Một ngân hàng 5 năm thay CEO 6 lần
Trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2022 không đạt kỳ vọng, ABBank tiếp tục thay đổi ghế Tổng giám đốc. Như vậy, trong 5 năm kể từ năm 2018, ngân hàng này đã thay vị trí điều hành cao nhất tới 6 lần.
HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa công bố bổ nhiệm bà Lê Thị Bích Phượng, Phó Tổng giám đốc đảm nhận nhiệm vụ và quyền Tổng Giám đốc, thay cho ông Nguyễn Mạnh Quân kể từ ngày 30/1/2023.
Bà Phượng sinh năm 1977, có 19 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, từng đảm nhận nhiều vị trí chuyên môn và quản lý của ngân hàng như Giám đốc khu vực ở Hà Nội, Giám đốc Vùng, Giám đốc Bán hàng và kênh phân phối miền Nam, Giám đốc Khối dịch vụ ngân hàng tài chính cá nhân, Thành viên Ban Điều hành Techcombank giai đoạn chuyển đổi 2016 - 2020.
Tháng 12/2022, bà Phượng được HĐQT ABBank tuyển dụng và bổ nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc.
Xét trong tất cả các ngân hàng Việt, vị trí Tổng giám đốc ABBank có thể coi là "nóng" nhất hệ thống khi trong vòng 5 năm, ngân hàng này đã thay tới 6 đời Tổng giám đốc.
Cụ thể, tháng 1/2018, HĐQT ABBank đã chấp thuận đơn từ nhiệm chức danh Tổng giám đốc của ông Cù Anh Tuấn vì lý do cá nhân. Ngay sau đó, nhà băng này đã giao ông Nguyễn Mạnh Quân đảm nhận nhiệm vụ và quyền Tổng giám đốc.
Đến tháng 5/2018, ABBank có Tổng giám đốc mới, là bà Dương Thị Mai Hoa – cựu CEO Tập đoàn Vingroup.
Tới tháng 10/2018, ông Phạm Duy Hiếu được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng giám đốc, đảm nhận nhiệm vụ và quyền Tổng giám đốc tại ABBank thay cho bà Dương Thị Mai Hoa.
Đến tháng 4/2020, vị trí Tổng giám đốc tại ABBank được chuyển sang ông Lê Hải.
Tuy nhiên, sau chưa đầy 2 năm, ông Lê Hải đã có đơn từ nhiệm. HĐQT ABBank quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Quân trở lại vị trí quyền Tổng giám đốc.
Đến cuối tháng 1/2023, "ghế" CEO ABBank tiếp tục đổi chủ lần thứ 6 khi bà Lê Thị Bích Phượng được giao đảm nhận nhiệm vụ và quyền Tổng Giám đốc thay cho ông Nguyễn Mạnh Quân.
ABBank cũng mới cập nhật báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng.
Cụ thể, trong quý IV, ABBank là một trong số rất ít các ngân hàng báo lợi nhuận âm. Luỹ kế cả năm 2022, lợi nhuận ABBank đạt 1.703 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2021, tương đương 55% kế hoạch năm.
Lợi nhuận trước thuế ABBank giảm cho yếu do lỗ từ hoạt động kinh doanh và đầu tư chứng khoán với các khoản lỗ lần lượt là 57 tỷ đồng và 22 tỷ đồng (trong khi năm 2021 lãi gần 500 tỷ đồng). Ngoài ra, ABBank cũng tăng trích lập dự phòng rủi ro thêm 13% lên mức 776 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu của ABBank tính đến 31/12/2022 cũng khá cao so với trung bình ngành, hiện là 2,9%. Đáng chú ý, nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh thêm 62% so với cuối năm 2021. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ABBank hiện nay có khá thấp, chỉ đạt 43% - nằm trong nhóm thấp nhất hệ thống.