Một ngày ở đường dây nóng CSGT TP.HCM

03/05/2017 14:16 PM | Xã hội

Khi tiếp nhận các phản ánh bức xúc về cách cư xử của CSGT, phòng CSGT sẽ ghi nhận và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Từ giữa năm 2016, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM đã đưa hai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin 24/24 giờ.

Trong đó, số điện thoại 0994.676.767 sẽ tiếp nhận giải quyết những phản ánh, kiến nghị của người dân về công tác xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng CSGT; riêng số 069.3187.521 sẽ tiếp nhận phản ánh về cách cư xử của CSGT khi đang thi hành nhiệm vụ và các tin tức liên quan đến trật tự an toàn giao thông.

Từ báo kẹt xe đến hỏi về mức phạt

Một ngày cuối tháng 4, có mặt tại khu vực trực đường dây nóng, PV nhận thấy Đại úy Lê Kim Tùng, trực ban của PC67, liên tục nhận được nhiều cuộc gọi của người dân phản ánh tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP.

Ông Phạm Văn Bình, ngụ quận Tân Bình, gọi điện thoại đến đường dây nóng để thông báo tình hình kẹt xe đang diễn ra ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Ông Bình cho biết: “Tôi đang trên đường vào sân bay, thấy khu vực này đang kẹt xe rất nhiều, đặc biệt là đoạn từ đường Bạch Đằng ra Trường Sơn…”.

Đại úy Tùng đáp: “Hiện nay lực lượng CSGT đang được điều tới khu vực đó, nỗ lực điều tiết để giải quyết tình trạng đó nhưng cần có thời gian để gỡ nút thắt. Cảm ơn anh đã cung cấp thông tin kịp thời. Mong anh sẽ cung cấp nhiều thông tin hơn nữa”.

Sau đó, một người dân khác gọi điện thoại đến thắc mắc về việc xử phạt xe tải van khi chạy vào giờ cấm. Cụ thể, người này hỏi: “Tôi hiện đang chạy xe tải van, tôi muốn biết xe của tôi có được chạy vào giờ cao điểm hay không? Nếu tôi vi phạm thì mức phạt sẽ là bao nhiêu?”.

Vấn đề này được Đại úy Tùng giải đáp nhanh gọn vì trước đó đã có nhiều trường hợp từng hỏi. Ông Tùng giải thích: Xe tải van có khối lượng chuyên chở từ 0,5 tấn trở lên thì bị cấm lưu thông vào hai thời điểm trong ngày là từ 6 giờ đến 8 giờ và từ 16 giờ đến 20 giờ. Mức phạt được áp dụng theo Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Mỗi tháng nhận hơn ngàn cuộc gọi

Đại úy Lê Kim Tùng cho biết mỗi ngày đường dây nóng đều đổ chuông với trung bình 40 cuộc gọi, đa phần là phản ánh tình hình trật tự an toàn giao thông, thắc mắc về mức xử phạt và được CSGT hỗ trợ giải đáp hết mình.

“Ngoại trừ những trường hợp gây rối thì mỗi khi người dân gọi đến cần sự trợ giúp thì ở đây sẽ hỗ trợ hết sức, bất kể giờ giấc, làm sao giải đáp hết băn khoăn của họ. Đặc biệt đường dây nóng phải trả lời ngắn gọn nhưng đủ ý, đảm bảo không có ai gọi đến đường dây nóng mà máy bận” - Đại úy Tùng nói.

Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng PC67, cho biết trong thời gian qua đường dây nóng của phòng đã tiếp nhận nhiều thông tin thể hiện tình hình trật tự an toàn giao thông nổi cộm của TP. Đó là việc tụ tập chạy xe gây rối trật tự công cộng, tai nạn giao thông, ùn ứ giao thông, các vụ việc mất đèn tín hiệu giao thông tại các giao lộ, kể cả việc triều cường, cây đổ, mất xe; những thắc mắc về mức phạt đối với xe tải, thủ tục đăng ký xe, giờ cấm xe tải lưu thông…

Những thắc mắc về thông tin xử phạt sẽ được cán bộ giải đáp cho người dân; những tin báo về ùn ứ giao thông, tai nạn giao thông, tình trạng tụ tập gây rối sẽ được ghi chép lại và báo đến đơn vị phụ trách địa bàn để được giải quyết sớm nhất.

Sẵn sàng nghe dân phàn nàn

Đại úy Tùng cũng cho hay thời gian qua đường dây nóng cũng có những phản ánh về cách cư xử của CSGT. Trong đó có lần một người dân cho biết họ không hài lòng với cách xưng hô trống không của một số cán bộ CSGT khi làm nhiệm vụ. Việc này được trực ban ghi lại và báo cáo lên cấp trên để xác minh và có nhắc nhở đến những CSGT đó ngay lập tức.

Trung tá Huỳnh Trung Phong cũng cho biết: “Đội ngũ trực ban của phòng cũng nhận được một số thông tin phản ánh bức xúc về hoạt động, cách cư xử của lực lượng chức năng. Những thông tin đó sẽ được ghi lại, sau đó căn cứ vào đó để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời; nếu sự việc nghiêm trọng sẽ phải xác minh kỹ hơn”.

Tuy nhiên, theo ông Phong, những thông tin người dân cung cấp về vấn đề trật tự an toàn giao thông có độ chính xác cao nhưng riêng thông tin phản ánh về cách cư xử, thái độ của cán bộ CSGT khi đang thi hành nhiệm vụ thường không đầy đủ do không nói rõ thời gian, vị trí, tên cán bộ CSGT, biển số mô tô đặc chủng, phù hiệu trên ô tô dẫn đến khó khăn trong công tác xác minh, xử lý.

Do đó, ông Phong lưu ý người dân khi phản ánh thông tin về cách hành xử, thái độ của cán bộ CSGT khi đang thi hành nhiệm vụ cần cung cấp cụ thể thời gian, vị trí, tên cán bộ CSGT, biển số xe, phù hiệu xe.

“Lực lượng CSGT rất cầu thị và mong muốn nhận được những góp ý, đóng góp của công dân để lực lượng CSGT ngày càng hoàn thiện hơn và phục vụ tốt hơn cho nhu cầu đi lại, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân” - Trung tá Huỳnh Trung Phong nói.

Gọi đường dây nóng để… giải buồn

Khi trực đường dây nóng cũng có nhiều chuyện dở khóc dở cười. Có lần vào lúc 3 giờ sáng, có một thanh niên gọi điện thoại đến bảo rằng mình buồn quá nên cần người tâm sự. Tôi đành phải giải thích rằng đây là đường dây nóng chỉ tiếp nhận các thông tin phản ánh về trật tự giao thông, cách cư xử của CSGT hay thắc mắc về xử phạt chứ không phải để gọi điện thoại tâm sự.

Đại úy LÊ KIM TÙNG

Theo Lê Thoa

Cùng chuyên mục
XEM