Nếu dịch phức tạp, tổ chức thi tốt nghiệp THPT nhiều đợt
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT, tuỳ tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19, Bộ GD&ĐT sẽ quyết định phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo nguyên tắc: tổ chức kỳ thi đối với các địa phương an toàn (không bị giãn cách xã hội). Trong trường hợp cần thiết, Bộ sẽ phối hợp các địa phương để tổ chức thêm đợt thi như năm 2020.
Ông Trinh cho biết, từ ngày 27/4, hệ thống đăng ký thi của Bộ GD&ĐT mở để tiếp nhận hồ sơ đăng ký của học sinh. Đến sáng 7/5, có hơn 700.000 thí sinh đăng ký dự thi.
Vẫn sẽ tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn
Ông Trinh nói rằng, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp; Bộ GD&ĐT đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các địa phương và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch để có các phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2021. Bộ GD&ĐT giữ quan điểm tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chất lượng nhưng phải bảo đảm an toàn, nhất là an toàn trong phòng chống dịch. Kỳ thi dự kiến được tổ chức từ ngày 6-8/7; từ nay đến đó tùy tình hình diễn biến dịch bệnh, Bộ sẽ quyết định phương án tổ chức.
Ảnh minh họa.
Với kinh nghiệm tổ chức kỳ thi năm ngoái, Bộ đã tính đến kịch bản nếu dịch vẫn phức tạp, sẽ tổ chức kỳ thi đối với các địa phương an toàn (không bị giãn cách xã hội). Các địa phương phải tiến hành các biện pháp khử khuẩn, trang bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tại các điểm thi, đảm bảo khoảng cách… Tại các điểm thi, khu vực thi sẽ bố trí phòng thi cho thí sinh diện F1, F2, F3. Thí sinh là F1 sẽ được trang bị quần áo bảo hộ, phòng thi riêng. Thí sinh là F2, F3 cũng sẽ có giải pháp phù hợp và được lực lượng y tế hỗ trợ.
“Trường hợp cần thiết, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các địa phương để tổ chức thêm đợt thi. Hiện nay, đơn vị đã chủ động xây dựng ngân hàng đề với số lượng câu hỏi đủ đáp ứng số lượng, chất lượng để xây dựng đề thi đáp ứng yêu cầu tổ chức thi nhiều đợt khác nhau”, ông Trinh nói.
Đề thi cơ bản, có câu hỏi khó
Nhiều học sinh băn khoăn, lo lắng việc học trực tuyến sẽ không đảm bảo chất lượng như học trực tiếp trên lớp. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT nói rằng, các em nên ổn định tâm lý, vận dụng linh hoạt các phương thức học tập (học trực tiếp, trực tuyến, tự ôn tập…) để có kiến thức chắc chắn, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Trước đó, Bộ GD&ĐT đã công bố đề minh họa để học sinh, nhà trường hình dung và ôn tập.
Đề thi luôn là vấn đề được Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm. Năm nay, những nội dung, kiến thức lớp 11, 12 đã tinh giản sẽ không được đưa vào đề. Nội dung đề sẽ bao gồm các câu hỏi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, trong đó phần lớn câu hỏi cơ bản đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp và có số lượng câu hỏi khó để phân hóa kết quả thi của thí sinh, nhất là đối với vùng điểm cao như điểm 9, điểm 10. Để thí sinh thuận lợi khi làm bài thi, các câu hỏi trong đề sẽ được sắp xếp từ dễ đến khó. Thời điểm này, dù ôn tập trực tuyến hay trực tiếp, giáo viên cũng nên bám sát đề minh họa để ôn tập cho học sinh. Các trường phân tích kỹ đề thi tham khảo để có thể định hướng dạy học, ôn tập.
Đối với thí sinh, ông Trinh lưu ý, năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 vẫn giữ nguyên phương thức như năm ngoái. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT có một số điều chỉnh, tăng kỷ luật, thí sinh không được mang thiết bị cấm vào phòng thi. Cán bộ coi thi sẽ được lưu ý về việc nhắc nhở thí sinh một lần trước khi phát đề thi nhằm đề phòng trường hợp thí sinh quên. Nếu sau khi được nhắc nhở, thí sinh vẫn cố tình vi phạm thì sẽ bị đình chỉ thi, phải rời khỏi phòng thi, chuyển sang phòng chờ cho hết thời gian làm bài.
Đối với nhà trường, ông lưu ý, năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục đối sánh kết quả thi với học bạ. Do đó, các trường phải kiểm tra, đánh giá học sinh khách quan, nghiêm túc, không được nâng điểm.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 được giao cho các địa phương tổ chức từ ngày 6/7 đến hết ngày 9/7, trong đó thí sinh làm bài thi trong 2 ngày, 1 ngày đến làm thủ tục dự thi, 1 ngày dự phòng. Năm ngoái, kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 nên được chia làm 2 đợt.