Mưu kế cuối cùng của Gia Cát Lượng khiến 4 người mất mạng, gần 2000 năm sau vẫn thách thức hậu thế

18/01/2021 20:28 PM | Sống

Để lại một kế hoạch được cho là cuối cùng trong đời mình, Gia Cát Lượng quả thực không hổ danh là một mưu sĩ tài ba.

Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh, hiệu Ngoạ Long, dân tộc Hán, người đất Dương Đô, quận Lang Nha thuộc Từ Châu (nay là huyện Nghi Nam, Lâm Nghi, Sơn Đông, Trung Quốc), là Thừa tướng của nước Thục Hán thời Tam Quốc, đồng thời cũng là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn, nhà thư pháp, nhà phát minh kiệt xuất.

Khi còn sống, ông được phong làm Vũ hương hầu, sau khi qua đời được phong thuỵ hiệu Trung vũ hầu. Chính quyền Đông Tấn còn truy phong Gia Cát Lượng làm Vũ hưng vương vì tài năng quân sự của ông.

Tác phẩm văn xuôi tiêu biểu của ông bao gồm "Xuất sư biểu", "Giới tử thư". Ông từng phát minh ra những thứ như "trâu gỗ ngựa máy", đèn Khổng Minh, đồng thời cải tiến nỏ liên hoàn, được gọi là "nỏ Gia Cát", có thể bắt liên tiếp 10 mũi tên. Cả đời Gia Cát Lượng cúc cung tận tuỵ, đến chết mới thôi. Ông là nhân vật tiêu biểu cho trung thần và trí thức trong văn hoá truyền thống của Trung Quốc.

Tháng 2 năm Kiến Hưng thứ 12 (năm 234), Gia Cát Lượng đem theo đại quân rời đường Tà Cốc, đóng quân tại Vị Tân, đối diện với Tư Mã Ý ở Vị Nam, còn hẹn nước Ngô cùng dấy binh.

 Mưu kế cuối cùng của Gia Cát Lượng khiến 4 người mất mạng, gần 2000 năm sau vẫn thách thức hậu thế - Ảnh 1.

Hình ảnh nhân vật Gia Cát Lượng trên phim.

Trong thời gian đó, Gia Cát Lượng nhiều lần phái sứ giả gửi thư khiêu chiến, còn gửi khăn trùm của phụ nữ (ý chỉ Tư Mã Ý như đàn bà) nhằm chọc giận, nhưng Tư Mã Ý nhịn nhục phòng thủ không ra ngoài, đồng thời dùng diệu kế "thiên lý thỉnh chiến" kéo dài thời gian, xoa dịu cơn giận của tướng sĩ.

Tư Mã Ý không nghe ngóng tình hình quân sự, thay vào đó từng dò hỏi sứ giả Thục Hán về việc ngủ nghỉ, ăn uống và làm việc của Gia Cát Lượng.

Sứ giả trả lời: "Gia Cát công dậy sớm ngủ muộn, hễ có xử phạt 20 trượng trở lên đều sẽ đích thân đọc; cơm ông ấy ăn chưa tới vài thăng." Tư Mã Ý nghe xong nói rằng: "Gia Cát Khổng Minh ăn ít nhưng công việc nhiều, ông ta còn sống được bao lâu đây?"

Quả nhiên, nửa năm sau, vào tháng 8 năm 234, Gia Cát Lượng mất do bệnh nặng tại Ngũ Trượng Nguyên (nay thuộc Bảo Kê, Trung Quốc), hưởng dương 54 tuổi.

Mưu kế cuối cùng của Gia Cát Lượng

Sử viết: Gia Cát Lượng từng trăng trối lệnh cho thuộc hạ chôn mình tại núi Định Quân thuộc Hán Trung, xây mộ theo thế dựa núi, chỉ cần đào một cái huyệt, huyệt chỉ chứa được quan tài, cho mặc quần áo ngày thường nhập liệm, không cần những đồ tuỳ táng khác.

Gia Cát Lượng từng dâng tấu cho biết mình không có tài sản dư thừa, ông đã sắp xếp cho con cháu như sau: "Kim thành đô hữu tang bát bách châu, bạc điền thập ngũ khoảnh, tử đệ y thực, tự hữu dư nhiêu." Có nghĩa là: Con cháu ông có thể sống tự cung tự cấp nhờ vào 800 cây dâu và 15 khoảnh đất cằn.

 Mưu kế cuối cùng của Gia Cát Lượng khiến 4 người mất mạng, gần 2000 năm sau vẫn thách thức hậu thế - Ảnh 2.

Hình ảnh nhân vật Gia Cát Lượng trên phim.

Tương truyền Gia Cát Lượng có dặn dò người bên mình rằng: "Quan tài Nam đài, thằng đoạn tiện táng", có nghĩa là để vài người khiêng quan tài ông đi về phía Nam, khi nào dây thừng đứt, khi ấy hãy hạ táng.

Theo ý của Khổng Minh, quân đội cử bốn người cường tráng khiêng quan tài của ông đi về phía Nam, nhưng bốn người này đã đi rất lâu nhưng vẫn không thấy dây thừng có dấu hiệu đứt. Họ bèn bàn bạc một lúc rồi lấy đao chặt đứt luôn dây thừng, sau đó tìm một địa điểm thích hợp chôn quan tài rồi quay về.

Hậu chủ Lưu Thiện nhận thấy bốn người này tốn quá ít thời gian trong việc đưa tiễn di hài của Thừa tướng, sau khi tra khảo mới biết họ không làm theo lời trăng trối của Gia Cát Lượng. Trong cơn tức giận, Lưu Thiện đã cho giết bốn người này.

Nhưng sau khi họ bị giết, không còn ai biết được địa điểm chính xác chôn cất Gia Cát Lượng nữa.

Có lẽ đây cũng là kế cuối cùng khi Gia Cát Lượng còn sống! Ông lo rằng sau khi chết mình không được yên, chỉ cần không ai biết ông được chôn ở đâu, vậy thì không cần lo có người quật mộ. Và quả thật, cho đến ngày nay, sau gần 2000 năm, hậu thế vẫn chưa tìm ra được mộ thật của Gia Cát Lượng.

Đúng như nhà sử học Tiền Mục (Trung Quốc) từng nói: "Một Gia Cát lượng đã khiến thời Tam Quốc thêm rực sáng, sánh ngang với thời Lưỡng Hán."

Khánh An

Cùng chuyên mục
XEM