Mỹ muốn tự sản xuất tấm pin mặt trời, chịu cất lên ‘tiếng nói’ sau hơn 2 thập kỷ gián đoạn
Mỹ đang thực hiện một trong những chiến lược công nghiệp lớn nhất từ trước tới nay.
Trong hơn 2 thập kỷ, các công nhân tại một nhà máy ở Perrysburg, Ohio, gần Toledo, đã bền bỉ sản xuất một thứ mà gần như các doanh nghiệp khác muốn quay đầu: tấm pin mặt trời.
Vậy làm thế nào, First Solar, công ty sở hữu nhà máy trên có thể trụ vững khi hầu hết hoạt động sản xuất tấm pin mặt trời tại Mỹ bị gián đoạn? Tổng thống Joe Biden hồi năm ngoái đã cấp hàng trăm tỷ USD khuyến khích liên bang sản xuất tấm pin mặt trời, tua-bin gió, pin, ô tô điện và chất bán dẫn. Đây là một trong những chiến lược công nghiệp lớn nhất từ trước tới nay được thực hiện ở Mỹ.
“Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) là một trong những đạo luật quan trọng nhất trong lịch sử của chúng ta. Với luật này, người dân Mỹ đã chiến thắng”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh.
Nhờ có IRA, các tấm pin mặt trời đã được đầu tư lắp đặt tại nhiều khu đất trống hoặc sân thượng các tòa nhà thương mại. Cộng đồng những người thuê nhà và cư dân căn hộ theo đó có thể đăng ký sử dụng năng lượng mặt trời và đóng phí hàng tháng dựa trên mức độ tiêu thụ. Hóa đơn điện nước cũng được chiết khấu thêm để khuyến khích người dân sử dụng nguồn điện sạch.
Sau khi IRA được thông qua, việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời cộng đồng tại 21 tiểu bang và Washington D.C trở nên dễ dàng và rẻ hơn. Đạo luật cũng dành ra 7 tỷ USD giúp những lao động thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận công nghệ không phát thải, đồng thời thiết lập các chương trình năng lượng mặt trời từ nay cho đến ít nhất tháng 9/2024.
Đây chính là động lực giúp nhiều công ty, trong đó có First Solar, tuyên bố xây dựng tổng cộng hàng chục nhà máy trên khắp đất nước. Tuy nhiên, không ai dám chắc chúng có bền vững hay không bởi lĩnh vực này Trung Quốc đang thống trị mạnh mẽ nhờ hưởng lợi từ chi phí lao động thấp và ưu đãi chính phủ.
First Solar sống sót một phần vì các tấm pin của hãng không sử dụng polysilicon - loại vật liệu có trong hầu hết các tấm pin và hiện đang được sản xuất gần như hoàn toàn ở Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty cũng đã có thời điểm vô cùng khó khăn, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
“Đó là một lịch sử đầy chông gai”, Michael Heben, đối tác của First Solar, cho biết.
Theo một số chuyên gia, nỗ lực sản xuất tấm pin mặt trời ở Mỹ có thể là sai lầm. Ngay cả trong điều kiện thuận lợi nhất, doanh nghiệp vẫn không thu lại được nhiều lợi nhuận hay nhân công. Jenny Chase, nhà phân tích năng lượng mặt trời tại Bloomberg New Energy Finance, cho rằng sẽ tốt hơn nếu nhập khẩu chúng từ các nhà sản xuất chi phí thấp để nhanh chóng chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
“Ở Mỹ, ngay cả khi bùng nổ sản xuất, tấm pin mặt trời vẫn sẽ vô cùng đắt đỏ”, Jenny Chase nói.
Một số ý kiến khác lại cho rằng Mỹ vẫn nên tự sản xuất. Sẽ là không khôn ngoan nếu nước này và những đồng minh khác như châu Âu và Nhật Bản tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc trong một công nghệ quan trọng. Sự hỗn loạn của chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch và căng thẳng địa chính trị càng làm nổi bật những rủi ro.
Thế nhưng, có một điều chắc chắn rằng thế giới sẽ cần thêm nhiều tấm pin mặt trời hơn nữa để loại bỏ khí thải nhà kính. Các chuyên gia năng lượng cho biết, công suất điện mặt trời lắp đặt trên toàn thế giới cần phải lớn gấp ít nhất 20 lần hiện nay, thậm chí là 70 lần.
Giám đốc điều hành First Solar, Mark Widmar, tin rằng công ty mình có thể nhanh chóng mở rộng sản xuất tại Mỹ. Công ty có trụ sở tại Tempe, Ariz. đang xây dựng nhà máy thứ năm ở Mỹ tại Louisiana, thậm chí mở rộng sang cả Ohio.
Ông Widmar, 58 tuổi, lớn lên trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động ở South Bend, chia sẻ mong muốn của mình là tạo ra thêm việc làm cho người Mỹ, đồng thời giúp nước này mở rộng vị thế dẫn đầu về công nghệ.
Do đó, ngay sau khi trở thành giám đốc điều hành 5 năm về trước, ông Widmar đã thúc đẩy các kỹ sư của mình tung ra thế hệ tấm pin mặt trời mới có thể tạo ra nhiều năng lượng hơn, với chi phí thấp hơn. Điều này khá rủi ro vì đòi hỏi vốn đầu tư vào máy móc lớn. “Rất nhiều CEO không dám đưa ra quyết định đó. Nhưng tôi biết chúng tôi phải phát triển”, ông Widmar nói.
First Solar bắt đầu vào năm 1990 với tên gọi Solar Cells, được thành lập bởi Harold McMaster - nhà phát minh đi tiên phong trong việc sản xuất kính cường lực. Trong những năm 1990 và 2000, hoạt động kinh doanh tấm pin mặt trời phát triển nhanh chóng ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản song thời kỳ đầu gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, Trung Quốc và các công ty nội địa khác lại tăng gấp đôi hoạt động đầu tư cho công nghệ để nỗ lực giảm chi phí.
First Solar, được hưởng lợi từ khoản đầu tư của gia đình Walton, may mắn trụ vững. Thay vì dùng silicon như những đối thủ khác, công ty quyết định sử dụng cadmium Telluride độc quyền, thậm chí tăng cường mở rộng sang thị trường châu Âu vì khu vực này giới chức đưa ra các khoản trợ cấp rất hào phóng để khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời.
Tuy nhiên, First Solar vẫn không tránh khỏi thăng trầm của ngành. Công ty lỗ hơn 100 triệu USD vào năm 2019 trước khi đạt doanh thu khoảng 400 triệu USD/năm vào năm 2020 và 2021. Năm ngoái, First Solar cũng lỗ 44 triệu USD do chi phí vận chuyển hàng hóa biến động.
Theo: The New York Times, Bloomberg