Một tháng đối đầu đợt dịch Covid-19 thứ 3: Số ca nhiễm tăng nhanh, vaccine được xác định là "vũ khí lợi hại" chiến thắng đại dịch
Đợt dịch lớn thứ 3 bùng phát tại Hải Dương trước tết Nguyên Đán, rồi lan ra 12 tỉnh/thành phố khác. Đến nay, sau một tháng, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, người dân đang dần quay lại với cuộc sống trong trạng thái "bình thường mới".
Tính đến tối 28/1, Việt Nam ghi nhận thêm 12 ca mắc mới tại Hải Dương. Trong một tháng chống đợt dịch lần 3, cả nước ghi nhận 849 ca mắc trong cộng đồng. Việt Nam hiện có 2.448 bệnh nhân. Đến thời điểm này đã có 1.876 bệnh nhân được chữa khỏi. Hơn 63.000 người đang cách ly chống dịch.
Dịch bệnh trên cả nước cơ bản được kiểm soát, các tỉnh/thành phố dần nới lỏng các biện pháp để đưa cuộc sống người dân về trạng thái bình thường mới.
Sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương trở thành những "chiến sĩ" chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến số 2 (Ảnh: Bộ Y tế)
849 ca nhiễm cộng đồng trong 1 tháng
Ngày 27/1, chính quyền xã Hưng Đạo, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương nhận được thông tin từ Nhật Bản về nữ công nhân nhà máy Poyun sinh sống trên địa bàn có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 khi nhập cảnh vào nước này. Kết quả giải trình tự gene sau đó cho thấy nữ công nhân mắc biến chủng SARS-CoV-2 của Anh có tốc độ lây nhiễm 70%.
Sáng 28/1, Bộ Y tế chính thức công bố 2 ca Covid-19 mới , chấm dứt chuỗi gần 2 tháng không ghi nhận ca mắc lây nhiễm trong cộng đồng, gồm nữ công nhân tại Công ty Poyun - đồng nghiệp của cô gái nhiễm chủng mới khi sang Nhật, và nam nhân viên cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn tại Hạ Long, Quảng Ninh.
Tại cuộc họp khẩn hôm 28/1, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 công bố thêm 82 ca dương tính mới , gồm10 ca tại sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh và 72 ca tại Công ty Poyun, Hải Dương.
Bộ Y tế đã cử ngay đoàn công tác đặc biệt gồm các lãnh đạo, chuyên gia chống dịch của các Cục, Bệnh viện lớn của Trung ương tới Hải Dương hỗ trợ địa phương triển khai điều tra, giám sát dịch tễ và các biện pháp khẩn cấp đáp ứng phòng, chống dịch. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ đạo Hải Dương thiết lập 3 bệnh viện dã chiến để điều trị tại chỗ các ca bệnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo, do thời điểm cận kề với Tết Nguyên đán, nên việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch phải cao hơn một cấp. "Hải Dương phải tự đặt trong tình trạng như Đà Nẵng trước đây, Bộ Y tế sẽ chi viện tối đa, tuy nhiên Hải Dương phải tập trung cao độ, làm sao để trong 10 ngày phải khoanh vùng triệt để", Phó Thủ tướng nói.
Dịch bệnh lan ra toàn bộ 12 thành phố, huyện, thị xã của tỉnh Hải Dương (Ảnh: Bộ Y tế)
Tại Hải Dương, dịch bệnh nhanh chóng lan ra toàn bộ 12 thành phố, huyện, thị xã của tỉnh, với 6 ổ dịch lớn gồm Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách, TP Hải Dương và Kim Thành.
Đến ngày 6/2, Bộ Y tế ghi nhận bệnh nhân 1979 , nam, 28 tuổi, có địa chỉ tại phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất. Em trai anh cũng được xác định nhiễm Covid-19, là bệnh nhân 1980. Ngay trong đêm 6/2, cơ quan y tế đã khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với 1.000 nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất, từ đó phát hiện 4 mẫu gộp (gồm 20 người) nghi nhiễm.
Kết quả giải trình tự gene hôm 12/2 cho biết chùm ca bệnh tại sân bay Tân Sơn Nhất đều thuộc chủng A.23.1 được phát hiệm lần đầu tiên ở Rwanda, Châu Phi vào khoảng cuối tuần thứ 3 của tháng 10 năm 2020, lần đầu xuất hiện ở Đông Nam Á.
Từ đó, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 36 ca mắc Covid-19 trong đợt dịch lần này. Tình hình được kiểm soát tốt trước Tết Nguyên đán.
