Một nửa số lượng lừa thế giới có thể bị xóa sổ trong 5 năm tới
Số lượng của loài lừa trên toàn thế giới đang trong tình trạng khủng hoảng, chúng phải đối mặt với sự suy giảm lớn về số lượng trên nhiều quốc gia khác nhau.
Các chuyên gia tin rằng có đến một nửa số lượng lừa trên thế giới có thể bị xóa sổ trong vòng 5 năm tới vì nhu cầu sử dụng da của chúng trong y học cổ truyền Trung Quốc.
Theo một báo cáo mới của The Donkey Sanctuary, quần thể lừa tại Châu Phi, Nam Mỹ và Châu Á đang bị sụt giảm nghiêm trọng vì bị đánh cắp, giết và vận chuyển trái phép sang các nước khác.
Trong 6 năm trở lại đây, ngành công nghiệp sản xuất A giao đã phát triển với tốc độ nhanh chóng mặt do nhu cầu của thị trường ngày càng tăng cũng như lợi nhuận nhiều. Sản lượng sản xuất hàng năm của A giao tăng từ 3.200 tấn trong năm 2013 lên 5.600 tấn trong năm 2016.
Nhu cầu sử dụng da lừa trong y học cổ truyền đã khiến nhiều người lo ngại nếu nhu cầu tiếp tục gia tăng, chúng sẽ tiếp tục bị săn bắt, giết hại, số lượng của loài này sẽ dẫn đến tình trạng khủng hoảng toàn cầu.
Trên thực tế, nguồn cung lừa không thể đáp ứng nhu cầu hiện tại ở Trung Quốc, ước tính khoảng 4,8 triệu con lừa bị giết hàng năm để phục vụ cho việc lấy da nấu cao.
Da lừa được xuất khẩu sang Trung Quốc để làm một loại thuốc cổ truyền gọi là ejiao - A giao, được cho là có tác dụng giúp máu huyết lưu thông tốt, chữa đau nhức chân tay, làm chậm lão hóa và tăng ham muốn, cải thiện khả năng sinh sản...
Nhu cầu này lớn tới mức những con lừa hoang dã cũng đã bắt đầu được xuất khẩu từ Châu Phi, Châu Á và Nam Mỹ sang Trung Quốc, khiến số lượng loài này suy giảm nhanh một cách đáng báo động.
Gần 20% số lừa chết trên đường vận chuyển. Hoạt động giết mổ mất vệ sinh cũng gây ra mối nguy an ninh sinh học, tạo điều kiện lây lan các dịch bệnh như uốn ván, cúm lừa, bệnh than…
Kể từ năm 1992, số lượng lừa tại Trung Quốc đã giảm 76%. Ở Brazil số lượng của loài này cũng đã giảm 28%, ở Botswana là 37% và 53% ở Kyrgyzstan tính từ năm 2007.
Trong khi ở các quốc gia khác như Kenya và Ghana, nơi buôn bán da cũng hoạt động, số lừa cũng bị tàn sát với tốc độ nhanh chóng mặt bởi các thương nhân.
Để đáp ứng được nhu cầu 5 triệu tấm da lừa mỗi năm sản xuất A giao, ngành công nghiệp này cần hơn một nửa số lượng lừa trên thế giới trong 5 năm tới.
Sự suy giảm nghiêm trọng của các quần thể lừa cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của khoảng 500 triệu người trên toàn cầu, phần lớn trong số đó là ở một số cộng đồng nghèo nhất thế giới, nơi mà động vật được xem là một phần thiết yếu và được dùng để làm việc.
Lừa được sử dụng để vận chuyển hàng hóa, nước, gỗ, thực phẩm và được xem là công cụ tiếp cận giáo dục cho một số nơi có phương thức vận chuyển hạn chế trên thế giới.
Đồng thời chúng cũng được xem là một nguồn thu nhập quan trọng cho một số cộng đồng nhất định.
Theo Donkey Sanctuary, sự suy giảm số lượng lừa ảnh hưởng nhiều nhất lên 500 triệu người kiếm sống phụ thuộc vào loại động vật này ở một số quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, tổ chức cũng cảnh báo về tình trạng ngược đãi động vật tồi tệ trong chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, nhu cầu về da của thị trường này vẫn đang rất cao vào thời điểm hiện tại, ngay cả ngựa cái và ngựa non cũng bị bắt và giết mổ trái phép - vi phạm trực tiếp các hướng dẫn phúc lợi động vật quốc tế.
Điều kinh khủng ở chỗ chúng thường bị giam cầm trong những điều kiện môi trường vô cũng kinh khủng và bị giết mổ bởi những người xử lý không có trang bị và không có kỹ năng cần thiết.
Mike Baker, Giám đốc điều hành của The Donkey Sanctuary, cho biết: "Đây là một sự đau khổ và không thể chấp nhận. Sự đau khổ này không chỉ giới hạn ở những con lừa mà hơn thế nữa, nó còn đe dọa sinh kế của hàng triệu người. Buôn bán da lừa đang là mối đe dọa lớn chưa từng thấy. Chúng ta cần phải ra tay hành động khẩn cấp".
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng cộng 18 quốc gia chung tay bảo vệ lừa thế giới. Các quốc gia như Niger và Burkina Faso đã ban hành lệnh cấm bán lừa cho Trung Quốc xuất phát từ các vấn đề môi trường và kinh tế.