Mực nước sông Đà xuống thấp: Lo mất điện, thiếu nước

08/07/2019 10:45 AM | Xã hội

Việc mực nước sông Đà xuống thấp không chỉ ảnh hưởng đến việc cấp nước cho cư dân Thủ đô, mà còn ảnh hưởng lớn đến việc cấp điện cho lưới điện quốc gia.

Mới đây, Cty CP Viwaco (Tổng công ty Cổ phần Vinaconex) thông báo tới UBND các phường, xã và khách hàng sử dụng nước sông Đà tại địa bàn khu vực Tây Nam Hà Nội về việc nước sông Đà xuống thấp phía hạ lưu đập thủy điện Hoà Bình và nguy cơ tạm ngừng cấp nước.

Trước đó, Cty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) - đơn vị bán nước sạch cho Viwaco thông báo: Từ 3/7, mực nước sông Đà thuộc khu vực hạ lưu của nhà máy thủy điện Hòa Bình luôn ở mức rất thấp, không đủ nước để sản xuất. Nếu nhà máy thủy điện Hòa Bình không vận hành để điều tiết lượng nước phía hạ lưu cho sản xuất, Viwasupco sẽ sớm phải tạm ngừng cung cấp nước sạch. Dự kiến ban đầu là từ chiều 5/7.

Trao đổi PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Viwasupco cho biết, công ty đã làm việc với Nhà máy thủy điện Hòa Bình và được phía nhà máy tạo điều kiện nên tới chiều 5/7, nguồn nước sông Đà vẫn đủ để Viwasupco duy trì sản xuất, cung cấp nước cho người dân Thủ đô Hà Nội.

Về việc điều tiết, vận hành hồ thủy điện Hòa Bình phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân Hà Nội, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) đã có phản hồi chính thức. Theo đó, lưu lượng nước về các hồ trên bậc thang sông Đà vẫn còn khá thấp, chính vì vậy, hồ thủy điện Hòa Bình đã và đang được khai thác hạn chế để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Trung tâm khuyến cáo phải hết sức tiết kiệm để giữ nước, song để phục vụ nhu cầu của người dân khu vực Tây Hà Nội, EVN vẫn phối hợp với các bên liên quan, đặc biệt trong thời điểm nắng nóng hiện nay.

Để đảm bảo hài hòa nhu cầu sử dụng nước từ bậc thang sông Đà, Cty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà cần chủ động hạ độ cao họng lấy nước cùng các giải pháp công trình trong ngắn hạn và dài hạn nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thích ứng với các chế độ điều tiết, vận hành hồ chứa thủy điện Hòa Bình.

Hà Nội dư 150 ngàn m3/ngày

Mặc dù thành phố Hà Nội đã có nhiều dự án nâng công suất, dự án xây dựng nhà máy nước nhưng thực tế là khi hè tới, nhiều người sống ngay giữa Thủ đô vẫn phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt.

Ngay đầu hè năm nay, khu đô thị Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng); Khu đô thị Ngoại Giao Đoàn (quận Bắc Từ Liêm)… đã bị mất nước nhiều ngày.

Nguyên nhân là do tốc độ tăng dân số quá nhanh, số lượng đấu nối nước tăng nhanh trong khi hệ thống hạ tầng cấp thoát nước không theo kịp. Sự xuất hiện của hàng loạt chung cư cao tầng ở các khu vực cuối nguồn, khu vực có địa hình cao khiến việc cung cấp nước sạch gặp khó.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, còn có tình trạng “thừa nước thiếu ống”. Tức là nước sạch thì có đủ nhưng nước không đến được với người dân do mạng lưới đường ống nước đấu nối không đảm bảo yêu cầu. Nhà máy nước mặt sông Đuống hiện đang thừa hàng chục nghìn tấn nước sạch nhưng do chưa có các đường ống phân phối nên vẫn chưa đưa được tới cho người dân.

Tại buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung với công nhân lao động Thủ đô mới đây, ông Chung cho biết, hiện nay Hà Nội đang dư khoảng 150 ngàn m3/ngày.

Hiện tại, việc cung cấp nước sạch cho khu vực nội đô Hà Nội đang được giao cho 5 đơn vị chính gồm Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawacom); Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco); Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco); và Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống.

Có thể bổ sung nguồn nước từ sông Đuống?

Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Cty CP nước mặt sông Đuống cho rằng hoàn toàn có thể bổ sung nguồn nước từ nhà máy sông Đuống cho người dân ở cuối nguồn, gặp khó khăn về nước sạch như Hà Đông, Thanh Trì và các khu vực lân cận.

Theo ông Hùng, cửa thu nước thô và trạm bơm nước thô của nhà máy nước được thiết kế với cao độ đáy kênh -5.5; sâu hơn mực nước thấp nhất gần 6m. Kể cả với mực nước thấp nhất trong vòng 300 năm thì lượng nước vẫn đảm bảo.

Hiện nay nhà máy nước mặt sông Đuống đang cung cấp nước cho Hà Nội với công suất trung bình 130.000 m3/ ngày. Nhà máy có thể cung cấp đến 170.000 m3/ngày. Đến tháng 10/2019, công suất nhà máy được nâng lên 330.000 m3/ ngày.

Theo đại diện đơn vị này, chỉ cần UBND thành phố chỉ đạo cho phép đấu nối các tuyến ống đến khu vực có nhu cầu, cho phép các đơn vị cung cấp nước trực tiếp tại các khu vực thiếu nước, chủ động điều tiết mạng lưới kết nối với tuyến ống truyền dẫn của Nhà máy nước sông Đuống, chắc chắn người dân sẽ sớm thoát cảnh mất nước mỗi dịp hè.

Theo Trần Hoàng

Cùng chuyên mục
XEM