Hàng trăm nhân viên y tế xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất (Ảnh: Phương Thảo, Tứ Quý)
Covid-19 sau đó nhanh chóng xuất hiện tại 13 tỉnh/thành phố trên khắp cả nước. Hà Nội ghi nhận 35 ca mắc, phần lớn có nguồn gốc từ ổ dịch Hải Dương. Riêng chùm ca bệnh liên quan chuyên gia người Nhật tử vong tối 13/2 chưa xác định rõ nguồn lây. Giải trình tự gene của người này cho thấy chủng virus này thuộc nhóm 20C , lần đầu xuất hiện tại Việt Nam, lưu hành chủ yếu ở Hàn Quốc, Sirilanca, Đài Loan và Ấn Độ. Đây là chủng virus có tốc độ lây nhiễm không cao, tuy nhiên mức độ tăng nặng cũng chưa rõ ràng đối với chủng này.
Như vậy, đến nay Việt Nam ghi nhận 5 chủng biến thể của virus SARS-CoV-2, gồm 614G từ châu Âu, đợt dịch hồi cuối tháng 7/2020 tại Đà Nẵng; B.1.1.7 từ Anh đang gây dịch tại Hải Dương; B.1.351 từ Nam Phi trên bệnh nhân người Nam Phi (bệnh nhân 1422); A.23.1 từ Rwanda, châu Phi tại sân bay Tân Sơn Nhất và nhóm 20C.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, tính đến ngày 28/1, 12/13 địa phương có dịch gồm Hà Nội (35 ca), TP.HCM (36 ca), Gia Lai (27 ca), Quảng Ninh (61 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bình Dương (6 ca), Điện Biên (3 ca), Hoà Bình (2 ca), Hưng Yên (3 ca), Bắc Giang (2 ca), Hà Giang (1 ca) và Hải Phòng (3 ca) cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.
Hải Dương (665 ca) cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, vẫn đang tiếp tục các biện pháp tăng cường. Toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, kể từ 0h ngày 16/2. Tỉnh này yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất. Toàn dân thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.
Chiều 21/2, Bệnh viện Dã chiến số 1 TP. Chí Linh đã công bố khỏi bệnh cho 90 bệnh nhân Covid-19 . Đây là con số kỷ lục từ đầu đợt dịch.
Bộ trưởng khẳng định, "trong một thời gian ngắn nữa chúng ta sẽ chiến thắng đợt dịch thứ 3 trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19".
Những biện pháp xử phạt mạnh mẽ liên quan công tác phòng chống dịch
Từ ngày 27/1 đến 26/2, Công an tỉnh Hải Dương đã phát hiện, xử lý 3.343 trường hợp vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, phạt tiền 3,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, qua công tác truy vết người có liên quan đến các ca bệnh, Công an tỉnh Hải Dương đã trao đổi thông tin về hơn 1.200 trường hợp F1 với 35 tỉnh, thành phố, giúp các địa phương phát hiện xử lý 6 trường hợp di chuyển từ Hải Dương về không thực hiện khai báo y tế.
Từ ngày 27/1 đến ngày 26/2, Công an tỉnh đã phát hiện 121 tin đăng tải thông tin có nội dung vi phạm trên không gian mạng liên quan đến tình hình dịch bệnh. Kịp thời phát hiện, tập trung lực lượng, khẩn trương xác minh, làm rõ, khởi tố điều tra 3 vụ án, 2 bị can về các tội liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Các địa phương đã có những biện pháp xử phạt mang tính răn đe liên quan công tác phòng chống dịch bệnh (Ảnh: Phương Thảo)
Tại Hà Nội, UBND quận Nam Từ Liêm đã xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng đối với bệnh nhân 2009 do thiếu trung thực trong việc khai báo y tế.
Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng đã giao Tổ truy vết phối hợp với Tổ Thông tin đáp ứng nhanh của BCĐ Phòng dịch Trung ương, sử dụng biện pháp công nghệ làm rõ các giao dịch thông tin điện thoại giữa các bệnh nhân 1722 và 2009. Từ đó, nếu có căn cứ, có thể xem xét xử lý hình sự bệnh nhân này.
Tại Hải Phòng, Chủ tịch UBND thành phố đã giao Công an thành phố khẩn trương điều tra, xác minh đối với bệnh nhân 2391 và 2385 về từ ổ dịch Hải Dương nhưng khi báo không đồng nhất, gây khó khăn cho công tác truy vết. Hải Phòng khẳng định sẽ xử lý hình sự nếu 2 bệnh nhân trên vi phạm nghiêm trọng các quy định về phòng chống dịch bệnh.
Vaccine phòng Covid-19 - "vũ khí lợi hại" trong trận chiến
Hơn 10h sáng 24/2, chuyến bay chở 117.600 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM, phục vụ nhu cầu phòng chống dịch cấp bách hiện nay. Lô vaccine này được vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam, dự kiến sẽ ưu tiên tiêm cho hơn 50.000 người, mỗi người tiêm 2 mũi.
Đầu tháng 3, Bộ Y tế sẽ tiến hành tiêm số vaccine này. Cuối tháng 3 có thể thêm 1,2 triệu liều. Việc tiêm vaccine được thực hiện trên nguyên tắc ưu tiên tiêm người có nguy cơ cao đến người có nguy cơ thấp, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch tiêm sau.
Trong năm 2021, Bộ Y tế đảm bảo không thiếu vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Bộ Y tế đang hết sức nỗ lực để triển khai tiêm. Bộ Y tế đang chuẩn bị khẩn trương các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong ngành y tế và ngoài ngành tham gia vào đợt tiêm chủng lớn nhất trong năm với 100 triệu liều vaccine , để đẩy nhanh tiến độ tiêm, đảm bảo độ bao phủ, sớm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm và động viên các tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vaccine Nanocovax giai đoạn 2 trong sáng 26/2 tại Học viện Quân y (Hà Nội) (Ảnh: Phương Thảo)
Ngày 26/2, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về việc mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19, quy định 8 nhóm người được ưu tiên tiêm và miễn phí gồm lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; Người cung cấp dịch vụ thiết yếu; Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi; Người sinh sống tại các vùng có dịch; Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài và các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.
Về địa bàn, ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng nêu trên ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có dịch; trong tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch.
Ngày 25/2, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đã họp và nhất trí đề xuất Bộ Y tế phê duyệt 2 vaccine phòng Covid-19 , bao gồm vaccine của công ty Moderna (Hoa Kỳ) và vaccine của công ty JSC Generium (Nga) (Sputnik V) để sử dụng cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Nữ tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử nghiệm vaccine Nanocovax giai đoạn 2 sáng 26/2 (Ảnh: Phương Thảo)
Đối với vaccine trong nước, ngày 26/2 đã tiêm thử nghiệm vaccine Nanocovax giai đoạn 2 cho 78 người tại Hà Nội và Long An.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm và động viên các tình nguyện viên tại Học viện Quân Y (Hà Nội). Ông nhấn mạnh yêu cầu, làm sao trong thời gian nhanh nhất có được vaccine ngừa Covid-19 do Việt Nam sản xuất, không chỉ phục vụ phòng chống dịch bệnh mà còn là niềm tự hào, tin tưởng đối với đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu phát triển vaccine của Việt Nam, cũng là mong mỏi của nhân dân.
Qua đánh giá sơ bộ, các nhà nghiên cứu phát hiện kháng thể của các tình nguyện viên tiêm vaccine phòng Covid-19 Nanocovax có thể chống lại biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 ở Anh.
Đối với vaccine thứ 2 là Covivac của Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Bộ trưởng Long cho biết, khi tiến hành đánh giá lâm sàng, các chuyên gia nhận định hiệu lực bảo vệ của vaccine này rất tốt. Đây được xem là một ứng cử viên tiềm năng bên cạnh vaccine Nanocovax.
TS. Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC cho biết, Covivac có thể chống được 2 biến chủng virus SARS-CoV-2 ở Anh và Nam Phi. Theo tính toán của IVAC, vaccine Covivac sẽ có giá không quá 60.000 đồng/liều . Dự kiến IVAC sẽ phối hợp với Đại học Y Hà Nội và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tiêm thử nghiệm đầu tháng 3 và hoàn thành vào tháng 10 năm nay.
Dù có vaccine phòng Covid-19, BCĐ Quốc gia khuyến cáo người dân không được chủ quan, mất cảnh giác, vẫn phải thực hiện đầy đủ các hướng dẫn phòng chống dịch bệnh của ngành y tế. BCĐ bày tỏ niềm tin khi có thêm "vũ khí lợi hại" là vaccine, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng cả cuộc chiến chống lại giặc Covid-19, tận dụng được thời cơ phục hồi, phát triển kinh tế nhanh chóng, mạnh mẽ trong thời gian tới, đóng góp vào việc đẩy lùi đại dịch trên thế giới.
Việt Nam quyết thắng đại dịch! (Ảnh: Bộ Y tế)