Neelakantha Bhanu Prakash: Chàng trai tính toán nhanh nhất thế giới

01/09/2020 11:15 AM | Xã hội

Ở tuổi 20, Bhanu đã giành huy chương vàng đầu tiên cho Ấn Độ ở giải vô địch tính nhẩm thế giới. Bhanu nói rằng toán học là một môn thể thao tinh thần và sứ mệnh quan trọng nhất của anh ấy là “xóa bỏ chứng sợ toán học.”

Bhanu luôn nghĩ về các con số và hiện là người tính toán nhanh nhất thế giới. Khi so sánh tính nhẩm và chạy nước rút, anh nói rằng không ai thắc mắc những người chạy nhanh nhưng luôn có những câu hỏi xoay quanh khả năng tính nhẩm.

Khi trò chuyện với BBC Radio 1 Newsbeat, Bhanu cho biết: “Chúng ta ca tụng những người như Usain Bolt khi anh ấy chạy nước rút 100m trong vòng 9,8 giây. Nhưng chúng ta không thắc mắc gì về khả năng chạy nhanh trong một thế giới đã có ô tô và máy bay. Nó [khả năng chạy nước rút] truyền cảm hứng cho mọi người vì cơ thể bạn có thể làm được những điều khó có thể tưởng tượng được – và các phép tính và toán học cũng vậy.”

Hầu hết mọi người có thể nghĩ rằng Bhanu là một thiên tài bẩm sinh, nhưng sự thật thì hoàn toàn trái ngược. Một tai nạn khi Bhanu 5 tuổi, khiến anh phải nằm liệt giường với chấn thương đầu trong vòng một năm, là khởi nguồn cho thành tích tuyệt vời của anh ở thời điểm hiện tại.

Bhanu chia sẻ: “Bố mẹ nói rằng tôi có thể bị suy giảm nhận thức. Do đó, tôi đã bắt đầu tính nhẩm để tồn tại, để giữ cho bộ não của tôi hoạt động.” Anh ấy nói xuất thân từ một gia đình trung lưu ở Ấn Độ, mục tiêu thường là kiếm một công việc tốt hoặc mở một công ty, chứ không phải đi theo một lĩnh vực như toán học. Nhưng nhờ năng khiếu với những con số, Bhanu sắp hoàn thành tấm bằng Toán học của mình.

Neelakantha Bhanu Prakash: Chàng trai tính toán nhanh nhất thế giới - Ảnh 1.

Bhanu cho rằng thành tích tính nhẩm hiện tại của mình là nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Nó không chỉ đơn giản là ngồi vào bàn và học; thay vào đó, anh xem nó như một môn thể thao tinh thần: “Tôi đã chuẩn bị tinh thần để không chỉ là một nhà toán học nhanh nhẹn mà còn là một nhà tư duy nhanh nhạy.”

Khi còn nhỏ, Bhanu thường luyện tập từ 6-7 giờ/ngày ngoài giờ học. Nhưng kể từ khi giành chức vô địch và những kỷ lục, anh không còn ‘luyện tập chính thức’ nhiều như vậy mỗi ngày nữa.

Thay vào đó, anh ấy dựa vào luyện tập ngẫu nhiên bằng cách luôn nghĩ về những con số: “Tôi luyện tập khi bật nhạc lớn, nói chuyện với mọi người và chơi cricket, bởi vì đây là lúc não của bạn đang được huấn luyện để làm nhiều việc cùng một lúc.”

Bhanu đã chứng minh điều này bằng cách đọc bảng cửu chương của 48 khi đang được phỏng vấn. Anh chia sẻ thêm về phương pháp luyện tập của mình: “Tôi cộng dồn biển số của mỗi taxi đi ngang qua tôi. Nếu tôi đang nói chuyện với ai đó, tôi sẽ đếm xem họ chớp mắt bao nhiêu lần – nghe thì hơi kỳ dị - nó giúp cho bộ não của bạn hoạt động.”

Mục tiêu của Bhanu không chỉ là tiếp tục phá kỷ lục, mà sứ mệnh quan trọng nhất của anh là xóa bỏ chứng sợ toán học: “Sợ hãi ảnh hưởng đến sự nghiệp mà họ theo đuổi và điều đó có nghĩa là họ sẽ không theo môn toán.”

Theo Bhanu, các nhà toán học thường bị coi là lập dị và mọt sách, nhưng bằng cách cạnh tranh trong các cuộc thi quốc tế, anh muốn quảng bá rằng toán học là một lĩnh vực thú vị.

Với 4 kỷ lục thế giới và nhiều thành tích khác, gia đình của Bhanu rõ ràng thực sự tự hào về anh. Bhanu biết ơn gia đình vì đã khuyến khích và giữ đôi chân của anh ấy trên mặt đất.

Anh chia sẻ: “Sau khi tôi giành chức vô địch quốc tế đầu tiên, chú tôi đã khuyến khích tôi hãy cố gắng và nhanh hơn bất kỳ ai từng sống. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng mình sẽ trở thành người tính toán nhanh nhất thế giới.”

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM