Nam sinh 15 tuổi nguy kịch vì bị sốc phản vệ do ăn cua

16/03/2022 15:09 PM | Sống

Sau 30 phút ăn cua, bệnh nhi 15 tuổi nổi mẩn đỏ toàn thân, ngứa, khó thở sau đó bất tỉnh nên được gia đình đưa vào viện cấp cứu.

Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho bệnh nhi 15 tuổi nguy kịch vì bị sốc phản vệ do dị ứng thức ăn .

Nam sinh 15 tuổi nguy kịch vì bị sốc phản vệ do ăn cua - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Người nhà bệnh nhi cho biết, sau 30 phút ăn cua, bệnh nhi nổi mẩn đỏ toàn thân, ngứa. Gia đình tự mua thuốc điều trị tại nhà nhưng tình trạng nổi mày đay nhiều hơn. Bệnh nhi than mệt, khó thở sau đó bất tỉnh nên được gia đình đưa vào viện cấp cứu.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng khó thở, mạch nhẹ, huyết áp khó đo. Chẩn đoán đây là 1 trường hợp sốc phản vệ (phản vệ độ III) nguy hiểm đến tính mạng nên lập tức bệnh nhi được xử lý theo phác đồ sốc phản vệ.

Hiện, bệnh nhi đã ổn định và hồi phục sức khỏe.

Theo các bác sĩ, dị ứng thức ăn là bệnh lý phổ biến ở trẻ em xuất hiện sớm trong năm đầu đời (80%). Khoảng 6 - 8% số trẻ em dưới 3 tuổi có ít nhất một lần bị dị ứng với thức ăn. Những thức ăn thường gây dị ứng ở trẻ em là: sữa bò, trứng và các loại đậu. Các nguyên nhân khác ít gặp hơn là các loại hải sản (tôm, cua, cá biển, sò, mực...). Một số chất phụ gia hoặc phẩm màu như: hàn the bột ngọt, cũng có thể gây dị ứng cho trẻ.

Những trẻ bị dị ứng thức ăn phải nhập viện thường từ 6-7 tuổi, ở trẻ trai gặp nhiều hơn trẻ gái với tỉ lệ gấp đôi. Các loại thức ăn thường gây dị ứng nặng ở trẻ em phải nhập viện là cá biển, tôm trứng mắm ruốc.

Sốc phản vệ thường xảy ra nhanh sau khi trẻ tiếp xúc với chất gây dị ứng khi đó trẻ có biểu hiện tím tái huyết áp tụt, trụy mạch suy hô hấp và cần được cấp cứu ngay. Phản ứng dị ứng nặng gây sốc phản vệ nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong nhanh chóng.

Các bác sĩ khuyến cáo: Cha mẹ biết con mình có cơ địa dị ứng cần lưu ý tránh những thức ăn mà trẻ bị dị ứng trước đây. Những trường hợp dị ứng nhẹ, việc giảm bớt, không ăn những thức ăn dị ứng là biện pháp tốt nhất ngăn chặn sự tái xuất hiện các triệu chứng dị ứng.

Theo Hoa Thạch

Cùng chuyên mục
XEM