Một phần châu Âu tái áp dụng lệnh phong tỏa do Covid-19 tăng đột biến, nhiều cuộc biểu tình hóa thành bạo động

22/11/2021 11:30 AM | Xã hội

Các cuộc biểu tình phản đối việc tái phong tỏa ở châu Âu đã biến thành bạo động vào cuối tuần qua bất chấp việc số ca mắc Covid-19 mới tăng kỷ lục.

Bạo loạn đã nổ ra ở The Hague, Hà Lan trong ngày cuối tuần vì các biện pháp tái phong tỏa mà nước này áp dụng. Hình ảnh từ hiện trường cho thấy cảnh sát chống bạo động phải sử dụng vòi rồng để giải tán đám đông, thậm chí bắt giữ những người tham gia biểu tình.

Hôm 20/11, Hà Lan chính thức áp dụng lệnh tái phong tỏa một phần kéo dài 3 tuần nhằm đối phó với số ca mắc Covid-19 tăng cao. Quốc gia này cũng đang có kế hoạch cấm những người chưa tiêm phòng tới một số điểm nhất định.

Cảnh sát cho biết, các cuộc đụng độ ở The Hague đã khiến 5 cảnh sát bị thương, trong đó 1 người phải nhập viện và 2 người bị tổn thương thính giác do tiếng nổ lớn. Theo cảnh sát, những kẻ quá khích đã phòng hỏa, phá hoại, hành hung người đi đường, ném đá và pháo vào các cảnh sát. 19 người đã bị bắt giữ trong vụ bạo động.

Trong khi đó, hàng nghìn người biểu tình đã tham dự một cuộc tuần hành hòa bình ở thủ đô Amsterdam của Hà Lan. Trước đó, một cuộc biểu tình cũng hóa thành bạo động tại thành phố cảng Rotterdam khiến cảnh sát buộc phải nổ súng để giải tán đám đông. 51 người đã bị bắt trong vụ việc.

Hà Lan không phải quốc gia duy nhất phải đối mặt với làn sóng biểu tình chống phong tỏa. Hôm 20/11, khoảng 40.000 người đã chen chúc trên các đường phố Vienna, Áo để phản đối việc quốc gia này ban hành các biện pháp tái phong tỏa một phần đất nước. Cảnh sát đã cố gắng hạ nhiệt người biểu tình nhưng khi bầu không khí trở nên căng thẳng, họ phạt những người biểu tình không đeo khẩu trang.

Cảnh sát đã phải sử dụng tới "chất lỏng không xác định" để xịt vào người biểu tình khi họ cố gắng tấn công một chiếc trực thăng bằng tia laser. Bộ trưởng Nội vụ Áo Karl Nehammer thì nói rằng một bộ phận người biểu tình rất dễ trở nên bạo lực.

Những cuộc biểu tình diễn ra khi Áo áp dụng lệnh giãn cách đối với một phần đất nước kể từ 22/11. Ngoài ra, tới tháng 2/2022, việc tiêm vắc xin ở quốc gia này sẽ trở thành bắt buộc.

Hơn 1.400 cảnh sát đã được triển khai trên khắp đất nước để duy trì trật tự công cộng. Bình xịt hơi cay cũng đã được sử dụng tại một điểm nóng ở Vienna.

Pháp đã cử hàng chục cảnh sát tinh nhuệ và lực lượng chống khủng bố lên hòn đảo Guadeloupe trên biển Caribbean vào cuối ngày 20/11 sau khi xảy ra tình trạng cướp bóc và đốt phá bất chấp lệnh giới nghiêm. Một ngày trước đó, người đứng đầu hòn đảo đã yêu cầu người dân phải ở trong nhà sau khi các cuộc biểu tình phản đối tiêm vắc xin đã trở thành bạo loạn vào đêm hôm trước. 31 người đã bị bắt.

Trong khi đó, khoảng 15.000 người đã biểu tình ở Zagreb để chống lại các biện pháp chống dịch của Chính phủ Croatia. Từ ngày 22/11, chỉ những người có hộ chiếu Covid mới được ra vào các tòa nhà chính phủ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), châu Âu hiện là khu vực duy nhất có số ca tử vong vì Covid-19 gia tăng. Dù là một trong những khu vực mua được nhiều vắc xin nhất thế giới nhưng tỷ lệ tiêm chủng ở châu Âu thấp hơn nhiều khu vực còn lại khi người dân từ chối tiêm phòng.

Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM