Mua bảo hiểm phòng thân nhưng 3 điều cơ bản này còn không biết, khả năng cao kết cục chỉ có hối hận
Đừng vội chi tiền trăm triệu để ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nếu bạn vẫn còn “mập mờ” về 3 điều này.
Cách đây chưa lâu, một cô gái đã chia sẻ trên Threads bài học rằng bản thân đã mất 200 triệu chỉ vì không đọc kỹ hợp đồng khi quyết định mua bảo hiểm nhân thọ. Trong trường hợp này, đơn vị bảo hiểm không sai. Lỗi có thể thuộc về tư vấn viên - người đã không sát sao, kỹ càng trong quá trình tư vấn cho khách hàng; nhưng chủ yếu vẫn là lỗi của người mua.
Bởi tiền là của mình, không kiểm tra kỹ hợp đồng và làm rõ mọi thắc mắc với nhân viên tư vấn, đến khi xảy ra vấn đề cũng chẳng trách ai được. Để không mất tiền trăm triệu đổi lấy bài học “xương máu” như thế, trước khi đặt bút ký vào hợp đồng bảo hiểm, đây là 3 điều bạn không được phép nhầm lẫn hay mơ màng.
1 - Bảo hiểm nhân thọ không chi trả khi bạn ốm đau, nằm viện hay đi khám
Đi bệnh viện khám, ốm nhập viện vài ngày - vài tuần thì chỉ có bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm sức khỏe mới chi trả cho bạn. Còn bảo hiểm nhân thọ sẽ không chi trả cho khách hàng khoản tiền thăm khám, điều trị tại viện.
Nếu bạn mua bảo hiểm nhân thọ kèm theo thẻ bảo hiểm sức khỏe thì khi khám - chữa bệnh, bạn vẫn được chi trả vì bạn đã mua thẻ bảo hiểm sức khỏe kèm theo hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Nói chung, ốm một trận rồi khỏe lại bình thường và thăm khám “sương sương” tại viện, mà muốn bảo hiểm nhân thọ chi trả tiền viện phí/tiền thăm khám là chuyện hoang đường.
Lý do rất đơn giản: Bảo hiểm nhân thọ sẽ chi trả quyền lợi cho khách hàng khi khách hàng không may qua đời, gặp tai nạn thương tật, mất khả năng lao động. Trong khi đó, bảo hiểm sức khỏe sẽ chi trả quyền lợi cho khách hàng khi khách hàng đi khám sức khỏe, ốm đau phải nhập viện điều trị.
Là một người đã mua bảo hiểm nhân thọ cách đây 3 năm, Thu Trang (28 tuổi) cho biết: "Ban đầu, mình mua bảo hiểm nhân thọ vì gia đình mình có người bị ung thư, bệnh này có thể di truyền nên mình mua từ sớm cho yên tâm. Nhưng mình luôn khuyên bạn bè rằng nếu gia đình không có ai mắc các bệnh di truyền/bệnh hiểm nghèo, mua bảo hiểm sức khỏe sẽ có lợi hơn là mua bảo hiểm nhân thọ.
Vì thực ra, khả năng một người mắc bệnh nhẹ (sốt xuất huyết, sốt siêu vi, cúm A,..) hoặc có các cuộc phẫu thuật nhỏ như cắt bỏ ruột thừa, u nang lành tính,... vẫn cao hơn khả năng qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo.
Thế nên nếu gia đình không có ai bị ung thư và kinh tế của bản thân cũng chưa quá dư dả để mua bảo hiểm nhân thọ, mình nghĩ mua bảo hiểm sức khỏe là cũng đủ yên tâm rồi. Có bảo hiểm sức khỏe thì chỉ cần bạn ốm, bạn nằm viện,... bạn sẽ được chi trả. Thậm chí có loại bảo hiểm sức khỏe còn chi trả cho người bệnh điều trị ngoại trú, nghĩa là bạn không nằm viện, bạn đến khám và lấy thuốc, mang về nhà uống, bạn vẫn được trả quyền lợi” .
2 - Bảo hiểm nhân thọ không và chưa bao giờ là một hình thức gửi tiết kiệm hay đầu tư!
Sở dĩ, bảo hiểm nhân thọ thường bị nhầm lẫn là một kênh đầu tư lợi hoặc một cách tiết kiệm lãi suất cao, vì trong phần lớn các trường hợp được chi trả, khách hàng sẽ nhận được quyền lợi lớn hơn nhiều so với số tiền đã bỏ ra. Tuy nhiên, cần xác định rõ rằng rằng giá trị của một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nằm ở sự bảo vệ, chứ không phải tỷ suất sinh lời.
Mua bảo hiểm nhân thọ nghĩa là mua sự an tâm trong cuộc sống hiện tại - nếu bản thân không may thương tật, qua đời thì cha mẹ/con cái của mình vẫn có thể an tâm với sự hỗ trợ tài chính mà bảo hiểm nhân thọ cung cấp, và mua sự đảm bảo cho tương lai hưu trí an nhàn, thảnh thơi.
Đó mới là bản chất của bảo hiểm nhân thọ. Bởi vậy, nếu bất kỳ tư vấn viên nào mời bạn mua bảo hiểm nhân thọ mà lại hứa hẹn quá nhiều về lợi nhuận, tỷ suất sinh lời và gọi đó là một hình thức tiết kiệm/một cách đầu tư, tốt nhất là từ chối ngay không cần phải nghĩ gì thêm!
3 - Cân nhắc khi mua bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng
Có thể khi mở sổ tiết kiệm tại quầy, mở thẻ ngân hàng/thẻ tín dụng, bạn sẽ được nhân viên ngân hàng tư vấn mua bảo hiểm nhân thọ, đừng vội nhận lời.
Trên lý thuyết, việc mua bảo hiểm qua ngân hàng hay mua trực tiếp từ tư vấn viên của đơn vị bảo hiểm, không có sự khác biệt. Vậy tại sao vẫn cần cân nhắc?
Chị Thanh Nhàn - Trưởng Phòng Kinh Doanh của một đơn vị bảo hiểm giải thích như sau: “Mua bảo hiểm nhân thọ qua sự tư vấn của nhân viên ngân hàng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro vì 2 nguyên nhân.
Thứ nhất: Nghiệp vụ bảo hiểm của các bạn nhân viên ngân hàng có thể không vững bằng chuyên viên tư vấn bảo hiểm, nên quá trình tư vấn trước khi ký hợp đồng bảo hiểm có thể sẽ xảy ra thiếu sót hoặc không được chi tiết, kỹ càng. Đương nhiên có rất nhiều bạn nhân viên ngân hàng tư vấn mua bảo hiểm có tâm và các bạn cũng giỏi nghiệp vụ bảo hiểm, nhưng cũng không thể loại trừ trường hợp mình không may gặp phải người tư vấn thiếu kiến thức.
Thứ hai: Các bạn nhân viên ngân hàng không thể liên tục đi làm hồ sơ bồi thường cho khách hàng như chuyên viên tư vấn bảo hiểm, nên thường thì các bạn nhân viên ngân hàng chỉ bán mỗi gói bảo hiểm nhân thọ và bỏ qua việc tư vấn/thiết kế gói bảo hiểm sức khỏe kèm theo. Bản chất của bảo hiểm nhân thọ là trong trường hợp rủi ro nhất là tử vong thì mới được nhận tiền. Chứ đi khám, ốm đau nằm viện hoặc thậm chí là bị ung thư cần chữa trị thì bạn cũng chưa chắc đã được bảo hiểm nhân thọ chi trả”.
Chính bởi thế, hãy cân nhắc khi mua bảo hiểm nhân thọ qua sự tư vấn của nhân viên ngân hàng nhé! Nếu đã có dự định mua, tốt nhất bạn nên tìm một chuyên viên tư vấn bảo hiểm có tâm và có kinh nghiệm cũng như thâm niên trong nghề, vì không gì buồn hơn việc mua bảo hiểm nhân thọ mà lại trở thành “khách hàng mồ côi” vì nhân viên tư vấn nghỉ việc ngang; hoặc tư vấn không có tâm, không chính xác, không kỹ càng.