Mua nhà cũ giá hơn 200 triệu đồng, sau 22 năm được đền bù gần 8 tỷ đồng, người đàn ông bị chủ cũ “nẫng tay trên”

24/06/2023 11:10 AM | Sống

Một người đàn ông sốc nặng khi không được nhận tiền đền bù dù phá dỡ nhà. Sau khi tìm hiểu, người này hối hận mà không làm được gì vì sai lầm nhiều năm trước.

Câu chuyện của ông Lương, đăng tải trên diễn đàn Toutiao đang nhận rất nhiều sự bàn tán của người dùng mạng. Ông rơi vào hoàn cảnh khổ sở vì giải tỏa nhà nhưng không được nhận tiền đền bù. Câu chuyện này cũng làm nhiều người tỉnh táo, cảnh giác hơn để không mắc phải sai lầm đáng tiếc.

Mua nhà cũ giá rẻ, tốn nhiều công sức cải tạo

Vào tháng 3 năm 1998, ông Lương, người Trung Quốc đã quyết định mua 1 căn nhà cũ ở nông thôn. Sau cuộc đàm phán kỹ lưỡng, ông Lương gửi cho chủ cũ khoản tiền 70.000 NDT (khoảng 200 triệu đồng) để nhận căn nhà cũ.

Từ đó trở đi, ông Lương và người chủ cũ của căn nhà không gặp lại nhau, cũng không giữ liên lạc. Sau khi mua căn nhà cũ, ông Lương đã dành nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc để cải tạo lại. Ông và gia đình vẫn sống ở căn nhà nay đã được sửa sang cẩn thận, đầy đủ tiện nghi.

Mua nhà cũ giá hơn 200 triệu đồng, sau 22 năm được đền bù gần 8 tỷ đồng, người đàn ông bị chủ cũ “nẫng tay trên” - Ảnh 1.

Khu vực nhà của ông Lương. Ảnh: Toutiao

Cho tới năm 2020, sau 22 năm mua nhà, ông Lương phấn khởi vì nhà của mình nằm trong dự án nên sẽ giải tỏa. Nhiều ngôi nhà trong làng đều sẽ được phá dỡ và nhận khoản tiền đền bù ấn tượng. Ông Lương và gia đình sẽ được đền bù 2,37 triệu NDT ( khoảng 7,7 tỷ đồng). Đây là 1 khoản tiền ấn tượng, đủ để người đàn ông này mua 1 căn nhà khác và ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, khi chính quyền chuẩn bị thanh toán số tiền đền bù, diễn biến câu chuyện lại thay đổi hẳn. Từ lúc nào chủ cũ của ngôi nhà đã nắm được thông tin về tiền đền bù nên tìm đến. Khi nhìn thấy người này, ông Lương không khỏi chột dạ nhưng vẫn giữ sự bình tĩnh vì nghĩ rằng lúc mua bán đã có hợp đồng đàng hoàng.

Lúc này người chủ cũ ngang nhiên nói với ông Lương rằng ngôi nhà này xây trên đất tập thể, được gọi là nhà ở nông thôn. Theo các quy định có liên quan của pháp luật Trung Quốc, nhà ở nông thôn không thể bán cho các thành viên bên ngoài tổ chức tập thể. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hợp đồng mua bán mà ông Lương ký kết với chủ cũ không có cơ sở pháp lý.

Ông Lương sốc nặng vì những thông tin mà chủ cũ nói. Ông không hề biết đây là khu vực đất nông thôn và không tin những gì chủ nhà nói. Vì vậy, đôi bên không thể giải quyết mâu thuẫn và quyết định đưa nhau ra tòa.

Sai lầm nhớ đời mất cả cơ ngơi

Sau những phiên tòa dai dẳng, cuối cùng ông Lương cũng nhận được phán quyết chính thức của tòa. Phía tòa án cho rằng hợp đồng mà ông và chủ cũ ngôi nhà ký kết từ 22 năm trước không có hiệu lực vì vi phạm các quy định của pháp luật.

Trong câu chuyện này cả ông Lương và chủ cũ đều có lỗi. Ông Lương khi mua nhà đã không tìm hiểu kỹ lưỡng, vội ký vào tờ hợp đồng mà chủ cũ tự tạo nên. Trong khi đó, chủ cũ vì lòng tham mà nói dối ông Lương để vừa bán được nhà, vừa định nhận luôn số tiền đền bù.

Từ trước người chủ cũ đã biết đất này không thể bán cho người ngoài nhưng vẫn cố tình phớt lờ để bán cho ông Lương. Vì thế, tòa phán quyết chủ nhà cần trả lại 70.000 NDT (200 triệu đồng) cho ông Lương. Còn lại số tiền đền bù vẫn thuộc về người này vì trên pháp lý ông vẫn là chủ căn nhà.

Mua nhà cũ giá hơn 200 triệu đồng, sau 22 năm được đền bù gần 8 tỷ đồng, người đàn ông bị chủ cũ “nẫng tay trên” - Ảnh 2.

Ông Lương trắng tay vì hợp đồng mua bán nhà không có hiệu lực. Ảnh: Toutiao

Trong trường hợp này người chủ cũ đã bán ngôi nhà cho ông Lương. Tuy nhiên, vì khu đất này thuộc đất xây dựng tập thể nông thôn nên quyền sở hữu nó không phải của riêng ông mà là của tập thể nông thôn. Quyền sở hữu nhà xây trên đất tập thể phải thuộc về chủ hộ đã đăng ký.

Điều 11 Luật Địa chính (Trung Quốc) cũng đã chỉ rõ: đất đai thuộc sở hữu tập thể nông thôn thuộc sở hữu của tập thể nông thôn, quyền quản lý cụ thể thuộc tập thể thôn hoặc ủy ban nhân dân tương ứng.

Phán quyết này khiến ông Lương và cả gia đình suy sụp. Tài sản lớn nhất trong đời ông Lương nay đã tan thành mây khói vì sai lầm nhiều năm trước.

Câu chuyện của ông Lương khiến nhiều người có cái nhìn cẩn thận và thấu đáo hơn về việc mua, bán nhà. Đây là chuyện lớn trong đời và cần phải tính toán xem xét rất kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Trước khi mua nhà, tốt nhất chúng ta nên tìm hiểu thông qua người quen hoặc người thân để hiểu rõ hơn về khu vực đó. Hơn nữa, hãy đi cùng với những người hiểu luật, nắm rõ về các nguyên tắc mua, bán nhà đất để tránh sai lầm.

Theo Toutiao

Theo Huyền Giang

Cùng chuyên mục
XEM