Ngày 11/11, Thủ tướng phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng sân bay Long Thành trở thành cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2025.
Trong giai đoạn 1, sân bay Long Thành được đầu tư xây dựng một đường băng, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Nhu cầu sử dụng đất giai đoạn 1 khoảng 2.668 ha, gồm 1.810 ha đất để xây dựng sân bay; 136 ha đất cho hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và tuyến số 2; 722 ha tập kết đất dư thừa xây dựng giai đoạn 1 và để dự trữ xây dựng cho các giai đoạn tiếp theo.Tổng mức đầu tư dự án là gần 109.112 tỷ đồng, tương đương 4,66 tỷ USD.
Khách sạn, từ quy mô nhỏ, vừa đến các công trình 4-5 sao đều lao đao vì dịch Covid-19. Tháng 3, khi dịch Covid-19 lần một bùng phát tại Việt Nam, làn sóng bán tháo khách sạn bắt đầu xuất hiện. Một số khách sạn cố gắng duy trì hoạt động hoặc cắt giảm nhân sự, số khác phải lựa chọn đóng cửa tạm thời hoặc đóng cửa hẳn, bán tài sản.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, chỉ tính từ tháng 2 tới 19/3, thành phố có 151 cơ sở khách sạn phải tạm đóng cửa tại quận Hoàn Kiếm và Đống Đa. Còn tại TP HCM, số liệu của Sở Du lịch cho thấy tính đến ngày 15/4, trên địa bàn chỉ còn 15 khách sạn hoạt động, nhiều khách sạn 5 sao chỉ còn khoảng 15-20 khách.
Thống kê của Sở du lịch TP Đà Nẵng cũng cho thấy tính từ đầu năm đến tháng 9, Đà Nẵng có 250 - 260 khách sạn, căn hộ, biệt thự rao bán, chiếm 24,7% tổng số nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn.
Nhìn rộng hơn, bất động sản du lịch, trong đó có khách sạn, là loại hình chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 ở Việt Nam. Không ít doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này thừa nhận phải tìm mọi cách để duy trì hoạt động, xây dựng kịch bản để đối phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh…
Sau bất động sản du lịch, văn phòng, trung tâm thương mại, nhà ở, đất nền… đều chứng kiến sự sụt giảm cả về nguồn cung lẫn giao dịch. Quý đầu năm, phần lớn doanh nghiệp địa ốc phải trì hoãn kế hoạch bán hàng do lo ngại khả năng lây lan, nhà đầu tư cũng chưa xuống tiền trong bối cảnh tác động của dịch bệnh vẫn chưa rõ ràng…
Ngay từ đầu năm, bất chấp dịch Covid-19, "cò" đất ở nhiều địa phương đã kịp tạo ra nhiều đợt sốt ảo ăn theo đề xuất đầu tư dự án của các doanh nghiệp địa ốc lớn.
Ngay sau khi Vingroup đề xuất thực hiện 2 dự án tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng diện tích 802,2 ha vào tháng 2, giá đất tại khu vực này bị "thổi" lên 2 - 3 lần. Sau đó khoảng một tháng, cùng kịch bản, sau khi Vingroup đề xuất đầu tư 2 dự án ở Thạch Thất, Hà Nội, giá đất tại khu vực này tăng 3 lần chỉ sau 20 ngày. Hàng trăm "cò" đất đổ về, mua đi, bán lại khiến giá đất từ chỗ 6 - 7 triệu đồng/m2 được "thổi" lên 17 triệu đồng/m2.
Cũng như những cơn sốt ảo khác, 2 cơn sốt ăn theo dự án hồi đầu năm nhanh chóng bị chính quyền can thiệp. "Cò" đất rút lui và không ít nhà đầu tư rơi vào trạng thái mắc cạn.
