Một thập kỷ làm đường sắt đô thị: Phải chờ liên thông các tuyến

22/12/2020 09:54 AM | Xã hội

Cách đây 10 năm, Hà Nội khởi công tuyến đường sắt đô thị đầu tiên, với kỳ vọng đầu tư đồng bộ trước 4 tuyến trong 5 năm, để tạo kết nối giữa nội đô và ngoại thành. Tuy nhiên, sau 1 thập kỷ khởi công, các dự án đều chậm tiến độ, không đồng bộ, dẫn tới nguy cơ khó phát huy hiệu quả.

Các đoàn tàu tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy thử để nghiệm thu từ ngày 12/12. Ảnh: Như Ý
Các đoàn tàu tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy thử để nghiệm thu từ ngày 12/12. Ảnh: Như Ý

Vẫn phải chờ mới kết nối được các tuyến

Theo quy hoạch, Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị. Trong đó, ưu tiên đầu tư trước 4 tuyến, để  khi hoàn thành sẽ kết nối Bắc - Nam - Đông - Tây với nội đô và kết nối các tuyến. Chỉ khi các tuyến đường sắt này kết nối với nhau mới đảm bảo hiệu quả dự án, từ đó mới hy vọng người dân bỏ phương tiện cá nhân để đi xe buýt. Thực tế khi bố trí tuyến buýt nhanh (BRT) Yên Nghĩa - Kim Mã, khá ít người đi.

Tới nay, mới thi công xây dựng 2 tuyến đường sắt là tuyến Nhổn - ga Hà Nội (khởi công tháng 10/2010) và tuyến Cát Linh - Hà Đông (khởi công tháng 10/2011). Trong khi đó, tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi và Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vẫn nằm trên giấy. Chỉ có 2 tuyến được triển khai xây dựng, vì vậy trở nên lạc lõng. Thậm chí, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông nếu hoạt động sau 1-2 tháng tới cũng sẽ khó thu hút người dân sử dụng nếu không kết nối với các loại hình phương tiện khác.

Trong khi đó, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội cũng phải đến cuối năm 2021 mới đưa vào khai thác đoạn trên cao và cuối năm 2022 mới khai thác phần đi ngầm. Để khai thác hiệu quả, tính kết nối của các dự án đường sắt, kết nối với các phương tiện khác sẽ là yếu tố quyết định, trước khi nghĩ tới các tuyến đường sắt kết nối với nhau.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dự kiến sẽ trở thành tuyến đầu tiên của cả nước đi vào hoạt động, dù chậm 5 năm so với kế hoạch ban đầu. Ngày 12/12, dự án chính thức vận hành thử toàn hệ thống để tư vấn độc lập đánh giá và cấp chứng nhận an toàn. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, sau khi tư vấn độc lập đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống, cơ quan đăng kiểm sẽ thẩm định lại và cấp chứng nhận thẩm định hồ sơ. Tháng 9, Cục Đăng kiểm hoàn thành kiểm định và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho 13 đoàn tàu điện của dự án Cát Linh - Hà Đông.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, cùng với hoạt động chạy thử để đánh giá an toàn hệ thống, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước cũng đánh giá nghiệm thu. Trong quá trình chạy thử, nhân sự của tổng thầu EPC (nhà thầu Trung Quốc) cũng hướng dẫn vận hành tàu cho nhân sự phía Hà Nội (nhân sự Cty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội). “Nếu đảm bảo an toàn hệ thống và được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước thông qua, Bộ GTVT sẽ nghiệm thu để bàn giao cho thành phố Hà Nội quản lý và vận hành khai thác”, ông Đông nói.

Ai sai người đó chịu, dự án vẫn triển khai

Với dự án đường sắt thí điểm Nhổn - ga Hà Nội, tiến độ tổng thể đã đạt trên 65% (riêng đoạn trên cao đạt hơn 80%). Một số gói thầu chưa hoàn thành đã được gia hạn sang năm 2021. Riêng hạng mục hầm và các ga ngầm, được ký hợp đồng cuối năm 2015, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2021, nhưng thực tế chưa được thi công. Quá trình triển khai dự án này đã có một số sai phạm được Thanh tra Chính phủ chỉ ra.

Về tiến độ dự án Nhổn - ga Hà Nội, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, nói: “Kết luận của Thanh tra Chính phủ không ảnh hưởng gì tới việc triển khai dự án, vì 2 vấn đề không liên quan tới nhau”.

Dù vậy, theo ông Hiếu, tới nay, dự án vẫn còn một số vướng mắc về mặt bằng (ga S7, ga S11 và S12). Robot đào hầm đầu tiên đang được lắp đặt tại ga S9 (Kim Mã), dự kiến vận hành chính thức vào cuối tháng 1 năm tới. Robot đào hầm thứ 2 sẽ về Việt Nam vào cuối tháng này.

Đoàn tàu thứ nhất của dự án cũng đã về khu depot (khu hậu cần kỹ thuật) Nhổn, đoàn tàu thứ 2 dự kiến về Việt Nam vào tháng 1/2021. “Dự án sẽ chạy tàu theo đúng kế hoạch, với đoạn trên cao khai thác từ quý 4/2021, còn đoạn đi ngầm khai thác cuối năm 2022”, ông Hiếu nói. Như vậy, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sẽ chưa thể khai thác và kết nối với tuyến Cát Linh - Hà Đông trong 1 - 2 năm tới.

Tuyến đường sắt thí điểm của Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội được phê duyệt năm 2009, với tổng mức đầu tư 783 triệu Euro (tương đương 18.408 tỷ đồng), sử dụng vốn vay ODA. Sau đó, dự án được điều chỉnh vào năm 2013 và 2019, tổng vốn tăng lên hơn 1,1 tỷ Euro (tương đương 32.910 tỷ đồng). Dự án tuyến đường sắt dài 12,5km (đi trên cao dài 8,5km, đi ngầm khoảng 4km), có 8 ga trên cao, 4 ga ngầm, 1 khu depot, 10 đoàn tàu.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được phê duyệt năm 2008, với tổng mức đầu tư 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD), năm 2016, dự án được tăng vốn lên hơn 18.000 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc.

Lê Hữu Việt

Cùng chuyên mục
XEM