khoảng 20 tỷ USD.

Sự mất mát lớn này có thể sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế chủ yếu dựa vào bán khí đốt cho phương Tây của Nga.

Do vậy, giới chuyên gia cảnh báo, Nga không nên đi quá đà. Khí đốt có thể là một công cụ ngoại giao hiệu quả, nhưng cũng là một "con dao hai lưỡi" khó điều khiển.

Nếu tiếp tục cắt nguồn cung, điều đó có thể làm tổn hại đến hình ảnh đối tác thương mại đáng tin cậy mà Nga đã cố công xây dựng và có thể gây ra những thiệt hại cho đất nước trong dài hạn.

Nếu châu Âu thoát khỏi khủng hoảng và thành công trong nỗ lực tìm kiếm những nguồn năng lượng thay thế Nga và đa dạng hóa nhiều hơn các nguồn cung ứng năng lượng, hệ quả đối với Moscow cũng khôn lường.

Tất nhiên, Nga có thể quay sang Trung Quốc để tìm nguồn khách hàng mới, nhưng giới chuyên gia cảnh báo dù Bắc Kinh có tăng gấp đôi nhu cầu, tức khoảng 76 tỷ m3 khí đốt mỗi năm thì cũng chỉ bằng 1/3 sức mua của châu Âu, mỗi năm cần đến hơn 200 tỷ m3.

Theo Nam Anh

Cùng chuyên mục
XEM