Mỹ cũng phải thua Trung Quốc: ‘Vua bán lẻ’ không địch nổi hàng ‘cây nhà lá vườn’, trắng tay sau 27 năm ôm mộng bá chủ
Gã khổng lồ bán lẻ Mỹ chờ một ngày chinh phục đất nước tỷ dân nhưng không thể.
Walmart mở cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 1996. Đại siêu thị rộng lớn ở thành phố Thâm Quyến hứa hẹn một ngày gã khổng lồ bán lẻ của Mỹ có thể dễ dàng chinh phục đất nước tỷ dân.
Năm 2019, hãng tuyên bố đầu tư khoảng 8 tỷ nhân dân tệ, tương đương 1,2 tỷ USD, vào các trung tâm phân phối tại Trung Quốc trong vòng 2 thập kỷ. Động thái này chủ yếu nhằm mục đích đẩy mạnh mảng giao hàng thực phẩm và hạ nhiệt sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ các đối thủ địa phương và bán lẻ trực tuyến.
Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực tìm ra chiến lược kinh doanh phù hợp, Walmart vẫn chậm chân hơn nhiều so các đối thủ tại địa phương. Đại siêu thị khổng lồ, thứ được kỳ vọng có thể biến Walmart trở thành thương hiệu bán lẻ hàng đầu Trung Quốc, đã phải dành nhiều năm vật lộn để theo kịp các doanh nghiệp nhỏ lẻ địa phương vốn nổi tiếng giá rẻ và giao hàng nhanh chóng.
Theo WSJ, Walmart là ví dụ điển hình của một trong những tập đoàn phương Tây khổng lồ gặp khó khăn trong việc phát triển tại thị trường Trung Quốc. Bằng chứng là hồi tháng 4 năm ngoái, doanh số bán lẻ trên toàn Trung Quốc đã giảm hơn 11% so với năm 2021 trong bối cảnh các lệnh hạn chế di chuyển khiến người dân không thể thoải mái ra ngoài mua sắm.
“Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã khiến chúng tôi gặp áp lực lớn về vận hành và tài chính”, Doug McMillon, Giám đốc điều hành Walmart nói.
Được biết, thị trường bán lẻ của đất nước tỷ dân từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong tham vọng bá chủ của tập đoàn Mỹ. Walmart cắt giảm quy mô hoạt động tại Anh, Brazil, Nhật Bản và nhiều thị trường đầy hứa hẹn khác, song vẫn kiên trì với Trung Quốc đại lục.
Lý giải điều này, đại diện Walmart cho biết Trung Quốc là quốc gia có các hoạt động sản xuất và nguồn cung rộng lớn. Việc vận hàng chuỗi các cửa hàng tại đây, theo đó, sẽ giúp Walmart bắt kịp xu hướng trên thị trường bán lẻ và thương mại điện tử.
Theo WSJ, khi thâm nhập thị trường bán lẻ Trung Quốc hơn 27 năm trước, Walmart đã áp dụng cách tiếp cận như với thị trường Mỹ: Nhiều chuỗi cửa hàng khổng lồ được quản lý bởi các trung tâm phân phối, giúp người tiêu dùng mua hàng chất lượng cao với giá phải chăng. Tuy nhiên, cách thức này chưa thực sự hiệu quả.
Câu chuyện của Zhang Jiawei, 30 tuổi, là một ví dụ minh chứng. Người đàn ông này cho biết khi còn nhỏ, việc cùng nhau tới Walmart dịp cuối tuần luôn nằm đầu danh sách các việc phải làm của cả gia đình. Các kệ hàng đầy màu sắc với đủ mọi thứ trên đời đã in sâu trong tâm trí của cậu bé Jiawei.
Tuy nhiên, hiện tại, khi cần mua các tạp hóa phẩm, Walmart không phải sự lựa chọn ưu tiên của gia đình Zhang Jiawei. Họ chỉ tới Siêu thị Freshippo, thuộc sở hữu của tập đoàn Alibaba Group, một phần vì thương hiệu này có cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng chỉ sau chưa đầy 30 phút.
“Việc tới Walmart không còn thú vị nữa. Họ hiếm khi thay đổi cách bày trí hoặc làm mới dịch vụ, sản phẩm của họ”, Zhang nói.
Theo bộ phận nghiên cứu thị trường Euromonitor International, hồi năm 2021, Walmart từ vị trí thứ hai đã tụt xuống trở thành nhà điều hành đại siêu thị lớn thứ tư Trung Quốc. Công ty tư vấn quản lý Bain & Co và Kantar Worldpanel cũng cho biết, doanh số bán hàng tại tất cả các đại siêu thị Walmart tại đại lục đều giảm trung bình 3%/năm, từ năm 2016 đến năm 2020.
“Walmart không phải những gì người tiêu dùng Trung Quốc muốn”, Han Hu, chuyên gia phân tích người tiêu dùng tại Euromonitor cho biết, đồng thời khẳng định người Trung Quốc rất thích mua sắm hàng tạp hóa trực tuyến.
Năm ngoái, Walmart phải đóng cửa hơn 40 trên tổng số 400 đại siêu thị sau khi cân nhắc lại vai trò của chúng trong dài hạn. Trong báo cáo, hãng bán lẻ này giải thích thời hạn thuê mặt bằng đã hết, song theo các chuyên gia cùng ngành, sự gia tăng trong chi phí cũng như tốc độ phát triển của dịch vụ giao hàng nhanh tại địa phương đã khiến các cửa hàng truyền thống do Walmart dẫn đầu mất lợi thế cạnh tranh.
Vào năm 2016, Walmart mua cổ phần của JD và công ty con JD. Những thỏa thuận hợp tác này đã giúp Walmart dần phát triển mảng thương mại điện tử với mô hình thử nghiệm siêu thị thông minh, cho phép người tiêu dùng sử dụng điện thoại (smartphone) làm thiết bị quét tại quầy thanh toán.
Tính đến năm 2022, dữ liệu của Euromonitor cho thấy Walmart nắm giữ 10,9% thị trường bán lẻ trị giá 94 tỷ USD của Trung Quốc. Con số này tăng so với mức 9,3% của 5 năm trước, song vẫn không thể giúp Walmart tăng bậc. Các cửa hàng tại Trung Quốc của Walmart cũng thường xuyên phải đối mặt với các đợt kiểm tra an toàn thực phẩm bất thường.
Không chỉ ở Trung Quốc, bản thân Walmart thời gian gần đây cũng phải vật lộn trên chính quê hương mình. Việc hãng này phải đóng cửa ngày càng nhiều các cửa hàng trên khắp nước Mỹ đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về tương lai ngành bán lẻ, đặc biệt tại khu vực trung tâm thành phố và khu thương mại đông đúc.
“Một khi nơi đây trở thành những khu dân cư đô thị thực sự, hoạt động bán lẻ sẽ bắt đầu thay đổi”, Terry Shook, một đối tác sáng lập của công ty tư vấn Shook Kelly, nói, đồng thời cho biết cách các trung tâm thành phố được hoạch định sẽ quyết định sức khỏe tài chính nền kinh tế khu vực.
Theo Morgan Stanley, từ năm 1995 đến năm 2021, số cửa hàng đóng cửa hàng năm nhiều hơn số cửa hàng được khai trương. Xu hướng này trở nên phổ biến với tên gọi “Ngày tận thế của ngành bán lẻ”. Walmart dĩ nhiên không miễn nhiễm khi phải đóng cửa khoảng 40 cửa hàng kể từ năm 2021. Trong năm nay, hãng dự kiến tiếp tục đóng thêm 20 cửa hàng.
Xu hướng mua sắm trực tuyến khiến các chuỗi cửa hàng này gặp áp lực. Theo Cục điều tra dân số, thương mại điện tử chiếm 14,7% tổng doanh số bán lẻ trong quý IV/2022. Đại dịch đã đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng này.
Theo: WSJ, CNN