Muốn xóa sổ nhiều lễ hội, Việt Nam một mình đi ngược lại xu thế của thế giới?

05/05/2016 09:49 AM | Kinh tế vĩ mô

Nhiều người đặt câu hỏi nếu không có các lễ hội truyền thống, người Việt Nam sẽ lấy gì để khẳng định sự khác biệt của mình so với các dân tộc khác trong khu vực và trên thế giới.

Anh Minh Tuấn là hướng dẫn viên chuyên đón khách nước ngoài đã nhiều năm tại Hà Nội. Anh cho biết gần đây khi nhiều người nói đến việc Việt Nam có quá nhiều lễ hội, mọi người cho rằng lễ hội đã kéo tụt lùi năng suất lao động của Việt Nam, anh đã chia sẻ quan điểm đó với người nước ngoài, và phản hồi nhận lại khiến anh rất ngạc nhiên.

Nếu không có lễ hội, người Việt sẽ lấy gì để kể với thế giới về phong tục của mình?

Nhiều Việt kiều xa xứ từ cách đây vài thập niên khẳng định rằng khi ra nước ngoài dù cuộc sống ở nước ngoài của họ rất tốt, nhưng có một điều khiến họ rất nhớ, đó là những lễ hội của quê hương Việt Nam. Theo họ, lễ hội chính là yếu tố thể hiện cho bản sắc văn hóa của một dân tộc, và nó là yếu tố giúp để phân định dân tộc này với dân tộc khác.

Và thường thì những đất nước nào có lịch sử dài với bề dầy các giá trị văn hóa, truyền thống qua nhiều thế kỷ sẽ có nhiều lễ hội như Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ. Những nước có lịch sử ngắn, bề dầy văn hóa không lâu đời mà chủ yếu phát triển trong lịch sử hiện đại sẽ có ít lễ hội mang bản sắc văn hóa riêng. Họ có nhiều lễ hội, nhưng sẽ thật khó để họ có thể tìm được một cái gì đó mang dấu ấn riêng đậm nét.

Anh Hayden Thomas đang sống tại Vancouver, Canada. Gia đình anh mới đến Việt Nam và có kế hoạch sẽ dành tận 1 tháng tại đây. Gia đình anh thu xếp bằng được thời gian để tham gia Hội Chùa Hương và anh cảm thấy hoàn toàn hài lòng, vui vẻ vì mình đã có dịp tham dự lễ hội của Việt Nam.

Khi nói về quan điểm của nhiều người cho rằng Việt Nam nên bỏ bớt lễ hội để nâng cao năng suất lao động, anh cho rằng đó là quan điểm không hợp lý. Lễ hội là cái đã tồn tại trước chúng ta rất nhiều năm và việc của mỗi chúng ta là hãy học cách tồn tại và sống chung với nó, bảo tồn và phát triển nó chứ không phải triệt tiêu nó đi.

Anh đặt câu hỏi ngược lại rằng: Nếu xóa bỏ đi hoàn toàn lễ hội, bạn sẽ lấy gì để khẳng định rằng Việt Nam có những tập tục văn hóa, lễ nghi khác với Thái Lan, Campuchia hay Lào? Và trong khi nhiều nước phát triển và có bề dầy văn hóa lịch sử lâu đời như Nhật, Ý đang khôi phục lại những lễ hội truyền thống thì người Việt lại muốn bỏ nó đi, điều đó theo anh là không hợp lý.

Bản thân anh hiện đang đảm nhiệm công việc nghiên cứu về văn hóa và lịch sử tại Vancouver. Anh cho biết anh yêu đất nước Canada, nhưng để nói rằng Canada khác Mỹ và Úc thế nào, đặc điểm văn hóa truyền thống là gì sẽ không hề dễ, bởi nó không có gì quá tiêu biểu và khác biệt.

Thành phố Vancouver nơi anh sống thậm chí không có một tòa nhà nào gọi là nhà cổ bởi cách đây khoảng 200 năm thôi, chẳng có cái gì gọi là Vancouver cả, người ta đã xây dựng thành phố trong lịch sử hiện đại. Anh khẳng định những người như anh luôn cảm thấy họ có hiện tại mà không có quá khứ.

Chính vì thế mà khi 3 con lớn lên, cháu nhỏ nhất mới chỉ 5 tuổi, anh đưa các cháu sang châu Á du lịch, bởi theo anh, châu Á là nơi tập trung của hàng loạt những nền văn hóa đa dạng khác biệt và đầy cá tính dù kinh tế của nhiều nước châu Á còn không bắt kịp được với thế giới phương Tây. Và anh khẳng định nếu đánh mất đi bản sắc mà trong đó lễ hội là một thành tố quan trọng, châu Á sẽ mất sức hấp dẫn.

