Mùa hè đến rồi và túi tiền người dân có thể sẽ vơi đi vì cách tính mới của Điện lực Việt Nam

14/04/2016 14:48 PM | Kinh tế vĩ mô

Theo đề án mới của ngành điện đang đề xuất thêm cách tính giá điện theo mùa, theo vùng, chúng ta nên chuẩn bị cho một đợt tăng giá điện trong tương lai không xa.

Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được Chính phủ phê duyệt tháng 3.2016 có một điểm đáng chú ý: Nghiên cứu thực hiện giá bán điện theo mùa và theo vùng.

Có rất nhiều lý do để đưa ra phương án này.

Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam, GS. Viện sĩ Trần Đình Long cho rằng: Giá thành điện chịu ảnh hưởng lớn ở nguồn điện phát. Nguồn điện phát lại phụ thuộc nhiều vào mùa vụ. Vào mùa mưa, nhiều nước thủy điện chiếm phần lớn trong cơ cấu điện phát, giá điện có thể thấp. Mùa khô, ngành điện phải chạy điện than, khí, dầu nhiều giá thành điện sẽ cao hơn.

Do vậy tính giá bán điện theo mùa vụ là tính sát với thực tế. Cân bằng lợi ích giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam là EVN và người dân.

Về mặt lý thuyết, có thể thấy phương án tính giá điện theo mùa sẽ có lợi hơn cho người dân.

Bởi mùa hè, chúng ta phải sử dụng nhiều điện. Nhưng giá điện mùa hè giảm làm cho áp lực chi trả tiền điện được giải tỏa. Vào mùa đông, giá điện tăng cao nhưng ngược lại, tiêu dùng ít đi, chi phí dành cho tiền điện hàng tháng cũng sẽ nhẹ nhàng hơn.

Nhưng thực tế, ngay cả khi áp dụng cách tính theo mùa, rất khó để kỳ vọng giá điện sẽ giảm trong mùa mưa tới. Thay vào đó, chúng ta nên chuẩn bị tâm lý cho một đợt tăng giá điện trong tương lai không xa. Có 3 lý do:

Thứ nhất: Giá điện mà chúng ta đang chi trả hàng tháng có 40% là từ nguồn thủy điện - Đây là nguồn điện có giá rẻ nhất trong cơ cấu sản lượng điện phát.

Đáng buồn là, nguồn thủy điện giá rẻ đang chiếm ngày càng ít trong cơ cấu nguồn, thay vào đó, điện chạy than, dầu và khí tăng lên.

Báo cáo của EVN cho biết, mùa khô năm 2016, thủy điện được EVN dự kiến chỉ còn chiếm tỷ lệ 29,14% cơ cấu nguồn toàn hệ thống (trước khoảng trên dưới 40%). Nhiệt điện than chiếm 40,84% cơ cấu nguồn toàn hệ thống. Nhiệt điện khí chiếm 27,71% cơ cấu nguồn toàn hệ thống; còn lại là mua điện từ Trung Quốc và từ các nguồn khác.

Dự kiến năm 2020, cơ cấu nguồn điện: Thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng chỉ còn chiếm khoảng 25,2% (hiện tại xấp xỉ 30%), nhiệt điện than tăng lên 49,3%, nhiệt điện khí 16,6%...

Tới năm 2025, nguồn thủy điện thậm chí còn giảm xuống 17,4% trong cơ cấu điện, trong khi nhiệt điện than tăng lên 55%...

Như vậy, khi thủy điện chiếm cơ cấu nhỏ trong nguồn phát điện thì tính theo mùa mưa hay mùa khô cũng không còn là mấu chốt của vấn đề giá điện. Lúc này, giá thành điện phụ thuộc nhiều hơn vào dầu, than, khí và nguồn mua...

Chưa kể, các nguồn tài nguyên cho điện sẽ cạn kiệt dần, phải nhập khẩu từ Trung Quốc với giá thành ngày càng cao.

Thứ hai: Do ảnh hưởng của El nino, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từng dự báo từ nay đến cuối năm cả nước có thể thiếu đến 5 tỉ kWh điện và phải chạy nguồn nhiệt điện dầu nhiều hơn.

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN trước đó khẳng định: 6 tháng đầu năm 2016, EVN sẽ không kiến nghị tăng giá điện nhưng ông cũng lưu ý, tăng trưởng tiêu thụ điện đang ở mức 12 - 13%/năm nên áp lực đầu tư cho ngành điện rất lớn và sẽ tạo sức ép tăng giá điện cũng rất lớn.

Thứ ba: Nếu không tính đến phương án giá bán điện theo mùa vụ, vùng miền, EVN với bộ máy hoạt động được cho là còn cồng kềnh và chưa hiệu quả sẽ chỉ có “lỗ” và “thiệt”.

Tất nhiên, EVN thì chẳng bao giờ “chịu lỗ”. Với lý do điều tiết giá điện hợp lý theo nguồn phát, yếu tố tiêu thụ, “nhà đèn” sẽ dùng giá điện cao để không chế bớt nhu cầu tiêu dùng của dân một cách hợp lý nhất cho mình.

Cho đến nay, chưa có phương án biểu giá bán điện mới nào được công bố áp dụng. Tuy nhiên, dù tính giá bán điện theo mùa vụ, theo vùng hay theo tính cách hiện tại thì áp lực tăng giá điện đè lên vai người dân không tránh khỏi.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng phải thừa rằng: “Thị trường phải có tăng có giảm, nhưng giá điện chưa bao giờ giảm, ví dụ mùa mưa khi nguồn phát thủy điện dồi dào đáng lẽ có thể giảm giá điện, nhưng EVN có rất nhiều lý do để không giảm. Về lý thuyết, phải có nhiều người bán thì người dân mới được lựa chọn mua nhiều giá khác nhau, nhưng chỉ một mình EVN bán thì người dân làm gì có cơ hội”.

Thực tế cho thấy, từ năm 2009 đến nay, giá điện đã điều chỉnh tăng 8 lần, chưa giảm lần nào, riêng năm 2011 và năm 2012 điều chỉnh tăng 2 lần; mức tăng mỗi lần là 5%. Tháng 3.2015, giá điện bình quân tăng 7,5%, lên 1.622,05 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT).

Dạ Nguyệt

Cùng chuyên mục
XEM