Mỹ và Trung Quốc: Chuyện gì có thể xảy ra khi nền kinh tế lớn số 1 và số 2 thế giới 'đánh nhau'?

26/10/2018 10:05 AM | Xã hội

Lịch sử đã chứng mình cách tốt nhất để nhân loại hưởng lợi là 2 nền kinh tế lớn bậc nhất thế giới Trung Quốc và Mỹ chung sống hòa bình với nhau, nhưng làm cách nào thì chưa ai có lời giải.

Trong 1/4 thế kỷ qua, đường lối tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc đa phần theo hướng ôn hòa. Mặc dù có những vụ xung đột nhưng ảnh hưởng của Mỹ khiến nền kinh tế Trung Quốc ngày càng đi lên. Phía Mỹ cũng mong muốn với những tác động hợp lý, Trung Quốc sẽ trở thành một nước có "trách nhiệm" trên thế giới.

Tuy nhiên giờ đây đường lối ôn hòa mà Mỹ muốn áp dụng đã không còn. Thay vào đó, Nhà Trắng coi Trung Quốc là một đối thủ của Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc ăn cắp sở hữu trí tuệ, kiếm soát tỷ giá, xuất siêu sang Mỹ, lấy mất việc làm và có âm mưu tác động đến văn hóa, chính trị của nền kinh tế số 1 thế giới.

Sự chuyển biến của 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới

Mới đây, Phó tổng thống Mike Pence còn cảnh báo Trung Quốc rằng họ đang đối đầu với toàn bộ chính phủ Mỹ, những từ ngữ đao to búa lớn gây cảm tưởng như một cuộc chiến tranh lạnh lần thứ 2 sắp bắt đầu.

Trên thực tế, Tổng thống Trump hay Phó tổng thống Pence không hề đơn độc trong cuộc chiến này. Rất nhiều nghị sĩ của cả 2 Đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều mong muốn đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc. Thậm chí từ cuối những năm 1940, giới quân sự và diều hâu của chính trường Mỹ đã đề xuất ý tưởng xoay trục chiến lược với một đối thủ tiềm tàng tại châu Á.

Ở phía bên kia Thái Bình Dương, Trung Quốc lại đang có một cuộc cách mạng về tư tưởng. Những nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cho rằng Mỹ đang cố gắng kìm hãm sự phát triển của đất nước họ. Đây là lý do cho chính sách "Giấu mình chờ thời" được áp dụng suốt những năm tháng kể từ khi mở cửa nền kinh tế.

Mỹ và Trung Quốc: Chuyện gì có thể xảy ra khi nền kinh tế lớn số 1 và số 2 thế giới đánh nhau? - Ảnh 1.

Tuy nhiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tình hình đã dần thay đổi. Trong khi nền kinh tế Mỹ lao đao thì Trung Quốc lại vươn lên như một yếu tố chủ chốt tác động đến kinh tế toàn cầu. Cũng từ đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu nhắc tới "Giấc mơ Trung Hoa" với mong muốn Trung Quốc trở thành một cường quốc thực sự.

Niềm tin này của Chủ tịch Tập Cận Bình không phải chỉ của riêng ông mà còn lan tràn đến rất nhiều người Trung Quốc. Chính niềm tin đó khiến những lời cáo buộc của Tổng thống Trump trở nên lố bịch trong mắt chính quyền Bắc Kinh.

Giờ đây, Trung Quốc không cần "Giấu mình chờ thời" nữa mà đã đủ sức mạnh để thực hiện ước mơ của mình. Theo chuyên gia Graham Allison của trường đại học Harvard, một cường quốc lâu năm như Mỹ chắc chắn sẽ có xung đột với một nước đang vươn tầm mạnh mẽ như Trung Quốc.

Người Mỹ có lý do để lo lắng khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh gấp 2 lần Mỹ. Đặc biệt hơn, cường quốc châu Á đổ rất nhiều tiền cho những ngành công nghệ kỹ thuật như trí thông minh nhân tạo, sinh học, lượng tử…

Với đà phát triển như hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng vị thế để Mỹ cáo buộc Trung Quốc về ăn cắp sở hữu trí tuệ hay đánh thuế nhập khẩu sẽ không còn trong tương lai khi cường quốc châu Á đã đủ lớn mạnh. Đây là một trong những nguyên nhân thúc đẩy Nhà Trắng ngày càng cứng rắn với chính quyền Bắc Kinh.

Trên thực tế, lịch sử đã chứng mình cách tốt nhất để nhân loại hưởng lợi là 2 nền kinh tế này chung sống hòa bình với nhau, nhưng làm cách nào thì chưa ai có lời giải.

Mỹ và Trung Quốc: Chuyện gì có thể xảy ra khi nền kinh tế lớn số 1 và số 2 thế giới đánh nhau? - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Mỹ cần chiến lược chứ không phải chiến thuật

Theo tờ Economist, Tổng thống Trump đã đúng 3 điều trong các chính sách hiện nay. Thứ nhất, nước Mỹ cần cứng rắn, cả về kinh tế, chính trị hay ngoại giao. Với vị thế là một cường quốc như hiện nay, không quá muộn để Mỹ áp đặt luật chơi cho thế giới.

Tiếp theo, việc Mỹ muốn xóa bỏ thâm hụt thương mại với Trung Quốc là đúng đắn khi chính quyền Bắc Kinh áp dụng những chính sách không công bằng để đem lại lợi ích cho những doanh nghiệp nội địa. Những lời cáo buộc của Tổng thống Trump trên thực tế đã tồn tại từ rất lâu nhưng chỉ đến khi Trung Quốc bành trướng, Nhà Trắng mới thực sự quan tâm.

Một quyết định nữa được nhiều chuyên gia đồng quan điểm là việc Mỹ cứng rắn với cả các đồng minh của mình. Các hiệp định thương mại với Canada, Mexico không chỉ giúp Mỹ hưởng lợi hơn so với trước đây mà còn chứng tỏ nền kinh tế số 1 thế giới thực sự quyết tâm thay đổi.

Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ cần một chiến lược hoàn chỉnh hơn là những chiến thuật lẻ tẻ mang tính bốc đồng. Theo Economist, bất cứ quốc gia phương Tây nào lao vào cuộc đua chèn ép đầy vô lý với Trung Quốc cuối cùng sẽ chẳng đi đến đâu.

Mỹ là một cường quốc với vị thế lớn, xuất phát điểm cao hơn Trung Quốc. Nền kinh tế này hưởng lợi từ rất nhiều định chế, thỏa thuận từ lâu có lợi cho họ. Bởi vậy thay vì ép buộc Trung Quốc đến đường cùng, Mỹ có thể thực hiện chiến lược "cây gậy và củ cà rốt", nới lỏng một phần cho Trung Quốc để họ phát triển. Thay vì đơn phương kích thích chiến tranh thương mại, Mỹ hoàn toàn có thể hợp tác với Châu Âu, Nhật Bản để gây áp lực buộc Trung Quốc thay đổi.

Suy cho cùng, lợi ích của cả Mỹ và Trung Quốc đều gắn bó khá chặt chẽ do mối liên kết về thương mại. Trung Quốc thiệt hại cũng sẽ gây ảnh hưởng đến các công ty, người lao động và tiêu dùng tại Mỹ. Điều này khác rất nhiều so với thời kỳ Chiến tranh lạnh khi Liên Xô và Mỹ hầu như đối đầu nhau trên mọi mặt trận và sự sụp đổ của 1 bên là chiến thắng của bên còn lại.

Mỹ và Trung Quốc: Chuyện gì có thể xảy ra khi nền kinh tế lớn số 1 và số 2 thế giới đánh nhau? - Ảnh 3.

AB

Cùng chuyên mục
XEM