Muốn có người kế thừa, phải có thế hệ giáo viên mới
Trước khi nghĩ đến tìm kiếm một thế hệ kế thừa xứng đáng, chúng ta cần phải có một thế hệ giáo viên mới với phương pháp giảng dạy thu hút, một chương trình đào tạo cải tiến, khai phóng người học.
Buổi trao đổi giữa các chuyên gia kinh tế, nhà giáo dục, các doanh nhân và phụ huynh về chủ đề “Chiến lược cho thế hệ kế thừa” đã đặt ra vấn đề phải có thế hệ giáo viên “mới” trước khi nghĩ đến có một thế hệ kế thừa tốt.
Thấu hiểu triết lý giáo dục
ThS Nguyễn Hoàng Dũng - Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM - cho biết nhiều giảng viên đại học vẫn còn thói quen “ru ngủ sinh viên”.
“Hết đọc-chép thì bây giờ là chiếu-chép, cũng không có gì khá hơn. Có một số sinh viên còn nói với tôi môn học có 5 chương thì giáo viên chia lớp thành 5 nhóm, mỗi nhóm phụ trách 1 chương. Các em về tự tìm hiểu và thuyết trình lấy điểm. Hầu như giáo viên không giảng dạy gì.
Có giáo viên xem việc giảng dạy như chạy show biểu diễn. Cũng có người có doanh nghiệp riêng không chú tâm cho công tác giảng dạy nhưng vẫn ôm đồm để lấy danh. Vậy thì chất lượng giáo dục sao lên được”, ông Dũng đặt vấn đề.
Khái niệm “giáo viên là nghệ sĩ trong giờ dạy” của TS Đoàn Huệ Dung - Giám đốc Điều hành Trường Quốc tế Bắc Mỹ (thuộc hệ thống giáo dục của Tập đoàn Nguyễn Hoàng) - đã nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ từ người tham gia diễn đàn Leader Talk 2017.
Theo bà Dung, người giáo viên chất lượng là người thấu hiểu triết lý giáo dục của nhà trường, có chuyên môn tốt, đủ tâm lý và tinh tế để không chỉ truyền đạt kiến thức cho học sinh mà còn có thể “chạm” vào tâm hồn của các em. Không thể cứ đọc chép như xưa.
Thế hệ giáo viên “mới”
Theo ThS Hoàng Dũng, trước khi nghĩ tới thế hệ kế thừa thì hãy nghĩ tới phải có thế hệ giáo viên “mới” vì người mà học sinh tương tác nhiều nhất chính là giáo viên.

Giáo viên phải là những người chuẩn mực, là tấm gương để học sinh noi theo. Giáo viên phải có kế hoạch, chiến lược giảng dạy chu đáo, phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp, lý thuyết dạy phải được ứng dụng vào thực tế. Điều quan trọng là người giáo viên phải biết chia sẻ, tự học nhiều, cam kết đến đúng giờ, dạy thì phải đảm bảo học sinh hiểu, ra đề sát chương trình…
“Chúng ta vẫn rơi vào tình trạng là bán những thứ mình có chứ không bán những thứ khách hàng cần. Tức là đào tạo ra những con người mà doanh nghiệp không sử dụng được thì làm sao có thế hệ kế thừa”, ông Dũng nhấn mạnh.
PGS.TS Thái Bá Cần - Hiệu trưởng ĐH Quốc tế Hồng Bàng (thuộc hệ thống giáo dục của Tập đoàn Nguyễn Hoàng) - cho rằng nhu cầu đào tào nhân lực ngày càng cao. Để tạo ra thế hệ kế thừa hội đủ kiến thức và kỹ năng cần cả một quá trình biến đổi trong phương thức đào tạo.
“Nguồn giáo viên hiện nay đáp ứng được ở kiến thức rất tốt. Việc cần làm là biến kiến thức của thầy thành kiến thức của trò. Nhất là ở thời đại của công nghệ thông tin thì ranh giới giữa thầy và trò không còn khác biệt nhiều nữa.

Trước đây thầy dạy những kiến thức mình biết cho trò theo hướng là tương tác một chiều nhưng hiện nay, người thầy là người đồng hành, chia sẻ những kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống cho trò. Có khi người thầy còn phải học nhiều từ chính trò của mình”, PGS.TS Thái Bá Cần Cần cho biết.
Hành trang của thế hệ kế thừa
Ở thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới ngày càng “phẳng”. Thế hệ kế thừa phải là những người thấu hiểu thật sự sự nghiệp mà họ đảm nhận; là những người có tự trọng, tuân thủ pháp luật, có đạo đức trong cuộc sống lẫn trong kinh doanh; Có trách nhiệm với bản thân và xã hội; Có tiềm lực thật sự chứ không phải đi lên nhờ quen biết hay đổi chát; Và phải có thời gian để tập trung cho công việc mà mình đảm nhận. ThS: Nguyễn Hoàng Dũng