img

Một ngày đầu năm 2021, Công ty CP Dịch vụ Di Động Trực Tuyến (M_Service) – đơn vị sở hữu Ví MoMo tổ chức sự kiện công bố hoàn thành vòng gọi vốn Series D tại Hà Nội. Số tiền cụ thể không được tiết lộ chính thức nhưng theo một số nguồn tin, con số lên đến hơn 100 triệu USD.

Chỉ 6 ngày sau, một ví điện tử khác là Gpay trực thuộc Tập đoàn Công nghệ G-Group cũng công bố nhận đầu tư vòng Series A với mức định giá 425 tỷ đồng (khoảng 18,4 triệu USD).

Việc 2 trong số những thương vụ gọi vốn được công bố sớm nhất đều là startup Fintech (công nghệ tài chính) dường như đã báo hiệu một năm hút vốn đầu tư mạo hiểm đối với lĩnh vực này nói riêng và hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam nói chung.

Năm bùng nổ các thương vụ gọi vốn của startup Việt: Khi quỹ đầu tư cũng phải ‘chạy’ KPI  - Ảnh 1.

Sau năm 2019 ghi nhận tổng vốn đầu tư vào startup Việt đạt mức cao kỷ lục gần 900 triệu USD, startup Việt chứng kiến một năm 2020 qua đi với nhiều thách thức. Theo báo cáo của Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), tổng vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt năm ngoái đạt 451 triệu USD, giảm 48% so với năm 2019. Tổng số thương vụ giảm 17%.

Do Ventures đánh giá sự sụt giảm này là không thể tránh được do ảnh hưởng của Covid-19 đến hoạt động đầu tư, đặc biệt là việc hạn chế đi lại và sự bất ổn của tình hình tài chính thế giới.

Bước sang năm 2021, khi các quỹ đầu tư và các startup ngày càng thích ứng với quy trình làm việc online, hàng loạt "deal" đã được chốt ngay cả trong thời điểm giãn cách xã hội. Đặc biệt, trong nửa cuối năm, liên tiếp các thương vụ gọi vốn thành công được các startup công bố.

Chiếm phần lớn vẫn là các vòng Pre-seed, Seed, Pre-series A và Series A với số tiền dao động từ 500.000 USD đến 3 triệu USD. Thậm chí một số startup như Loship, Citics, Sky Mavis... đã công bố gọi vốn thành công đến 2 lần trong năm nay.

Năm bùng nổ các thương vụ gọi vốn của startup Việt: Khi quỹ đầu tư cũng phải ‘chạy’ KPI  - Ảnh 2.

Trong một sự kiện do Endeavor tổ chức gần đây, bà Lê Hoàng Uyên Vy - Giám đốc quỹ đầu tư Do Ventures nhận định năm 2021 có thể là năm kỷ lục của startup Việt khi tổng số tiền đầu tư lần đầu tiên vượt 1 tỷ USD.

Số liệu ghi nhận của Do Ventures và NIC cho thấy tổng số thương vụ 9 tháng đầu năm nay đã bằng cả năm 2020, trong khi tổng giá trị đạt khoảng 600 triệu USD. Bà Uyên Vy cũng cho biết quý IV thường là quý tốt nhất, vì vậy kịch bản tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD là hoàn toàn khả thi.

Năm bùng nổ các thương vụ gọi vốn của startup Việt: Khi quỹ đầu tư cũng phải ‘chạy’ KPI  - Ảnh 3.

Cùng với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á của các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC).

Số lượng các quỹ VC tại Việt Nam tăng mạnh trong vòng 3 năm qua, với dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ gấp hơn 8 lần và số lượng thương vụ thành công gấp hơn 4 lần trong giai đoạn 2016-2019.

"Thị trường Việt Nam đã đạt đến quy mô đủ lớn để các quỹ VC nhìn vào và tìm kiếm cơ hội", bà Lê Hoàng Uyên Vy chia sẻ với Người Đồng Hành trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 7.

Phân tích về lý do thu hút dòng vốn đầu tư mạo hiểm, chuyên gia này cho rằng Việt Nam đang ở trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế, có lợi thế dân số gần 100 triệu người với cơ cấu dân số trẻ, tầng lớp trung lưu mới nổi. Bên cạnh đó, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam đạt gần 70 triệu, tỷ lệ sử dụng di động vào khoảng 70% dân số.

Bên cạnh sức hấp dẫn từ hệ sinh thái startup Việt, bà Lê Hàn Tuệ Lâm - Giám đốc Nextrans Việt Nam cho rằng có một lý do đặc biệt khác giúp cho vốn đầu tư mạo hiểm vào startup Việt tăng mạnh trong năm 2021.

"Thực tế việc đầu tư năm 2020 khá khó khăn và đa phần các quỹ không giải ngân nhiều. Vì vậy, nhìn theo hướng khách quan thì 2021 được hưởng lợi từ chính điều này", bà Tuệ Lâm nói.

Theo Giám đốc Nextrans Việt Nam, nếu như các startup cần gọi vốn để duy trì hoạt động và phát triển thì các quỹ đầu tư cũng có KPI giải ngân từng năm. Vì vậy, bản thân họ phải đối mặt với những áp lực trong việc tìm kiếm startup và buộc phải năng động hơn. Ngoài ra, một số thương vụ được công bố trong năm 2021 nhưng thực tế đã được hoàn tất trong năm 2020.

Năm bùng nổ các thương vụ gọi vốn của startup Việt: Khi quỹ đầu tư cũng phải ‘chạy’ KPI  - Ảnh 4.

Bên cạnh Việt Nam, hệ sinh thái nhiều nước Đông Nam Á khác cũng chứng kiến những tín hiệu tích cực trong năm 2021. Theo báo cáo của Cento Ventures (Singapore), toàn khu vực có 393 khoản đầu tư trong nửa đầu năm, vượt qua mốc kỷ lục trước đó đạt được vào nửa đầu năm 2019 là 375 thương vụ.

Từ đầu năm đến nay, Đông Nam Á ghi nhận nhiều startup mới được định giá tỷ USD. Trong số đó bao gồm nền tảng kinh doanh ôtô đã qua sử dụng Carsome – kỳ lân đầu tiên của Malaysia hay công ty cung cấp các dịch vụ hậu cần thương mại điện tử Flash Group – kỳ lân đầu tiên của Thái Lan...

Năm bùng nổ các thương vụ gọi vốn của startup Việt: Khi quỹ đầu tư cũng phải ‘chạy’ KPI  - Ảnh 5.

Tính đến hết tháng 11, Fintech là lĩnh vực dẫn đầu về tổng vốn đầu tư mạo hiểm, với 2 thương vụ có giá trị trên 100 triệu USD. Bên cạnh MoMo, VNLife - công ty sở hữu dịch vụ thanh toán VNPay – cũng thông báo huy động thành công hơn 250 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B vào tháng 7 năm nay. Với vòng gọi vốn này, VNLife đã củng cố thêm vị thế là kỳ lân công nghệ thứ hai của Việt Nam.

Sau Fintech, thương mại điện tử (TMĐT) là lĩnh vực thu hút nhiều vốn thứ hai trong năm 2021. Tiki đóng góp lớn nhất với vòng gọi vốn Series E trị giá 258 triệu USD do AIA dẫn đầu. Telio – một nền tảng TMĐT B2B cũng được VNG (kỳ lân đầu tiên của Việt Nam) đầu tư 22,5 triệu USD.

Không chỉ dẫn đầu về vốn đầu tư, Fintech và TMĐT cũng là 2 lĩnh vực có khả năng tạo ra kỳ lân tiếp theo cho Việt Nam. Ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập và CEO Tiki chia sẻ với Bloomberg rằng vòng gọi vốn mới đã đưa định giá của công ty lên gần 1 tỷ USD. Startup này cũng mong muốn mở rộng sang lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và lên kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ.

Trong khi đó, nguồn tin từ Nikkei Asia cho hay, ngân hàng Mizuho của Nhật Bản dự kiến đầu tư tối đa 20 tỷ yên (170 triệu USD) để mua lại 7,5% cổ phần của MoMo ngay trong cuối năm nay. Với mức định giá này, MoMo sẽ là kỳ lân Fintech thứ hai của Việt Nam, sau VNLife.

Năm bùng nổ các thương vụ gọi vốn của startup Việt: Khi quỹ đầu tư cũng phải ‘chạy’ KPI  - Ảnh 6.

Nếu như Fintech và TMĐT dẫn đầu về tổng vốn đầu tư, một trong những lĩnh vực có nhiều thương vụ gọi vốn được công bố nhất trong năm qua là Edtech (công nghệ giáo dục). Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, người dân có xu hướng chuyển sang các hình thức học trực tuyến.

Theo thống kê của Google ở hạng mục "Xu hướng tìm kiếm nổi bật", 5/10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google tại Việt Nam trong năm 2021 liên quan đến các công cụ dạy và học trực tuyến. Nhờ đó Edtech trở thành "mỏ vàng" hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Thương vụ Edtech lớn nhất năm thuộc về Tập đoàn giáo dục EQuest. Công ty này đã huy động được 100 triệu USD từ KKR - một trong những công ty đầu tư lớn nhất thế giới. Trong khi đó ứng dụng học tiếng Anh ELSA cũng nhận được 15 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B.

Ngoài EQuest và ELSA, phần lớn các Edtech Việt còn lại nhận được khoản đầu tư dưới 3 triệu USD như MindX (3 triệu USD), Coder School và Clevai (2,1 triệu USD), Marathon (1,5 triệu USD)...

Năm bùng nổ các thương vụ gọi vốn của startup Việt: Khi quỹ đầu tư cũng phải ‘chạy’ KPI  - Ảnh 7.

Theo bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Edtech sẽ còn tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư trong thời gian tới. "Mức độ chi trả của phụ huynh Việt Nam cho giáo dục khá cao, từ 25-30% tổng thu nhập. Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng nhất Đông Nam Á nhưng hiện chưa có 'dominant player' (công ty thống trị thị trường), vì vậy cơ hội để có ‘unicorn’ còn rất lớn", Giám đốc Nextrans Việt Nam nhận định.

