Năm Tuất "xông đất" các ngân hàng có "Sếp" tuổi Tuất

16/02/2018 14:41 PM | Kinh doanh

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là các ngân hàng có lãnh đạo tuổi Tuất đều rất ăn nên làm ra trong những năm vừa qua.

VietinBank 

Ngân hàng VietinBank đang là một trong những ngân hàng lớn nhất hệ thống với tài sản đạt trên 1 triệu tỷ đồng, vốn điều lệ trên 37 nghìn tỷ và hệ thống mạng lưới trên 1.000 điểm giao dịch. Năm 2017, VietinBank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 9.200 tỷ đồng và sau thuế 7.460 tỷ - lớn thứ 4 trên sàn chứng khoán chỉ sau Vinamilk, Vietcombank và Tập đoàn Hòa Phát.

Kể từ khi ông Lê Đức Thọ - Tuổi Canh Tuất 1970 - lên nắm giữ chức Tổng giám đốc ở VietinBank, ngân hàng này liên tục ăn nên làm ra với lợi nhuận trước thuế 2014 và 2015 là hơn 7.300 tỷ mỗi năm, 2016 đạt trên 8.500 tỷ và 2017 là hơn 9.200 tỷ. Riêng năm 2017, không chỉ lãi lớn mà ngân hàng này còn mạnh tay chi cho hoạt động an sinh xã hội với số tiền khổng lồ lên đến 700 tỷ đồng.

Năm 2018, VietinBank có tham vọng bứt phá mạnh mẽ hơn nữa với mục tiêu tăng thêm tổng tài sản 15 – 17%; huy động vốn tăng khoảng 18-20%, tín dụng tăng 16 – 17% cùng khoản lợi nhuận đạt hoặc vượt so với cổ đông giao phó. 5 trọng tâm mà ngân hàng này đặt ra cho năm nay gồm: Tăng trưởng gắn với cơ cấu khách hàng, cơ cấu ngành hàng; tăng hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tăng thu ngoài lãi, phát triển sản phẩm, dịch vụ truyền thống, sản phẩm, dịch vụ mới có hàm lượng công nghệ cao, cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, chất lượng phục vụ; thực hiện tái cơ cấu ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu, nợ ngoại bảng; nâng cao năng suất lao động; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản trị điều hành hoạt động.

VPBank 

VPBank là ngân hàng được nhắc đến với tần suất nhiều nhất những năm gần đây như một điển hình về sự thành công trong kinh doanh, và tất nhiên cũng gắn liền với cái tên vị CEO Nguyễn Đức Vinh - tuổi Mậu Tuất 1958.

Năm 2017 VPBank ghi nhận lãi trước thuế trên 8.000 tỷ đồng, đứng đầu trong nhóm cổ phần tư nhân, tăng gần gấp đôi so với năm 2016 và đã tăng gấp 5 lần so với năm 2014. Từ khi gia nhập VPBank, ông Vinh được xem là đã cùng với lãnh đạo ngân hàng này, đặc biệt là ông Ngô Chí Dũng và ông Lô Bằng Giang, thổi những luồng gió mới cho VPBank, giúp ngân hàng này từ nhóm nhỏ bứt phá lên tốp đầu. Với trọng tâm là bán lẻ và yêu thích khẩu vị rủi ro với trọng tâm là tín dụng tiêu dùng, VPBank đã tiên phong trên thị trường và đang gặt hái nhiều thành công.

Năm 2017 còn đánh dấu sự kiện VPBnak đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán – ngân hàng đầu tiên niêm yết kể từ sau thương vụ của BIDV hồi đầu năm 2014. Ngay khi lên sàn, cổ phiếu này đã thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước, thanh khoản luôn ở mức cao và giá cổ phiếu tăng liên tục, đến nay đã ở mức trên 56.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường đạt hơn 84.000 tỷ đồng tương đương gần 3,7 tỷ USD, tăng gấp rưỡi so với lúc bắt đầu niêm yết.

Kế hoạch cho năm 2018, VPBank tham vọng sẽ tăng lợi nhuận thêm khoảng 48% so với năm 2017, nếu điều này trở thành hiện thực thì không chỉ các ngân hàng nhóm tư nhân mà ngay cả những ông lớn có cổ phần Nhà nước chi phối cũng phải "dè chừng".

Techcombank 

Techcombank không có nhiều dấu ấn thời gian qua về kinh doanh như VPBank, thậm chí còn ghi nhận sự sụt giảm ở nhiều chỉ số và sự rút lui của cổ đông chiến lược HSBC, nhưng 2017, nhờ xử lý mạnh tay các khoản nợ xấu và hoạt động kinh doanh bán lẻ khởi sắc đã đem về cho ngân hàng khoản lợi nhuận không ngờ là hơn 8.000 tỷ đồng, chỉ kém đôi chút so với người dẫn đầu VPBank.

Ở ngân hàng Kỹ Thương, chẳng mấy ai trong ngành không biết đến ông chủ tịch Hồ Hùng Anh - – ông chủ tịch tuổi Canh Tuất 1970. Vị doanh nhân từng có thời gian ở Đông Âu này cùng cộng sự đã lèo lái Techcombank, đưa ngân hàng tăng trưởng liên tục suốt 5 năm qua và trở thành 1 trong 2 nhà băng dẫn đầu nhóm tư nhân.

Năm 2018, ngân hàng đã lên kế hoạch lãi trên 10.000 tỷ đồng, bán cổ phần cho đối tác ngoại và đưa cổ phiếu niêm yết trên HoSE. Với tham vọng này, thị trường chắc chắn sẽ còn được chứng kiến những "cuộc rượt đuổi" ngoạn mục của các ngân hàng có cùng phân khúc với Techcombank trong thời gian tới.

HDBank

Cũng lại là một hiện tượng ngân hàng nữa có sự điều hành, quản lý của vị sếp tuổi Tuất - bà phó chủ tịch thường trực Nguyễn Thị Phương Thảo tuổi Canh Tuất 1970 - HDBank đầu năm 2018 đã đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE và trở thành một trong các cổ phiếu được nhà đầu tư săn lùng nhiều nhất. Năm 2017, ngân hàng đã đạt lợi nhuận trên 2.400 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2016 và kế hoạch nâng tiếp lợi nhuận lên gần 4.000 tỷ trong năm 2018 này.

HDBank có lợi thế hơn nhiều ngân hàng khác nhờ có nhóm khách hàng đối tác lớn trên thị trường, cũng là nơi mà các vị lãnh đạo ngân hàng này đang giữ dấu ấn như Vietjet Air nơi bà Thảo làm Tổng giám đốc hay Vinamilk nơi bà chủ tịch Lê Thị Băng Tâm đang đồng thời làm chủ tịch công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước 

Không chỉ ngân hàng thương mại mà tư lệnh ngành ngân hàng của Việt Nam cũng tuổi Canh Tuất 1970. Ông Lê Minh Hưng là Thống đốc trẻ nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam. Từ khi lên nắm giữ chiếc ghế quan trọng nhất ngành tài chính ngân hàng, ông Hưng đã tạo được nhiều dấu ấn điều hành quan trọng, như điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, tỷ giá được giữ vững, lãi suất theo chiều hướng giảm…Đặc biệt năm 2017, ngành ngân hàng đã "thắng lớn" khi được Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu và sửa đổi Luật tổ chức tín dụng 2010, và nhờ tỷ giá ổn định nên NHNN đã mua vào được lượng ngoại hối rất lớn, nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức cao kỷ lục gần 60 tỷ USD.

Năm 2018, ngành ngân hàng còn đối mặt với nhiều khó khăn khi phải tiếp tục tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2, tiếp tục xử lý nợ xấu, xử lý triệt để hơn các ngân hàng yếu kém…bên cạnh việc được giao nhiều trọng trách như giữ chính sách tiền tệ ổn định, phấn đấu giảm lãi suất, điều hành tỷ giá linh hoạt hơn nữa…nhưng các chuyên gia kỳ vọng sẽ là một năm nữa ngành ngân hàng được ổn định và bứt tốc.

Theo Minh Khôi

Cùng chuyên mục
XEM