Nếu bạn định từ bỏ ước mơ, hãy nhìn cách vượt lên số phận của chàng tân SV bị chất độc da cam này!

12/09/2016 09:52 AM | Sống

Mang trong mình căn bệnh chất độc da cam, do sức khỏe yếu và gia đình quá nghèo nên chỉ được đi học 7 năm, thế nhưng bằng nghị lực phi thường, cậu học trò khuyết tật đã chạm đến ước mơ trở thành dũng sĩ công nghệ thông tin khiến nhiều người phải nể phục.

Gian nan đường đến trường

Trong cuộc sống, chắc hẳn có lúc bạn sẽ cảm thấy nản lòng trên chặng đường hiện thực hóa ước mơ của mình. Thế nhưng đừng vội bỏ cuộc vì ở đâu đó trên cuộc đời này vẫn còn những người sinh ra đã kém may mắn hơn bạn rất nhiều nhưng họ chưa bao giờ có ý định từ bỏ ước mơ, bởi họ luôn quan niệm rằng "ước mơ phải lớn hơn sự sợ hãi". Và câu chuyện về chàng tân sinh viên bị chất độc da cam mà tôi kể dưới đây là một minh chứng như thế!

Mang trong mình căn bệnh chất độc da cam nhưng Hùng Anh chưa bao giờ có ý định từ bỏ ước mơ vào giảng đường đại học

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, lại mang trong mình chất độc da cam di truyền từ cha khiến chàng trai Trương Hùng Anh (SN 1990, trú xã Điện Phước, Điện Bàn, Quảng Nam) bị bại não, rối loạn hệ vận động, chân tay xiêu vẹo, đầu bị lệch về một bên và giọng nói ngọng nghịu…


Đôi tay dị tật khiến cho việc cầm bút của Hùng Anh gặp rất nhiều khó khăn

Đôi tay dị tật khiến cho việc cầm bút của Hùng Anh gặp rất nhiều khó khăn


Thế nhưng cậu vẫn quyết tâm chinh phục từng con chữ.

Thế nhưng cậu vẫn quyết tâm chinh phục từng con chữ.

Cha của Hùng Anh là chú Trương Phú Một (54 tuổi), từng tham gia chiến đấu trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất. Sau ngày giải phóng, may mắn được trở về với gia đình nhưng chú Một lại bị phơi nhiễm chất độc da cam. Chú Một và cô Trần Thị Lệ Hương có với nhau ba người con, nhưng éo le khi hai người con trai đầu đều bị khuyết tật, người con gái út tuy cơ thể lành lặn nhưng sức khỏe cũng rất ốm yếu.

Mặc dù có số phận kém may mắn, thế nhưng nghị lực sống và ước mơ của Hùng Anh thì luôn mãi tràn đầy...

Đến tuổi cắp sách tới trường nhưng Hùng Anh vẫn chưa thể bi bô nói chuyện, chân tay ngày càng teo rút khiến mọi sinh hoạt trở nên khó khăn nên cậu đành ngậm ngùi gác ước mơ được đi học như bạn bè cùng trang lứa.

Mãi đến năm 2000, khi cô em gái Trương Ánh Diệu (SN 1993) vào lớp 1 thì khát khao con chữ của Hùng Anh mới bắt đầu được nhen nhóm. Cứ thế, sau mỗi buổi đến lớp, em Diệu lại trở thành gia sư dạy chữ cho anh trai mình.


Ấn tượng của tôi về chàng kỹ sư tương lai này là nụ cười luôn nở trên môi.

Ấn tượng của tôi về chàng kỹ sư tương lai này là nụ cười luôn nở trên môi.

Nhắc đến chuyện này, Diệu cười tươi chia sẻ: "Mình học trước nên nhường hết sách vở và tài liệu cũ cho anh. Những ngày cuối tuần về quê mình lại tranh thủ giúp anh ôn tập lại kiến thức. Gia đình khó khăn nên anh em mình tự mày mò học là chính… Hiểu hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại không muốn trở thành gánh nặng nên anh hai em quyết tâm phải thi đậu vào đại học và hôm nay anh ấy đã chạm đến được ước mơ của mình... ".


Mỗi ngày đến trường với Hùng Anh là cả một sự cố gắng, kiên trì vượt lên nỗi sợ hãi mang tên chất độc màu da cam...

Mỗi ngày đến trường với Hùng Anh là cả một sự cố gắng, kiên trì vượt lên nỗi sợ hãi mang tên chất độc màu da cam...

"Quãng thời gian con bé út với tôi dạy chữ cho Hùng Anh là khó khăn nhất. Do tay bị dị tật bên cứ mỗi lần cầm bút lên chưa kịp viết là nó đã làm rơi xuống ngay. Phải mất gần một tháng thì nó mới cầm bút được…Tội nghiệp nó ham học lắm, thấy bạn bè cắp sách đến trường, nó lại nằng nặc đòi đi học cho bằng được…", bà Hương xúc động, tâm sự.

Chạm đến ước mơ…

Thấy con ham học, năm 2009, ông Một, bà Hương khăn gói đi khắp các trường để xin cho con nhập học. Dù quá tuổi và là trẻ khuyết tật, nhưng với sự chân thành và kiên trì thuyết phục, cuối cùng Hùng Anh cũng được nhận vào lớp 6 trường THCS Trần Quý Cáp (xã Điện Phước) để dự thính.

Tuy mang trong mình căn bệnh quái ác nhưng ngay từ lúc nhỏ, Hùng Anh đã biết phụ mẹ trông nom người em trai cũng bị chất độc da cam nặng hơn mình.

Do bị khuyết tật nên việc đọc và viết của Hùng Anh gặp rất nhiều khó khăn, thế nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường, cậu đã chiến thắng bệnh tật và sự mặc cảm của bản thân để đều đặn cắp sách đến trường trau dồi tri thức. Cứ thế, bất kể nắng mưa, Hùng Anh vẫn không bỏ bất cứ buổi học nào, sáng cha chở đến trường, học xong lại nhờ bạn bè chở về.


Hùng Anh vui mừng khoe với chúng tôi tờ giấy báo trúng tuyển đại học...

Hùng Anh vui mừng khoe với chúng tôi tờ giấy báo trúng tuyển đại học...


... và hào hứng với chiếc điện thoại phần thưởng của cha mình tặng

... và hào hứng với chiếc điện thoại phần thưởng của cha mình tặng

Thế nhưng, chặng đường đến trường của Hùng Anh rất chông chênh, năm 2013, sau khi hoàn thành chương trình cấp 2, do không có học bạ nên cậu học trò đặc biệt này đứng trước nguy cơ không được vào cấp ba. May mắn thay, sau khi đọc được những dòng tâm thư của ông Một, Sở GD-ĐT Quảng Nam đã quyết định nhận Hùng Anh vào học tiếp cấp 3 tại trường THPT Nguyễn Duy Hiệu.

Suốt 3 năm học phổ thông, Hùng Anh luôn đạt thành tích cao và nằm trong top đầu của lớp, trong đó điểm tổng kết các môn tự nhiên của cậu khá cao: Toán 9,3 điểm, Lý 8,4 điểm và Hóa 7,2 điểm.

Bạn Hà Anh Khánh, người 3 năm nay chở Hùng Anh đi học đến chia vui cùng cậu bạn đặc biệt của mình.

Đặc biệt, trong kỳ thi THPT vừa qua, Hùng Anh đã thi đậu vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng với tổng số điểm xét duyệt là 22 điểm ở các môn thi khối A và được đặc cách vào học ngành Công nghệ thông tin theo nguyện vọng.


Chặng đường đến trường của con luôn có hình bóng mẹ cha

Chặng đường đến trường của con luôn có hình bóng mẹ cha

Lúc chúng tôi đến nhà thăm, đúng lúc ông Một đang xếp áo quần để chuẩn bị đưa Hùng Anh ra Đà Nẵng nhập học. Nói về cậu con trai đặc biệt của mình, ông Một tự hào chia sẻ: "Thật không thể diễn tả được niềm hạnh phúc khi tôi nghe tin con mình đậu đại học. Mấy hôm nay, bà con hàng xóm rồi thầy cô ai cũng tới chúc mừng thằng Anh hết. Phận làm cha, tôi không mong ước gì nhiều, chỉ mong con có đủ sức khỏe để theo đuổi ước mơ của mình, còn dù có khó khăn, cực khổ đến mấy thì tôi cũng chịu được…".

Được biết, để kiếm tiền nuôi con ăn học và tiện chăm lo cho Hùng Anh, ông Một đã xin vào làm giữ xe tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Còn bà Hương vừa ở nhà chăm sóc em trai của Hùng Anh là Trương Phúc Thiện nằm liệt một chỗ, vừa tranh thủ làm thuê cho làng xóm để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình.


Hùng Anh xứng đáng là tấm gương cho tinh thần vượt khó, rất đáng để học tập và noi theo.

Hùng Anh xứng đáng là tấm gương cho tinh thần vượt khó, rất đáng để học tập và noi theo.

Chia sẻ về dự định cho tương lai, Hùng Anh ngọng nghịu nói: "Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này ra trường có việc làm, phụ giúp cha mẹ và nuôi em Thiện. Dù biết chặng đường phía trước còn rất nhiều khó khăn nhưng em chưa bao giờ để sự sợ hãi che mờ ước mơ của mình cả".

Chia tay Hùng Anh ra về mà lòng tôi tự nhiên thấy ấm áp lạ thường khi nghĩ lại hành trình tìm kiếm tri thức của chàng trai khuyết tật ấy. Và tôi chột dạ nghĩ, đã đến lúc, chúng ta nên ngừng than vãn, thôi ân hận hay dằn vặt bản thân mà hãy bắt đầu chinh phục từng bước khó khăn, thử thách bằng chính nghị lực và cố gắng từng ngày. Bởi, tất cả ước mơ đều có thể thành hiện thực nếu chúng ta dám can đảm để theo đuổi.

Cùng chuyên mục
XEM