Cùng với sốt đất ảo, từ đầu năm đến nay, thị trường phía Nam, đặc biệt là TP HCM, tiếp tục rộ dự án "ma". Từ giữa năm, nhiều lô đất được cho là có sổ hồng tại khu đất mặt tiền đường Thành Thái và Tô Hiến Thành, phường 14, quận 10, TP HCM, được rao bán rầm rộ. Tuy nhiên sau đó, UBND quận 10 phải khuyến nghị người dân cảnh giác với các quảng cáo, giao dịch kinh doanh đất nền, căn hộ tại khu đất này do "không có bất kỳ dự án phát triển nhà ở đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận đầu tư theo quy định".
2 tháng sau, cũng UBND quận 10 tiếp tục phải đưa ra cảnh báo dự án "ma" tại khu đất số 502 đường 3/2, phường 14. Khu đất được rao bán với tên gọi dự án LeGa Fashion Q10, giá chỉ 55 triệu đồng/m2, mở bán một đợt duy nhất 50 nền, cam kết sổ hồng riêng - hỗ trợ thủ tục công chứng sang tên sổ… UBND quận 10 khẳng định chưa nhận được pháp lý để triển khai dự án đất nền mặt tiền tại khu đất trên. Đồng thời, theo các giấy tờ liên quan và quy hoạch 1/2.000, khu đất trên phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh, là đất thương mại dịch vụ. Không chỉ dừng lại ở việc cảnh báo, một số vụ việc rao bán dự án "ma" tại TP HCM đã bị người dân tố cáo và cơ quan công an vào cuộc điều tra sai phạm.
Ngày 18/6, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, kể từ thời điểm luật này có hiệu lực (1/1/2021), dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) chính thức bị loại bỏ. Với dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020. Dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu sẽ phải dừng thực hiện.
Từ khi xuất hiện vào năm 1998 đến nay, nhiều dự án BT được triển khai và để lại nhiều hệ lụy. Hệ quả của loại hình đầu tư này là tình trạng mua công trình giá đắt và đổi lại đất đai và tài sản công với giá rẻ gây thất thoát ngân sách Nhà nước; còn tình trạng ký hợp đồng chưa đúng quy định, không bảo đảm nguyên tắc ngang giá, không quy định cơ cấu tỷ lệ vốn…
Chỉ trong giai đoạn 2016 - 2018, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra sai phạm tại 50 dự án đầu tư theo hình thức BT, kiến nghị xử lý tài chính 9.102 tỷ đồng. Trong báo cáo kết quả kiểm toán tổng hợp năm 2019 gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục chỉ ra tồn tại, hạn chế của 29 dự án.
Đi ngược với khó khăn chung, bất động sản công nghiệp được ví là "cửa sáng" duy nhất của thị trường bất động sản năm nay khi làn sóng đầu tư nước ngoài, chuỗi cung ứng được dự báo dịch chuyển.
Tính riêng trong quý II, giá đất khu công nghiệp đạt mức trung bình 106 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, giá thuê nhà xưởng xây sẵn vẫn ổn định ở mức 3,5 - 5 USD/m2/tháng, do hợp đồng chỉ ngắn hạn 3-5 năm. Tổng diện tích đất cho thuê của khu vực miền Nam đạt mức 25.045 ha vào quý II. Các khu công nghiệp hiện hữu được lấp đầy nhanh chóng.
Savills Việt Nam ra báo cáo mới đây cho biết nguồn cầu bất động công nghiệp tiếp tục vượt cung với tỷ lệ lấp đầy đạt 76% trên toàn quốc. Tỷ lệ lấp đầy tại các trung tâm công nghiệp chính như Bình Dương, Đồng Nai, Long An hay Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Phòng đã tăng đáng kể kể từ năm 2018.
Dự kiến trong năm 2021 và 2022, các nhà sản xuất sẽ dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, là cơ hội để các nhà đầu tư tung ra nhiều dự án hơn để bắt kịp và đáp ứng các khoản đầu tư sản xuất giá trị cao. Trong đó, Đồng Nai dự kiến quy hoạch thêm 8 khu công nghiệp. Các nhà phát triển "cho thuê" như Liên doanh Phát triển Công nghiệp BW đang chạy đua để mở rộng trong thời gian này, tăng nguồn cung ban đầu từ 130 ha trong năm 2018 lên gần 500 ha trong năm nay.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 51 biểu quyết thông qua Nghị quyết về viêc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM. Việc thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở sắp xếp 3 quận 2, 9 và Thủ Đức theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 của TP HCM. TP Thủ Đức được định hướng trở thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP HCM.
Dự kiến sau khi thành lập, TP Thủ Đức có diện tích hơn 211,5 km2, dân số hơn 1,5 triệu người, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước. Khu vực này sẽ là hạt nhân dẫn đầu, thúc đẩy phát triển của TP HCM và vùng Đông Nam Bộ. Đối chiếu với các quy định hiện hành, TP Thủ Đức tương lai đảm bảo tiêu chí đô thị loại Itrực thuộc TP HCM.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư và Luật Xây dựng sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Hai dự án luật sửa đổi này dự kiến chuẩn hóa quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án nhà ở trong thời gian tới, tháo gỡ nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư.
Trong đó đáng chú ý, 2 dự án luật này thống nhất thực hiện thủ tục "chấp thuận chủ trương đầu tư", thống nhất việc xác định tên gọi "chủ đầu tư" và "nhà đầu tư" để giải quyết quy trình thủ tục đầu tư xây dựng... Những điều này xác lập quy trình chuẩn về thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án có quyền sử dụng đất, phải thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời công nhận nhà đầu tư.
Trong tháng 6, TP HCM đã hoàn thành tầng B1 của Ga Nhà hát TP HCM thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) với chiều dài 190 m, rộng 26 m, sâu hơn 30 m. Đây là một trong 3 ga ngầm của tuyến metro này, dự kiến sau khi hoàn thiện các hạng mục khác sẽ đưa tuyến metro số 1 đi vào vận hành khai thác cuối năm 2021.
Một công trình khác được chờ đợi nhiều năm tại TP HCM cũng đi vào hoạt động trong tháng 10 là Bến xe miền Đông mới. Với diện tích 16 ha, nằm ở phường Long Bình, quận 9, TP HCM và phường Bình Thắng, Thị xã Dĩ An, Bình Dương, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, được xem là bến xe lớn nhất cả nước. Hoạt động giai đoạn một, các tuyến vận tải hành khách đến và đi từ các tỉnh Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc, có hành trình chạy xe qua Quốc lộ 1 từ Bến xe miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh) được chuyển sang Bến xe miền Đông mới.
Bộ Giao thông Vận tải có kế hoạch đầu tư cao tốc cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2025 đạt hơn 300 km, trong khi con số hiện tại mới chỉ hơn 40 km (cao tốc TP HCM - Trung Lương). Cũng theo Vộ này, 7 tuyến cao tốc vùng với tổng vốn đầu tư hơn 64.500 tỷ đồng cũng sẽ được lên kế hoạch triển khai, trong đó nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2025 chiếm khoảng 50%. Các tuyến cao tốc gồm Cần Thơ - Cà Mau, Chơn Thành - Đức Hòa, Đức Hòa - Mỹ An, Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh (thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.
Trong khi đó, cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công từ năm 2014, dự kiến hoàn thành năm 2018 nhưng đã 2 lần lỡ hẹn hoàn thành. Dự án dài 57 km, là tuyến cao tốc đường bộ dài nhất miền Nam hiện nay nhưng gặp khó khăn trong việc giải ngân vốn nước ngoài và thiếu vốn đối ứng giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư nhiều lần có đơn đề nghị tháo gỡ khó khăn, được giải ngân vốn để thanh toán cho nhà thầu để dự án được thi công trở lại.
NDH