Hungary: Lễ hội, lễ hội và nhiều lễ hội hơn nữa

Chính phủ Hungary luôn đặt mục tiêu phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Các thống kê trong năm 2008 cho thấy du lịch đóng góp trực tiếp 5,9% cho GDP của Hungary và gián tiếp đóng góp 10% cho GDP. Đến năm 2015, nhờ những nỗ lực bền bỉ, du lịch đã đóng góp trực tiếp 10% vào GDP.

Đã nhiều thập niên qua, Hungary được biết đến như một đất nước giàu truyền thống lịch sử văn hóa tại châu Âu với những địa điểm nổi tiếng như cầu Liberty, tòa nhà Quốc hội Hungary, nhà thờ St Stephen, hồ Bokodi, lâu đài Bory...Thế nhưng để thu hút thêm nhiều khách du lịch hơn nữa, khoảng 20 năm trở lại đây, chính phủ Hungary đã khôi phục lại nhiều lễ hội cũ và mở ra thêm nhiều lễ hội mới.

Lễ hội Sziget nổi tiếng tại Budapest và trên toàn châu Âu không phải một lễ hội truyền thống. Đến năm 1993, nó vẫn chỉ là một phong trào ca nhạc sinh viên phổ biến tại Budapest. Đặt mục tiêu nâng tầm lễ hội để hút khách du lịch và khiến cho Budapest trở nên nổi tiếng hơn, chính phủ đã liên tục rót tiền và quảng bá nó trên khắp châu Âu. Nỗ lực của chính phủ Hungary đã mang lại nhiều thành công.

Mỗi năm lễ hội Sziget được tổ chức, nó thu hút hàng triệu khách du lịch, trong đó hơn một nửa đến từ các nước Tây Âu giàu có. Năm 2011, tờ The Independent của Anh bình chọn lễ hội Sziget là một trong 5 lễ hội tuyệt vời nhất tại châu Âu và nó được coi như sự kiện phải đến của năm.

Hãy xem người Hungary nghĩ sao về tầm quan trọng của lễ hội, tuyên bố năm 2009 của Hiệp hội Lễ hội Hungary có đoạn như sau: “Lễ hội là một sự kiện vừa mang tính giải trí vừa mang đến cơ hội kích cầu quan trọng, nó có thể bao gồm các chương trình âm nhạc, văn hóa, thể thao hay nhiều chương trình khác.” Và hiệp hội cũng khẳng định rằng việc khôi phục các lễ hội cũ cũng như mở ra các lễ hội mới là xu thế chung của thế giới.

Nói là làm, chính phủ Hungary ồ ạt rót tiền cho các chương trình lễ hội. Tuy nhiên họ không rót tiền bừa phứa mà tính toán rất chi tiết về địa điểm, chi tiết của từng lễ hội, cách tổ chức làm sao để thu hút được nhiều du khách nhất và kéo dài được thời gian lưu trú của khách.

Các nhà nghiên cứu tìm hiểu lại lịch sử để tìm ra những lễ hội nào mang đầy đủ bản sắc và phong cách dân tộc nhưng chưa được chú ý đúng mức, chính phủ sẽ đầu tư tiền của để khôi phục lại. Ngoài ra, từng sản phẩm lưu niệm bán ra cũng được tính toán sao cho khác biệt và luôn mới mẻ.

Nếu như năm 2007 Hungary chỉ có 40 sự kiện lễ hội được nhận tiền từ chính phủ thì đến năm 2008 con số này đã là 45 sự kiện, năm 2009 là 63 sự kiện lễ hội và số tiền đầu tư cho các lễ hội văn hóa, du lịch tăng gấp đôi so với năm 2007.

Số lượng khách du lịch đến Hungary tăng mạnh qua các năm. Vào năm 2004, Hungary đón 31 triệu khách du lịch, đến năm 2009 con số này là 41 triệu. Các lễ hội cũng giúp tăng số lượng khách du lịch nội địa tại Hungary. Trong khoảng từ tháng 1/2007 đến tháng 3/2010, tổng số khoảng 70% người Hungary tham gia vào ít nhất 1 lễ hội.

Rõ ràng, khi hiểu được tầm quan trọng của lễ hội và hành động đúng mực, lễ hội sẽ góp phần quan trọng giúp củng cố thêm bản sắc dân tộc và thu hút thêm khách du lịch, mang lại nguồn thu quan trọng cho nền kinh tế.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM