Năm 2019, Việt Nam hưởng lợi thế nào từ "những cơn gió ngược trên toàn cầu"?

12/02/2019 15:32 PM | Kinh doanh

Trước sự dịch chuyển thương mại đến từ căng thẳng Mỹ - Trung, giả sử một nền kinh tế khu vực châu Á nắm bắt được 1% lượng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ hay 1% lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc, GDP của thị trường đó sẽ tăng đáng kể - và Việt Nam là quốc gia đứng đầu trong các thị trường với tiềm năng tăng trưởng tăng tới 1,2%, theo HSBC.

Những nguy cơ tiềm ẩn của bất ổn kinh tế vĩ mô làm chậm lại kinh tế toàn cầu có thể trở thành đòn bẩy giúp ASEAN đẩy nhanh tiến trình cải cách mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2019, Ngân hàng HSBC nhận định.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, "Năm 2019 đã bắt đầu như một năm chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất ổn khi các thị trường đang dự báo Fed sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt, liệu UK có đạt được một thỏa thuận về Brexit hay không, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ bất ổn về các loại thuế thương mại, và giá dầu có tiếp tục biến động."

"Trong bối cảnh những bất ổn này, ASEAN tiếp tục duy trì là một trong các khu vực cởi mở và lạc quan nhất trên thế giới và trong năm 2019 khu vực ASEAN có cơ hội tiếp tục phát huy thế mạnh này bằng việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách và tăng cường mở rộng tự do thương mại."

HSBC cho rằng để tận dụng tốt nhất lợi thế này, 4 lĩnh vực dưới đây cần được tập trung trong năm 2019:

- Tăng cường dòng chảy thương mại nội khối để bù đắp thương mại toàn cầu đi xuống

Năm 2019, Việt Nam hưởng lợi thế nào từ những cơn gió ngược trên toàn cầu? - Ảnh 1.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam.

Các nền kinh tế ASEAN có thể cải thiện phần nào tình hình thương mại đi xuống nếu sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc sang Đông Nam Á diễn ra. Việc tăng cường hỗ trợ các dòng chảy hàng hóa và dịch vụ trong nội khối ASEAN diễn ra thuận lợi sẽ khiến cho xu hướng dịch chuyển này diễn ra sâu rộng hơn.

Việt Nam với lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất ngày càng tăng trở thành thị trường có thể hưởng lợi nhiều nhất từ sự dịch chuyển thương mại đến từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo báo cáo từ Khối Nghiên cứu Kinh tế Tập đoàn HSBC quý I năm 2019, giả sử một nền kinh tế khu vực châu Á nắm bắt được 1% lượng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ hay 1% lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc, GDP của thị trường đó sẽ tăng đáng kể - và Việt Nam là quốc gia đứng đầu trong các thị trường với tiềm năng tăng trưởng tăng tới 1,2%.

Đây là lợi thế mà Việt Nam có thể tận dụng để đẩy mạnh hơn nữa dòng chảy thương mại trong nội khối ASEAN.

- Thu hút hơn nữa đầu tư từ nước ngoài

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đông Nam Á đã làm dịu hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng nguồn vốn cần được hướng nhiều hơn nữa vào các thị trường như Thái Lan, Indonesia hoặc Philippines nơi chuỗi cung ứng được kỳ vọng sẽ phát triển trong tương lai.

Đòn bẩy giúp thu hút đầu tư vào ASEAN rộng rãi hơn nữa rất rõ ràng: chi phí sản xuất hợp lý, tính ổn định của các thể chế, cải thiện công nghệ, hàng rào thuế quan cho các sản phẩm đầu vào giảm, và kỹ năng lao động đang dần nâng cao.

Đối với Việt Nam, với nền tảng vững chắc của một nền kinh tế ủng hộ tự do thương mại và tăng trưởng mạnh, Việt Nam tiếp tục duy trì là điểm đến đầu tư thu hút cho các doanh nghiệp quốc tế. Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2018 đạt 35,46 tỉ đô la Mỹ, với tổng vốn giải ngân tăng 9,1% đạt 19,1 tỉ đô la Mỹ làm cho năm 2018 trở thành năm thứ sáu liên tiếp Việt Nam thu hút được lượng vốn đầu tư nước ngoài cao kỷ lục.

- Đầu tư vào kinh tế kỹ thuật số

Cải thiện kết nối kỹ thuật số và đầu tư vào không gian kỹ thuật số của ASEAN nhằm hỗ trợ lượng người tiêu dùng đang tăng trưởng nhanh trong khu vực có thể tạo nền tảng vững chắc cho tiềm năng tăng trưởng chuỗi cung ứng của ASEAN đồng thời tạo sức hấp dẫn thu hút các công ty đa quốc gia và các nhà đầu tư nước ngoài.

Kế hoạch tổng thể cho Kết nối ASEAN đến năm 2025 (ASEAN Connectivity 2025) cho thấy công nghệ mới và kinh tế mạng có thể đem lại tác động về lợi ích kinh tế gia tăng cho ASEAN vào khoảng 220-650 tỉ đô la Mỹ cho tới năm 2030.

- Hướng đến một ASEAN bền vững

Dường như thách thức lớn nhất cho ASEAN sẽ đến từ các yếu tố tự nhiên hơn là từ những sự kiện do con người tạo ra do Đông Nam Á là một trong những khu vực nhạy cảm nhất với các vấn đề thiên tai trên thế giới. Điều này sẽ còn tồi tệ hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trong những năm gần đây.

Ngoài yếu tố về thiên nhiên, quá trình đô thị hóa đồng nghĩa với việc đến năm 2030 trong khu vực Đông Nam Á có khoảng hơn 100 triệu người sẽ chuyển đến thành thị, tạo ra nhiều áp lực lên các nguồn lực như thực phẩm, sức khỏe, và cơ sở hạ tầng. Đây cũng sẽ là vấn đề của Việt Nam với khoảng 15 triệu người chuyển tới thành thị vào năm 2030, chiếm khoảng 16% dân số, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM