img
MyGo và Vỏ Sò - Cuộc chơi tay ngang hay chiến lược dài hơi của Viettel Post? - Ảnh 1.

Giữa tháng 6 vừa qua, giới kinh doanh trong nước xôn xao trước thông tin Viettel Post ra mắt ứng dụng gọi xe mang tên MyGo. Đây là động thái đầu tiên đến từ một đơn vị bưu chính truyền thống khi tham dự vào thị trường vốn được xem là dành riêng cho những "tay chơi" có bệ đỡ tài chính vững chãi - những quỹ đầu tư không ngại "đốt tiền" và sẵn sàng "khô máu" để chiếm lĩnh thị trường.

Chưa dừng lại, ngay tuần sau đó, Viettel Post tiếp tục công bố sẽ tham chiến thị trường thương mại điện tử (TMĐT) - một lĩnh vực cũng "hao tiền tốn của" không kém, bằng việc ra mắt nền tảng TMĐT Vỏ Sò, với tham vọng trở thành nền tảng TMĐT số 1 Việt Nam hỗ trợ người bán hàng.

Với việc khai sinh đồng loạt 2 "đứa con tốn cơm", Viettel Post đang toan tính điều gì? Đây có lẽ là câu hỏi không ít người băn khoăn trước sự chuyển hướng đầy bất ngờ của một ông lớn trong ngành chuyển phát tại Việt Nam.

MyGo và Vỏ Sò - Cuộc chơi tay ngang hay chiến lược dài hơi của Viettel Post? - Ảnh 2.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Trí Thức Trẻ mới đây, ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel cho biết, Vỏ Sò và MyGo được kỳ vọng sẽ hỗ trợ đắc lực cho xương sống chuyển phát của Viettel Post thông qua việc gia tăng số lượng đơn hàng, rút ngắn thời gian giao hàng nội thành.

Hai nền tảng này đồng thời cũng là một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái của cả Tập đoàn, khi khách hàng có thể dùng dịch vụ data của Viettel, đặt hàng trên Vỏ Sò, thanh toán qua ViettelPay, giao hàng nội thành với MyGo, giao hàng liên tỉnh với Viettel Post,...

Dù có lúc hào hứng chia sẻ về hướng đi sắp tới, có lúc ngần ngại tiết lộ thảo luận sâu về chiến lược cạnh tranh của Vỏ Sò và MyGo, nhưng xuyên suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Trung Hưng luôn nhấn mạnh khát vọng cuối cùng của tập thể mà ông đang lãnh đạo, đó là xây dựng những ứng dụng của người Việt, do người Việt thiết kế và để phục vụ người Việt.

MyGo và Vỏ Sò - Cuộc chơi tay ngang hay chiến lược dài hơi của Viettel Post? - Ảnh 3.

Xin chào ông Hưng. Viettel Post vừa ra mắt nền tảng TMĐT Vỏ Sò. Cái tên này khiến rất nhiều người tò mò, ông có thể lý giải về cái tên có phần "lạ tai" này được không?

Cái tên Vỏ Sò mang rất nhiều ý nghĩa và tâm huyết của chúng tôi.

Thứ nhất, vỏ sò là đồng tiền đầu tiên trên thế giới, là vật ngang giá đầu tiên loài người sử dụng khi trao đổi hàng hoá. Chúng tôi hy vọng trong cơn bão TMĐT, Vỏ Sò sẽ mang đến những giá trị cơ bản, nhưng không kém phần thiết thực cho khách hàng.

Thứ hai, Vỏ Sò khi viết không dấu là "Voso", có thể hiểu là Vô Số, nghĩa là trên Vỏ Sò có mọi thứ miễn người tiêu dùng có nhu cầu.

Thứ ba vỏ sò là biểu tượng của tình yêu. Tôi muốn sau này Vỏ Sò được biết đến như một sự kết nối giữa người mua và người bán bằng thái độ kinh doanh trung thực, tạo dựng một mối liên hệ mật thiết.

