Muốn “tiền đẻ ra tiền” nhưng nhiều người không dám tìm đến thị trường chứng khoán như 2 năm trước

19/10/2023 11:10 AM | Sống

Dù thị trường chứng khoán là kênh đầu tư tiềm năng, một số người trẻ vẫn không dám tham gia vào thời điểm này vì có quá nhiều biến động.

Không dám đầu tư chứng khoán vì sợ thua lỗ nặng nề

Tùng Lâm (22 tuổi, nhân viên truyền thông) vừa mới tốt nghiệp đại học năm nay. Cậu bạn đã đi làm được 1 năm tính cả thời gian thực tập. Do công việc khá ổn định, Tùng Lâm muốn học thêm về đầu tư để có nguồn thu nhập thụ động. Tuy nhiên, sau khi đọc những thông tin về thị trường chứng khoán, cậu bạn lại khá ngần ngại để bỏ tiền vào đây. 

“Mình có quen 1 người anh tốt nghiệp ra trường năm 2020 và quyết định đầu tư vào cuối năm đó. Trong năm 2021, lúc nào gặp anh cũng chia sẻ đã kiếm được khoản lãi lớn nhờ đầu tư chứng khoán, có hôm chốt lời hơn cả tháng lương. Mình nghĩ rằng đây là kênh đầu tư khá phù hợp với dân văn phòng muốn có thu nhập thụ động vì rõ ràng năm 2021 gần như ai cũng có lợi nhuận lớn”. 

Tuy nhiên, cậu bạn đã “từ bỏ” ý tưởng đầu tư vào thị trường chứng khoán khi chứng kiến thị trường lao dốc từ năm đầu năm 2022. Trên thực tế, Vnindex đã giảm từ gần 1500 điểm xuống 1100 điểm trong năm 2022 và vào năm 2023 cũng có những phiên giảm sâu. Tùng Lâm chia sẻ rằng mỗi lần lên những hội nhóm trên MXH hay nói chuyện cùng những người vẫn còn ở lại trường chứng khoán chỉ thấy thua lỗ chứ không còn khởi sắc như năm 2021. Thậm chí có những người vì sử dụng đòn bẩy khi nghĩ rằng thị trường sẽ luôn tăng trưởng như trước nên phải gánh 1 khoản nợ do thua lỗ. 

“Mình chỉ là dân văn phòng bình thường, muốn có thêm một nguồn thu nhập thụ động để an toàn hơn trên khía cạnh tài chính trong thời điểm vẫn còn nhiều biến động trong thị trường công việc và nền kinh tế. Mình có biết một chút về tài chính cũng như thị trường chứng khoán nhưng thời điểm này mình không dám đầu tư. Có quá nhiều người xung quanh đang thua lỗ đến 50-60% tài khoản từ cuối năm 2021 đến bây giờ, cá biệt còn có người suýt vỡ nợ vì đầu tư bằng ký quỹ”.

Muốn “tiền đẻ ra tiền” nhưng nhiều người không dám tìm đến thị trường chứng khoán như 2 năm trước - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Pinterest

Cũng giống như Tùng Lâm, Minh Ngọc (23 tuổi, nhân viên văn phòng) dù rất muốn hiểu hơn về thị trường chứng khoán, cô bạn không dám đầu tư vào thời điểm này. “Chỉ nói đến đầu tư, nó đã gắn liền với rủi ro. Khi thị trường tăng trưởng, mình còn không chắc bản thân sẽ kiếm được tiền, chứ chưa nói đến lúc nhiều biến động như hiện tại. Mình nghĩ rằng học hỏi trong thời điểm thị trường tăng sẽ đỡ rủi ro hơn. Hơn thế nữa, mình thấy gửi tiết kiệm hay mua vàng vẫn tốt hơn là đầu tư chứng khoán thời điểm này”. 

Gồng gánh khoản lỗ gần 2 năm 

Hạnh Linh (25 tuổi, nhân viên văn phòng)  đã bắt đầu đầu tư chứng khoán vào đầu năm 2021. Có những lúc cô bạn đã thu về khoản lời 20% chỉ trong vòng 2-3 tháng đầu tư. Vì luôn sinh lời nên bắt đầu từ tháng 6/2021, hàng tháng thay vì trích gửi tiền tiết kiệm như trước, cô bạn chuyển hết tiền vào tài khoản chứng khoán để đầu tư. Đầu năm 2022, Hạnh Linh đã rút tiền gửi tiết kiệm gộp vào số tiền sẵn có để tiếp tục đầu tư chứng khoán, tổng gần 85 triệu đồng, 1 con số rất lớn với nhân viên văn phòng lương 12 triệu/tháng.

Tuy nhiên đó cũng là điểm khởi đầu cho thời điểm mà thị trường bắt đầu lao dốc. Có thời điểm, cô bạn thua lỗ đến 35-40% và hiện tại vẫn gánh khoản lỗ hơn 22 triệu đồng. “Thời điểm mình vào thị trường chứng khoán, gần như những người xung quanh từ đồng nghiệp cho đến bạn bè đều đang đầu tư. Thậm chí đi trên đường hay ngồi uống trà đá vỉa hè cũng có thể nghe thấy những câu chuyện bàn về 3 chữ cái. Tuy nhiên, bây giờ mình thấy các bạn trẻ không còn đầu tư nhiều như trước, có lẽ là vì thị trường biến động quá mạnh”. 

Khi người khác hỏi liệu có nên đầu tư chứng khoán trong năm nay không, Hạnh Linh đều đưa ra câu trả lời là không. Cô bạn cho rằng lúc này rất khó để kiếm lời đặc biệt với những người không am hiểu về thị trường chứng khoán. Hơn thế nữa, nền kinh tế nói chung có nhiều biến động như bão sa thải, giá cả tăng,... đều là những rủi ro khó lường. Và mọi người cần một khoản tiền dự trữ để phòng tránh. Do vậy, bỏ tiền vào thị trường khoán có lẽ không phải là phương pháp “tiền đẻ ra tiền” hiệu quả thời điểm này. 

Muốn “tiền đẻ ra tiền” nhưng nhiều người không dám tìm đến thị trường chứng khoán như 2 năm trước - Ảnh 2.

Ảnh minh họa - Pinterest

Nếu vẫn muốn đầu tư, người trẻ nên chuẩn bị gì?

Trong bất kỳ thời điểm nào, kể cả khi thị trường chung lao dốc, nhà đầu tư vẫn luôn tìm được những cổ phiếu có thể sinh lời. Hạnh Linh cho rằng những người mới tham gia thị trường vẫn có thể kiếm lời, tuy nhiên cần phải có tính kỷ luật cũng như tìm hiểu thật kỹ. 

“Mình nghĩ rằng khi nói đến đầu tư chứng khoán, quản trị rủi ro rất quan trọng. Bạn không cần phải loại bỏ toàn bộ rủi ro nhưng nên có những nguyên tắc riêng để bảo vệ vốn của bản thân. Chẳng hạn, trước khi mua cổ phiếu hãy đặt ra rằng nếu lỗ 10-15%, bạn sẽ cắt lỗ. Lúc này, bạn cần nghiêm túc chấp hành những nguyên tắc bản thân đã đề ra, đầu tư có kỷ luật”. 

Để tìm cổ phiếu sinh lời, mọi người cần tìm hiểu thị trường chứng khoán, nghiên cứu phân tích kỹ thuật và cơ bản về doanh nghiệp đó. Hãy chắc chắn rằng bản thân đã tìm hiểu và cân nhắc kỹ càng trước khi xuống tiền mua cổ phiếu. 

Còn đối với Tùng Lâm, dù chưa đầu tư thị trường chứng khoán, cậu bạn vẫn tiếp tục học hỏi trên khía cạnh lý thuyết. Cậu bạn dành một thời gian cố định trong ngày để cập nhật tin tức về nền kinh tế, các doanh nghiệp cũng như sự lên xuống của thị trường chứng khoán. Tạo nền tảng kiến thức thật tốt và chờ đợi cơ hội phù hợp để đầu tư chứng khoán. 

Theo Tô Diệp

Cùng chuyên mục
XEM