Nắm giữ Sữa Mộc Châu, GTN trở thành mục tiêu thâu tóm của các ông lớn ngành hàng tiêu dùng?

01/10/2018 16:40 PM | Kinh doanh

GTNfoods đang đứng trước "tin đồn" được tranh giành bởi hai "đại gia" – một ngành hàng tiêu dùng và một ngành sữa.

Nổi lên như một hiện tượng vào những năm 2016-2017, GTNfoods đã đẩy mạnh hoạt động M&A hướng đến mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng tiêu dùng và thực phẩm. GTNfoods đã huy động được lượng vốn lớn thông qua 2 đợt phát hành riêng lẻ cho nhiều quỹ đầu tư lớn như TAEL, PENM Partners, Kingsmead…

Công ty đã mua và nắm được quyền kiểm soát được nhiều doanh nghiệp tiềm năng như Tổng Công ty Chăn nuôi (Vilico), Sữa Mộc Châu, Vinatea. Những thương vụ M&A này giúp GNTfoods ghi điểm trong mắt cổ đông. Đi cùng động thái quyết liệt cắt bỏ lĩnh vực ngoài ngành, mặc dù mua lại công ty Nhà nước đồng nghĩa với việc cần thời gian để tái cơ cấu, GTNfoods vẫn nhận được nhiều quan tâm, hay đúng hơn là sự chờ đợi từ giới đầu tư.

Cổ phiếu của những tin đồn

Trên thị trường, cổ phiếu GTN của Công ty theo đó cũng có những "thăng trầm" gây nhiều chú ý. Từ sau đợt giảm sốc vào cuối tháng 7/2018 trước động thái bán ra số lượng lớn của nhà đầu tư ngoại, đến nay GTN đang ghi nhận bước hồi phục mạnh mẽ. Với những thế mạnh đang có, GTN theo một số ý kiến là cổ phiếu cơ bản với tiềm năng lớn. Song, đi cùng e dè về quá trình tái cơ cấu của Công ty, những biến động giá của GTN gần như đang bị tác động mạnh từ những luồng thông tin bên ngoài.

Điển hình đợt giảm sốc mới đây, lãnh đạo Công ty cũng đã chính thức lên tiếng cổ phiếu chỉ đang bị ngoại lực tác động (việc cổ đông ngoại bán ra, tin đồn bị loại bỏ khỏi quỹ ETF), bản chất tiềm năng tăng giá vẫn còn rất cao với P/E hiện chỉ 16, thấp hơn nhiều so với mức trung bình ngành là 25-30.

Đặc biệt, chính lãnh đạo cũng tiết lộ hiện có nhiều nhà đầu tư trong ngoài nước muốn mua 51% vốn GTNfoods với mức giá lên đến 30.000 đồng/cp, tức gần gấp 3 so với thị giá lúc bấy giờ. GTN trên thị trường như vậy đón nhận một sóng mới, xuất phát từ "tin đồn" mới - hai doanh nghiệp lớn đang ngỏ lời mua lại GTNfoods.

Kết quả là, cổ phiếu tăng 50% chỉ sau 3 tháng lên mức 12.200 đồng/cp vào ngày 28/9. Thanh khoản cũng đột biến trở lại với trung bình gần 2,5 triệu cổ phiếu được sang tay mỗi phiên. Đáng chú ý những phiên gần đây, giao dịch có phần bứt phá với lượng khớp lệnh lên đến 3-4 triệu đơn vị, điển hình phiên 28/9 ghi nhận thanh khoản gần 5 triệu cổ, GTN lại trở thành đề tài bàn tán.

 Nắm giữ Sữa Mộc Châu, GTN trở thành mục tiêu thâu tóm của các ông lớn ngành hàng tiêu dùng?  - Ảnh 1.

Nhắm đến Sữa Mộc Châu

Mặc dù những luồng thông tin trên thị trường khiến nhà đầu tư e dè, tuy nhiên đa phần đều có căn cứ. Đơn cử lần này, GTNfoods đang đứng trước "tin đồn" được tranh giành bởi hai "đại gia" - một ngành hàng tiêu dùng và một ngành sữa - điều kiện cần có lẽ từ thông tin có nhà đầu tư muốn mua lại 51% vốn GTNfoods giá cao (lãnh đạo chia sẻ như đã đề cập ở trên), và điều kiện đủ đến từ những gì Công ty đang sở hữu.

Trong đó về GTNfoods, sau tái cơ cấu, đến nay hoạt động kinh doanh chính Công ty bao gồm: (i) Sản xuất và chế biến chè thông qua Vinatea; (ii) Sản xuất và kinh doanh sữa bò thông qua Sữa Mộc Châu - công ty con của Vilico; (iii) Sản xuất rượu, nước giải khát và xuất khẩu điều thông qua Ladofoods - công ty liên kết.

 Nắm giữ Sữa Mộc Châu, GTN trở thành mục tiêu thâu tóm của các ông lớn ngành hàng tiêu dùng?  - Ảnh 2.

Theo định hướng từ ban lãnh đạo, HĐQT đã xác định danh mục các khoản đầu tư tài chính, bất động sản sẽ được thoái để tập trung nguồn lực cho giai đoạn 2018-2020 tại 3 mảng cốt lõi là sữa, trà và rượu vang. Đặc biệt, với khoản dư tiền mặt hiện có là 1.200 tỷ đồng, GTNfoods khẳng định sẽ dồn lực cho sữa, trà và nếu có cơ hội M&A trong lĩnh vực thực phẩm.

Riêng mảng sữa đang gây nhiều tranh cãi, và cũng chính là nguồn cơn cho con sóng cổ phiếu thời gian gần đây. Gián tiếp nắm quyền kiểm soát Sữa Mộc Châu thông qua Vilico, lợi thế mảng sữa của GTNfoods nằm ở vùng nguyên liệu, với 1.000 ha đất nông nghiệp và hơn 4.000 ha của các hộ chăn nuôi tại Mộc Châu – nơi khí hậu mát mẻ quanh năm rất thích hợp để nuôi bò sữa.

Tính đến nay, Mộc Châu đang có đàn bò lên đến 23.500 con với 3.000 con thuộc các trang trại tập trung quy mô lớn của Công ty và phần còn lại được khoán cho nông dân, tương ứng với sản lượng tối đa lên đến 100.000 tấn sữa tươi/năm. Chưa dừng lại, Công ty đang có mục tiêu tăng trưởng đàn bò bình quân 14%/năm trong 5 năm tới và trở thành công ty sữa đứng thứ hai tại Việt Nam.

Mô hình khép kín trên của Mộc Châu theo giới chuyên gia là bền vững cho dài hạn, đồng thời là "miếng mồi" ngon cho bất kỳ đơn vị mục tiêu M&A nào trong ngành. Và trở lại cuộc đua giữa hai đại gia gần đây, có thể thấy dễ dàng hiểu được sức hấp dẫn của cô hoa hậu Mộc Châu.

 Nắm giữ Sữa Mộc Châu, GTN trở thành mục tiêu thâu tóm của các ông lớn ngành hàng tiêu dùng?  - Ảnh 3.

Cả 2 người "mua tiềm năng" như những đồn đoán trên thị trường đều có rất nhiều động lực để thực hiện thương vụ mua lại GTN. Một doanh nghiệp ngành sữa đang tìm kiếm những cơ hội mở rộng thông qua M&A để lấy lại đà tăng trưởng.

Doanh nghiệp còn lại vốn được biết đến với hàng loạt thương vụ M&A thành công trong lĩnh vực thực phẩm - đồ uống đang muốn bổ sung thêm mặt hàng sữa vào danh mục sản phẩm của mình.

Việc nắm được quyền kiểm soát Mộc Châu thông qua việc mua cổ phần chi phối của GTN được đánh giá là "mảnh ghép hoàn hảo" cho cả 2 doanh nghiệp trên. Ở chiều ngược lại, Mộc Châu khi về với 1 trong 2 doanh nghiệp trên sẽ tận dụng được rất nhiều lợi thế của hệ thống phân phối, đội ngũ marketing vào loại top đầu trong ngành hàng tiêu dùng.

Vấn đề bây giờ gần như chỉ là mức giá mà những người mua tiềm năng sẵn sàng trả. Điều này dự kiến càng hỗ trợ cho đà tăng cổ phiếu GTN, khi nhà đầu tư chờ đợi sự cạnh tranh được quyết định trên mức giá cả được đưa ra.

 Nắm giữ Sữa Mộc Châu, GTN trở thành mục tiêu thâu tóm của các ông lớn ngành hàng tiêu dùng?  - Ảnh 4.

Theo Tri Túc

Cùng chuyên mục
XEM