Nếu IPO thành công, Xiaomi sẽ tạo ra thêm 7 tỷ phú đôla mới
Nếu giá trị thị trường ở mức 100 tỷ USD, Xiaomi có thể sẽ có thêm 5 tỷ phú nữa.
Khi các nhà sáng lập Xiaomi đang ăn cháo hạt kê tại văn phòng nằm ở quận Zhongguancun ở Bắc Kinh vào năm 2010, họ đã quyết định tạo ra một thương hiệu điện thoại thông minh chuyên bán các thiết bị với mức giá "dễ chịu".
8 năm sau đó, Lei Jun và 7 nhà sáng lập khác của Xiaomi đã tạo ra công ty có khả năng thách thức toàn bộ ngành công nghiệp smartphone toàn cầu vốn lâu nay bị thống trị bởi Apple và Samsung. Họ cũng nhắm tới mục tiêu "lên sàn" nhiều khả năng trở thành thương vụ IPO lớn nhất kể từ năm 2014 và có thể tạo ra một vài tỷ phú đôla mới.
Cụ thể tuần trước, Xiaomi đã nộp hồ sơ xin IPO lên Sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong có nhiều khả năng đưa giá trị của công ty trong khoảng từ 50 tỷ USD - 100 tỷ USD. Theo thống kê của Bloomberg thì Lei - chủ tịch và là CEO công ty, cũng là cổ đông lớn nhất với 31,4% cổ phần trong khi đó các nhà sáng lập còn lại kiểm soát 27% cổ phần công ty.
Hiện tại cả Lei và Lin Bin - chủ tịch Xiaomi đều đã là tỷ phú nhưng nếu IPO thành công và công ty được định giá ở mức 50 tỷ USD, Xiaomi có thể tạo ra thêm 3 tỷ phú mới nữa. Còn nếu giá trị thị trường ở mức 100 tỷ USD, có thể sẽ có thêm 5 tỷ phú nữa.
Đây chính là minh chứng điển hình cho sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Trong số 500 người giàu có nhất thế giới, có 40 người Trung Quốc - đứng thứ 2 ngay sau Mỹ với tổng giá trị tài sản gộp lại đạt 464 tỷ USD theo tính toán của Bloomberg.
Hiện phía Xiaomi từ chối đưa ra bình luận về lượng tài sản của các nhà sáng lập.
Tài sản của những "tỷ phú đôla tương lai kể trên" lớn tới đâu sẽ phụ thuộc nhiều vào việc có bao nhiêu cổ phiếu mới được phát hành bởi lượng bán ra công chúng dự kiến từ 15 - 25%.
Tuy nhiên, sự nhiệt tình quá mức của các nhà đầu tư với các công ty công nghệ Trung Quốc vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Cổ phiếu của nhà cung cấp dịch vụ công nghệ sức khỏe trực tuyến Ping An Healthcare đã giảm xuống dưới mức giá IPO trên sàn Hong Kong vào tuần qua.
"Trong vài tháng qua, phong độ của những công ty hậu IPO khá trái chiều", Sundeep Gantori - chuyên gia phân tích tại UBS Global Wealth Management bình luận.
"Giá trị kỳ vọng đối với Xiaomi phụ thuộc vào việc các nhà đầu tư xem công ty như một hãng internet hấp dẫn hay chỉ là nhà sản xuất điện thoại giá rẻ", theo Mo Jia - một chuyên gia phân tích tại Canalys ở Thượng Hải. Kể cả khi Xiaomi đạt được giá trị cao thì "cũng khó có thể nói điều này sẽ tồn tại được bao lâu".
Giá trị ở mức 50 tỷ USD với 25% cổ phần bán ra công chúng sẽ định giá mức cổ phần của Lei ở mức 11,8 tỷ USD trong khi đó với mức giá trị 100 tỷ USD vốn hóa và 15% cổ phần được bán ra thì số cổ phần này sẽ trị giá 26,7 tỷ USD. Điều đó cũng có nghĩa là tổng tài sản của ông sẽ đạt mức 28,3 tỷ USD bao gồm cả các khoản đầu tư vào Kingsoft và YY Inc - biến Lei Jun trở thành người giàu thứ 4 Trung Quốc chỉ sau Jack Ma, Pony Ma và Hui Ka Yan - chủ tịch China Evergrande.
Nếu Lei và những người khác quyết định bán ra một vài cổ phần hiện tại, những con số trên có thể bị sai lệch đi ít nhiều.