Nắm giữ 4 nghìn tỷ USD, nhóm người siêu giàu Trung Quốc sở hữu khối tài sản còn lớn hơn GDP của Đức

20/10/2020 14:03 PM | Xã hội

Theo Hurun, nhóm người siêu giàu tại Trung Quốc – với khối tài sản ít nhất 2 tỷ CNY (300 triệu USD), đã chứng kiến tổng tài sản tăng thêm 1,5 nghìn tỷ USD trong năm vừa qua, tương đương với sản lượng kinh tế hàng năm của Nga. Hiện tại, họ sở hữu tổng tài sản trị giá 4 nghìn tỷ USD, cao hơn GDP của Đức – nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới.

Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các tỷ phú Trung Quốc vẫn không ngừng giàu hơn. Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán và hàng loạt thương vụ niêm yết mới đã trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy khối tài sản của họ, theo bảng xếp hạng người giàu Trung Quốc mới nhất của Hurun.

Đứng đầu danh sách tỷ phú là Jack Ma – nhà đồng sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, và gia đình ông, với khối tài sản trị giá 58,8 tỷ USD, tăng 45% so với năm ngoái.

Rupert Hoogewerf và trưởng nhóm nghiên cứu của bản báo cáo này cho biết: "Danh sách người giàu Trung Quốc của Hurun ghi nhận khối tài sản lớn được tạo ra trong năm nay, cao hơn 5 năm trước cộng lại. Điều này cho thấy cấu trúc của nền kinh tế đã phát triển, thay đổi khỏi những lĩnh vực truyền thống như sản xuất và bất động sản, hướng đến nền kinh tế mới."

Hoogewerf cho biết, bản báo cáo được công bố sáng ngày 20/10 cho thấy, tổng cộng có 2.303 tỷ phú lọt vào danh sách người giàu. Trong số đó, 878 người là tỷ phú USD, khoảng hơn 700 tỷ phú là tỷ phú tại Mỹ. Tính toán của Hurun dựa theo giá trị tài sản tính đến 28/8.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã "quét sạch" khối lượng lớn giá trị tài sản trong 2 tháng đầu tiên lây lan, khi các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội khiến hoạt động sản xuất, giao thương bị gián đoạn. Việc Trung Quốc ngăn chặn thành công Covid-19 trong nửa đầu năm nay đã giúp các doanh nghiệp hồi phục theo hình chữ V kể từ tháng 6 và các công ty của nền kinh tế mới – thuộc lĩnh vực công nghệ và tương tự, bùng nổ đưa cổ phiếu chạm mức cao mới trên thị trường chứng khoán.

Nền kinh tế Trung Quốc đại lục – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đã ghi nhận mức tăng trưởng 4,9% trong quý III, được thúc đẩy bởi sự hồi phục của lĩnh vực dịch vụ và tiềm lực trong thương mại và công nghiệp. Hiện tại, Trung Quốc là điểm sáng duy nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới, khi Covid-19 vẫn đang khiến các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu điêu đứng.

Trong quý đầu tiên của năm 2020, GDP Trung Quốc đã giảm 6,8% khi quốc gia này bắt đầu phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh. Tăng trưởng quý II đạt 3,2% khi Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ngừng áp dụng các biện pháp phong tỏa và nền kinh tế đang dần hồi phục.

Hôm 21/8, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở mức 3.380,38 điểm, cao hơn 10,8% so với khi kết thúc phiên cuối cùng của năm ngoái. Trong khi đó, sàn STAR – Nasdaq phiên bản Trung Quốc, đã trở thành "chuyến tàu siêu tốc" cho các startup từ sản xuất chip đến công nghệ sinh học, thúc đẩy sự đổi mới công nghệ trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang. Những thương vụ niêm yết trên sàn này đã tạo ra ít nhất 13 tỷ phú mới trong năm đầu tiên hoạt động.

Ngoài ra, các công ty cũng đổ xô đến Hồng Kông và New York để huy động vốn, từ đó tạo ra những tỷ phú mới. Zhong Shanshan (66 tuổi) là nhà sáng lập hãng nước đóng chai Nongfu Spring đã trở thành người giàu thứ 3 Trung Quốc, với khối tài sản ròng 53,7 tỷ USD. Trong đợt IPO tại Hồng Kông, Nongfu đã huy động được 8,35 tỷ HKD (1,08 tỷ USD) vào đầu năm nay và giá cổ phiếu cũng tăng 85% ngay khi bắt đầu giao dịch vào ngày 8/9.

Chưa dừng ở đó, tập đoàn fintech Ant Group cũng đang chuẩn bị thực hiện thương vụ niêm yết kép ở Hồng Kông và Thượng Hải. Đợt IPO của Ant có thể sẽ phá vỡ kỷ lục của thương vụ niêm yết lớn nhất thế giới được Saudi Aramco đang nắm giữ khi huy động được 29,4 tỷ USD tại Mỹ vào tháng 12 năm ngoái.

Lục Lam

Cùng chuyên mục
XEM