Thứ tư, đừng gọi chúng tôi là sàn thương mại điện tử mà hãy gọi chúng tôi là nền tảng phân phối hỗ trợ người bán. Bởi Vỏ Sò là một thứ thường thấy ở làng chài gắn liền với những thứ dân dã, dung dị, nhưng Vỏ Sò sẽ từ đó mà vươn ra biển lớn, đưa sản vật địa phương của bà con nông dân đi không chỉ mọi miền Tổ quốc mà còn vươn ra cả tầm quốc tế.

MyGo và Vỏ Sò - Cuộc chơi tay ngang hay chiến lược dài hơi của Viettel Post? - Ảnh 4.

Vậy Vỏ Sò sẽ đi theo mô hình nào, B2C - kết nối doanh nghiệp với người mua, hay C2C - kết nối những người mua nhỏ lẻ với nhau?

Vỏ Sò triển khai theo cả hai mô hình B2C và C2C. Nhưng chúng tôi xác định Vò Sỏ mang trong mình sứ mệnh lớn hơn.

Như các bạn biết, ở Việt Nam vất vả nhất vẫn là người nông dân. Người nông dân bỏ nhiều chi phí, công sức, chịu nhiều rủi ro trong sản xuất nhưng thường lợi nhuận và hiệu quả mang lại không nằm trong tay họ. Sứ mệnh của Vỏ Sò là đưa người nông dân tiếp cận với cách kinh doanh mới, hiện đại, mang lại hiệu quả cao vì không mất quá nhiều chi phí dịch vụ, chi phí trung gian cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, hiện nay ở Việt Nam chưa có sự tham gia của một doanh nghiệp Việt nào theo đúng nghĩa, chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài hoặc có yếu tố đầu tư nước ngoài. Như vậy, không có gì đảm bảo rằng trong tương lai người tiêu dùng Việt Nam sẽ bớt thiệt hại. Do đó, sứ mệnh thứ hai của Viettel Post khi tham gia vào lĩnh vực này là tạo ra một sân chơi công bằng cũng như một tương lai lâu dài cho người dân Việt Nam.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng nông thôn hiện nay chưa phát triển mạng lưới logistics, người nông dân vẫn chưa mặn mà với hình thức mua sắm online. Ông nghĩ Vỏ Sò sẽ giúp được gì cho họ?

Tôi nghĩ đó là do thị trường mua sắm online chưa tạo ra giá trị cho người nông dân chứ không phải là họ không có nhu cầu. Vấn đề ở đây là phải có đơn vị tiên phong giúp đỡ họ, đặc biệt là phải làm cho họ tin tưởng và dễ sử dụng hệ thống, dễ thao tác khi mua sắm. Người nào làm được điều này người đó sẽ thành công.

Vậy kế hoạch cụ thể của công ty để hỗ trợ người nông dân buôn bán trên Vỏ Sò là gì? Ví dụ như triển khai các lớp tư vấn để hướng dẫn họ tham gia TMĐT chẳng hạn?

Theo tôi, chúng ta không nên cho người nông dân mọi thứ, mà hãy dạy họ biết kinh doanh.

MyGo và Vỏ Sò - Cuộc chơi tay ngang hay chiến lược dài hơi của Viettel Post? - Ảnh 5.

Đầu tiên, chúng tôi hỗ trợ người nông dân về hệ thống. Viettel Post cung cấp một nền tảng TMĐT thông minh và rất dễ sử dụng. Mọi người chỉ cần đọc, làm theo hướng dẫn là có thể sử dụng được thôi (cười). Ví dụ, các quy trình được sắp xếp theo thứ tự từ trên xuống dưới, mọi người chỉ cần làm tuần tự như vậy là được.

Thứ hai, chúng tôi sẽ hỗ trợ về marketing. Khi chúng ta có công cụ bán hàng rồi thì quan trọng nhất là marketing để thu hút sự chú ý của người mua. Viettel Post sẽ tổ chức các khóa đào tạo online miễn phí về marketing cho người nông dân.

Trong TMĐT, câu chuyện giữa hàng thật- hàng giả, hình ảnh sản phẩm quảng cáo và thực tế vốn là những câu chuyện nhức nhối, vậy Vỏ Sò làm sao để đảm bảo được chất lượng của sản phẩm?

Trên hệ thống Voso.vn, các bạn sẽ thấy có một gian hàng gọi là Voso Mall. Với gian hàng này, Viettel Post cam kết sản phẩm đúng như quảng cáo, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nếu sai, chúng tôi sẽ đền khách hàng gấp 10 lần.

Còn mô hình C2C bản chất là dành cho hoạt động bán hàng tự do, nên chúng tôi chỉ cung cấp các công cụ cho người bán, chứ không đi kèm cam kết.

Tôi có một thắc mắc, đó là nếu tôi là khách hàng vào Vỏ Sò để mua sắm, tôi có thể chọn hình thức thanh toán khác ngoài ViettelPay không, hoặc có mặc định phải dùng dịch vụ chuyển phát của Viettel Post hay MyGo không?

Chúng tôi xây dựng một hệ sinh thái cho cả người mua và người bán nên sẽ không đặt bất kỳ giới hạn nào để cản trở việc lựa chọn của người tiêu dùng. Với Viettel Post, khách hàng là quan trọng nhất. Chúng tôi sẵn sàng mở cửa để các đơn vị khác ngoài Viettel cùng tham gia.

MyGo và Vỏ Sò - Cuộc chơi tay ngang hay chiến lược dài hơi của Viettel Post? - Ảnh 6.

Ví dụ nếu sau này, khách hàng có chọn dịch vụ chuyển phát nhanh của đơn vị khác chứ không phải Viettel Post thì cũng tốt cho Viettel Post. Bởi như vậy chúng tôi mới biết mình cần phải nỗ lực và phấn đấu hơn.

MyGo và Vỏ Sò - Cuộc chơi tay ngang hay chiến lược dài hơi của Viettel Post? - Ảnh 7.

Ông nói rằng Viettel Post sẽ để các đơn vị chuyển phát khác cùng tham gia giao hàng cho Vỏ Sò, vậy có phải là MyGo, ngay trong hệ sinh thái của mình, phải cạnh tranh với các ứng dụng gọi xe như Grab, Go-Việt khi giao hàng nội tỉnh, hoặc Giao Hàng Nhanh, Giao Hàng Tiết Kiệm nếu giao ngoại tỉnh?

Mọi người nhìn trực quan thì rõ là như vậy, nhưng thực chất vấn đề rất khác.

Chúng tôi sẽ có một phân hệ dành cho khách hàng B2C. Sau này, Giao Hàng Nhanh, Giao Hàng Tiết Kiệm có thể là đối tác B2C trên hệ thống MyGo. Giống như bây giờ, các bưu cục của Viettel Post đang trở thành khách hàng của MyGo - tạo đơn hàng để MyGo đi giao. Rõ ràng mô hình này không phải mô hình cạnh tranh với các công ty chuyển phát mà thậm chí là một đối tác của họ.

Các bên họ đang vận hành độc lập rất tốt, vậy tại sao họ nên trở thành đối tác của MyGo?

Đối với ngành chuyển phát, điều quan trọng nhất là năng suất lao động. Bạn có biết toà nhà Keangnam bây giờ có bao nhiêu công ty chuyển phát giao hàng trong 1 ngày không?

Tôi không biết con số cụ thể, nhưng theo công bố, tại Hà Nội có khoảng 362 doanh nghiệp chuyển phát. Nếu 362 doanh nghiệp cùng đi giao bưu phẩm, cộng thêm các ứng dụng giao hàng như Grab, thì số lượng còn nhiều hơn nữa. Trong khi chúng ta kết hợp với nhau, việc vận chuyển giao hàng ở Keangnam chắc chỉ còn 4-5 doanh nghiệp.

Nếu như Viettel Post mang lại khách hàng cho MyGo và thành công, thì Viettel Post cũng có thể làm vậy với các đối tác khác. Và họ sẽ không có lí do từ chối hợp tác, đặc biệt khi kết hợp cùng nhau thì chi phí hoạt động thấp hơn.

Vấn đề ở đây là các công ty Việt Nam chưa bao giờ có sự liên kết với nhau vì chúng ta chưa có giá trị đóng góp cho nhau. Doanh nghiệp Việt toàn nhìn thấy cái mất đi thôi. Cứ hợp tác là phải mất đi, ăn chia cái nọ cái kia. Nhưng ta không biết rằng chính hợp tác quy mô lớn sẽ tạo ra năng suất cao và tiện ích cho người tiêu dùng, đó mới là quan trọng. Bởi vậy Viettel Post có cách tiếp cận rất khác: Tạo ra giá trị trước và kêu gọi hợp tác thay vì hợp tác ngay từ ban đầu.

MyGo và Vỏ Sò - Cuộc chơi tay ngang hay chiến lược dài hơi của Viettel Post? - Ảnh 8.

Ông có thể cho biết tài xế tham gia MyGo được hưởng quyền lợi gì đặc biệt không?

Tôi nhận định tài xế công nghệ sẽ trở thành một nghề, không phải là tận dụng thời gian rảnh rỗi để cung cấp dịch vụ nữa. Viettel Post sẽ hướng đến giá trị đích thực của người lao động. Trong dài hạn, tài xế có cơ hội trở thành cán bộ chính thức của Viettel Post và được hưởng đầy đủ quyền lợi lao động.

Tôi được các tài xế chia sẻ rằng nhiều ứng dụng gọi xe công nghệ đang khuyến khích lái xe "bán máu", thuật ngữ ám chỉ làm việc càng nhiều thu nhập càng cao. Ông đánh giá ra sao về cách làm này?

Tôi không khuyến khích như vậy, bởi vì nhiều lái xe vẫn còn là sinh viên, sức lực, thời gian phải dành cho nhiều công việc khác, đặc biệt là việc học tập. Chúng tôi không đi theo tiêu chí bào mòn sức lao động của họ, tận dụng sự khó khăn của họ để giành lấy thù lao cho mình.

Tôi xác định vào đây (MyGo – PV), tài xế không chỉ có thu nhập mà họ được đào tạo các kỹ năng khác, đặc biệt là kỹ năng bán hàng. Các kỹ năng bán hàng đấy không chỉ đào tạo theo kiểu "nôm", mà dựa trên các bài giảng cụ thể. Nghĩa là có kiến thức thực tiễn, có thể bổ trợ cho những gì nhà trường chưa có.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ có nhiều biện pháp để khuyến cáo sinh viên không dùng quá nhiều thời gian cho việc lái xe mà lơ là quá trình học tập. Thậm chí chúng tôi sẽ dùng cả công nghệ để can thiệp và hỗ trợ họ, vì đấy mới là mục tiêu dài hạn mà Viettel Post nhắm đến.

MyGo và Vỏ Sò - Cuộc chơi tay ngang hay chiến lược dài hơi của Viettel Post? - Ảnh 9.

Các ông có đặt mục tiêu tới đây sẽ giành được bao nhiêu thị phần trong lĩnh vực gọi xe cũng như thị trường TMĐT không?

Đến hết 2019, chúng tôi có đặt mục tiêu là tập trung vào cung cấp trải nghiệm và dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, chứ không đặt ra mục tiêu là doanh số bao nhiêu, lợi nhuận bao nhiêu.

Sang năm, chúng tôi mới tính chỉ tiêu doanh thu, đặt mục tiêu về doanh số, số lượng người dùng, số chuyến xe và mục tiêu về đơn hàng.

Trên thực tế, ở cuộc chiến trong thị trường gọi xe, cũng như TMĐT, người tham gia đều phải "đốt" rất nhiều tiền. Tại Việt Nam, khoản lỗ ghi nhận của một số đơn vị đã lên tới hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn tỷ đồng. Vậy doanh nghiệp ông sẵn sàng chi bao nhiêu cho cả 2 cuộc chiến này?

Viettel Post sẽ không "đốt tiền", đó là một lời cam kết vì chúng tôi hướng đến giá trị lâu dài chứ không hướng đến giá trị trước mắt. Tôi cũng không biết các doanh nghiệp khác họ lỗ ở cái gì, vì theo như tôi tìm hiểu, chưa có một báo cáo kiểm toán độc lập nào cả.

MyGo và Vỏ Sò - Cuộc chơi tay ngang hay chiến lược dài hơi của Viettel Post? - Ảnh 10.

Nhưng nếu đã không biết rồi thì không sao, càng tốt; biết rồi có khi mình lại chẳng dám làm, còn không biết thì có khi mình lại càng mạnh mẽ hơn.

Nhưng rõ ràng các hãng ở đây, tôi có cảm quan thôi, đang đổ rất nhiều tiền vào marketing. Nên chúng tôi vẫn nhận định là việc đầu tư cho marketing là lớn nhất và nếu lỗ thì là lỗ ở marketing. Tôi xác định marketing làm trọng tâm, nhưng sẽ không đổ quá nhiều tiền vào marketing.

Các đối thủ trên thị trường hiện nay đều có chống lưng mạnh về tài chính. Trong lĩnh vực TMĐT, Lazada có Alibaba hậu thuẫn, Tiki là JD và VNG, Shopee có Tencent. Còn trong lĩnh vực gọi xe, Grab nhận đầu tư từ Softbank, Go-Viet với cánh tay nối dài của Go-Jek đã có Tencent, Google. MyGo và Vỏ Sò có ai?

Các công ty chống lưng của họ bản chất là các công ty tài chính. Còn chúng tôi có Viettel, một thương hiệu được nhiều người dân yêu mến.

Các sản phẩm của Viettel Post được "chống lưng" bởi những người Việt Nam giàu khát vọng, mong muốn tạo ra các sản phẩm thiết thực để phục vụ nhu cầu của người dân Việt Nam.

Còn Tập đoàn Viettel cũng không bao giờ đổ tiền cho Viettel Post "chơi lớn" như những doanh nghiệp khác, mặc dù Tập đoàn rất hùng mạnh, có tiềm lực tài chính rất lớn.

MyGo và Vỏ Sò - Cuộc chơi tay ngang hay chiến lược dài hơi của Viettel Post? - Ảnh 11.

Nếu không "đốt tiền" vào marketing để lôi kéo khách hàng, vậy Viettel Post sử dụng cách nào?

TMĐT Việt Nam chưa định hình bất kỳ một doanh nghiệp nào chiến thắng, nghĩa là người tiêu dùng chưa thực sự thân thiết với bất kỳ doanh nghiệp nào. Vậy các bên cứ tiếp tục marketing, khuyến mãi đến bao giờ?

Cuộc chiến "đốt tiền" chắc chắn sẽ có hồi kết và không thể kéo dài mãi mãi được. Đương nhiên, Viettel Post sẽ không đi tới hồi kết bằng cách như vậy, chúng tôi có hướng tiếp cận khác về vấn đề này để chiến thắng trong dài hạn. Nhưng hướng đi cụ thể thế nào tôi xin phép không tiết lộ.

Trong tương lai ngoài mảng gọi xe và TMĐT, Viettel Post có định lấn sân sang các mảng khác không?

Chúng tôi sẽ tập trung vào giá trị cốt lõi là công nghệ, dịch vụ chuyển phát và xây dựng nền tảng hỗ trợ khách hàng, chỉ xoay quanh 3 lĩnh vực chính này thôi. Chúng tôi sẽ khép kín hệ sinh thái của Viettel Post.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện vừa rồi.

Hồng Nhung - Ảnh: Duy Anh
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Trí Thức Trẻ