Bên cạnh Edtech, các công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp hay những nền tảng phân phối dược phẩm cũng lọt vào "mắt xanh" của các quỹ đầu tư. Một số thương vụ có thể kể tới như KiotViet - nền tảng phần mềm quản lý bán hàng tại Việt Nam – huy động được 45 triệu USD trong vòng Series B hay BuyMed (với thương hiệu Thuocsi.vn) được đầu tư 8,8 triệu USD.

Năm bùng nổ các thương vụ gọi vốn của startup Việt: Khi quỹ đầu tư cũng phải ‘chạy’ KPI  - Ảnh 8.

Game blockchain là một trong những xu hướng đáng chú ý trong năm 2021. So với game truyền thống, tài sản trên game blockchain được phân bổ giữa các người chơi thay vì được kiểm soát tập trung bởi một máy chủ.

Trong thời gian qua, hàng loạt dự án của Việt Nam thuộc lĩnh vực này đã thu hút được các nhà đầu tư quốc tế. Đáng chú ý nhất là Sky Mavis – công ty phát triển game Axie Infinity "gây sốt" tại nhiều nước trên thế giới.

Tháng 10 năm nay, Sky Mavis công bố huy động thành công 152 triệu USD trong vòng Series B do quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Mỹ Andreessen Horowitz (a16z) dẫn đầu. Một số nguồn tin tiết lộ, công ty được định giá đến 3 tỷ USD trong vòng này.

Sky Mavis đưa ra khái niệm chơi để kiếm tiền (P2E) - nơi mọi người chơi, sống, làm việc và kiếm tiền trong thế giới ảo.

Trước đó, vào tháng 5, startup này cũng nhận đầu tư 7,5 triệu USD trong vòng Series A, được dẫn dắt bởi Libertus Capital, một quỹ đầu tư mạo hiểm Anh. Vòng đầu tư còn có sự tham gia của tỷ phú Mỹ Mark Cuban và nhiều nhà đầu tư khác.

Nguyễn Thành Trung - CEO Sky Mavis được Coindesk đánh giá là một trong 10 người có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực tiền điện tử năm 2021, bên cạnh các tên tuổi nổi tiếng như tỷ phú Elon Musk hay Sam Bankman Fried - CEO sàn FTX, Gary Gensler - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ...

Năm bùng nổ các thương vụ gọi vốn của startup Việt: Khi quỹ đầu tư cũng phải ‘chạy’ KPI  - Ảnh 9.

Với cú hích từ Axie Infinity, game blockchain đang nở rộ tại thị trường Việt Nam. Sipher - startup được thành lập bởi doanh nhân Nguyễn Trung Tín – người thừa kế Tập đoàn Trung Thủy cũng gia nhập cuộc chơi và huy động được 6,8 triệu USD trong vòng hạt giống.

Nguồn vốn thu về sẽ được Sipher sử dụng để thúc đẩy quá trình phát triển của trò chơi World of Sipheria và tiếp tục xây dựng các công cụ cần thiết để tạo ra một trải nghiệm hấp dẫn trên công nghệ blockchain.

Một ví dụ khác là HeroVerse, dự án trò chơi NFT được phát triển bởi công ty game trực tuyến Hiker Studio cũng vừa được đầu tư 1,7 triệu USD.

Tuy nhiên, xung quanh mô hình game blockchain vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Một bên cho rằng việc kiếm tiền từ những game blockchain là xu hướng nhưng cũng có ý kiến nhìn nhận nó giống với hình thức đa cấp. Việc thiếu những quy định pháp lý rõ ràng cũng là một trong những khó khăn lớn đối với các nhà phát triển game blockchain hiện nay.

Năm bùng nổ các thương vụ gọi vốn của startup Việt: Khi quỹ đầu tư cũng phải ‘chạy’ KPI  - Ảnh 10.

Với sự bùng nổ các thương vụ gọi vốn trong năm 2021, bà Lê Hàn Tuệ Lâm dự đoán dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào startup Việt sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới nhưng sẽ có sự phân hóa nhất định.

Đồng quan điểm với Giám đốc Nextrans Việt Nam, ông Phan Minh Tâm – Chủ tịch STI Holdings cho rằng dòng vốn sẽ vẫn tăng lên trong năm 2022 nhưng "các quỹ sẽ có lựa chọn khắt khe hơn".

"Covid-19 gây ra khó khăn cho nhiều ngành nhưng cũng tạo ra thuận lợi cho một số ngành khác. Trong bối cảnh khó khăn chung, công ty nào có khả năng sống sót đến cuối cùng thì sẽ là người hưởng lợi", ông Tâm nói.

Không chỉ các nhà đầu tư trong nước, các quỹ đầu tư quốc tế cũng đưa ra nhận định tích cực về startup Việt trong những năm tới.

Theo báo cáo "Southeast Asia Ecosystem 2.0" của Golden Gate Ventures, quỹ đầu tư mạo hiểm này nhận định Việt Nam là "ngôi sao đang lên" của Đông Nam Á và sẽ trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ ba khu vực vào năm 2022.

NDH