Lee Jae-Yong đang bị điều tra vì cáo cuộc hối lộ và tham ô liên quan tới cựu tổng thống bị lật đổ Park Geun-hye.
Phòng xét xử nằm ở tầng 5, không cửa sổ, chật kín các luật sư, phóng viên và những người dân quan tâm tới vụ việc. Tất cả đều chăm chú theo dõi phiên toà. Một vài người ngồi hẳn xuống sàn nhà, ai cũng toát mồ hôi. Các thư ký lắc đầu ngao ngán trước bầu không khí ngột ngạt trong căn phòng. Trong lúc này, Thái tử Lee – cùng 4 bị cáo khác trong đội ngũ quản lý của công ty vừa từ tốn lấy khăn tay lau mồ hôi, vừa nhâm nhi ly nước.
"Thái tử" Lee cùng các cộng sự của ông bị buộc tội hối lộ bà Park và một trong những người bạn của bà này để làm đơn giản hoá vụ sáp nhập giữa 2 công ty đại chúng của Samsung – một thương vụ mà các công tố viên cho rằng sẽ làm củng cố thêm quyền kiểm soát của ông Lee tại đế chế Samsung.
Chung Yoo-ra - con gái bạn cựu Tổng thống bị phế truất Park Geun Hye trong một lần cưỡi ngựa vào năm 2014.
Bằng chứng được dùng để buộc tội là Vitana V – một con bạch ngựa thuần chủng trị giá 800.000 USD cộng thêm 17 triệu USD tiền cống hiến cho một tổ chức được bà Park lập cùng một người bạn, nhằm giúp cô con gái của bà này có đủ tiêu chuẩn tham dự Olympic. Các lãnh đạo Samsung mô tả những món quà này là sự hỗ trợ "đúng chuẩn mực" của công ty vì tham vọng Olympic của nước nhà và chối bỏ mọi cáo buộc liên quan.
Trong phiên xét xử ngày hôm ấy, "Thái tử Lee" mặc một bộ đồ màu xanh đậm với chiếc áo hở cổ vốn trước đây cũng là một tay đua ngựa có tiếng. Ở tuổi 20, ông từng giành huy chương tại một số giải vô địch châu Á.
Còn hiện nay, với những gì đang diễn ra vào sinh nhật lần thứ 49 của mình, ông lắng nghe kỹ lưỡng mọi thứ diễn ra trong phiên tòa, thi thoảng mỉm cười, chuyển một vài tờ giấy nhớ cho luật sư và hoàn toàn bình thản.
Cuối buổi chiều, thẩm phán đã hỏi liệu những người tham gia có cần nghỉ giải lao không và Lee đã trả lời rằng ông sẽ "làm theo những gì mọi người muốn". Không ai có ý kiến gì và phiên toà tiếp tục.
Nhiều giờ sau đó, khi phiên tòa tạm dừng để chuyển sang ngày mai, "thái tử" Lee được đưa đi, không ai chúc ông ấy một sinh nhật vui vẻ cả. Đó là dấu hiệu rất nhỏ nhưng nó cho thấy sự giàu có và quyền lực của một trong những tập đoàn hùng mạnh nhất Hàn Quốc đã bị giảm bớt vài phần.
Được thành lập năm 1938 bởi ông Lee Byung-chul – tập đoàn Samsung là tập hợp của 60 công ty liên kết – một tập đoàn gia đình trị mà người Hàn Quốc quen gọi là Chaebol. Họ hoạt động trên khắp các mảng kinh doanh gồm đóng tàu, công ty xây dựng, bảo hiểm, quảng cáo, sở hữu đội bóng rổ và thậm chí cả một công viên chủ đề.
Samsung Electronics chiếm hơn 2/3 giá trị thị trường của tập đoàn này. Mặc cho việc phải thu hồi hàng triệu điện thoại Note 7, không ít máy giặt lỗi vào năm 2016, Samsung Electronics vẫn duy trì được nhận thức của người tiêu dùng toàn thế giới là công ty cung cấp những dòng thiết bị cao cấp. Trên thực tế, mảng kinh doanh này cũng vẫn đang tạo ra được dòng tiền khổng lồ cho Samsung.
Trong báo cáo tài chính mới nhất được công bố vào hôm 27/7 vừa qua, Samsung cho biết doanh thu của họ đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, còn lợi nhuận tăng 73%. Tốc độ tăng trưởng lần này được thúc đẩy bởi mảng sản xuất chip nhớ nhưng Samsung Electronic hiện cũng vẫn là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới một phần nhờ dòng điện thoại Galaxy S8. Hiện tại công ty đang gần vượt qua Apple để trở thành công ty có lợi nhuận lớn nhất thế giới và thay thế Intel trở thành nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, trong khi các nhà đầu tư đang ăn mừng trước thành tựu của Samsung, người Hàn lại biểu tình phản đối họ. Khi những lời buộc tội chống "thái tử" Lee và bà Park được công khai, một làn sóng biểu tình đã được dấy lên ở Seoul, phản đối mối dây liên hệ giữa các chaebol với chính phủ. Những người biểu tình cùng ký vào tấm biển đỏ, trên đó là hình biếm hoạ của bà Park và ông Lee kèm dòng chữ "Gửi tới Jay Y. Lee ở trong tù – thủ phạm thật sự trong những bê bối này".
"Điều gì tốt cho Samsung tức là tốt cho Hàn Quốc" từng là một quan điểm trọng yếu mang tầm quốc gia tại Hàn Quốc. Sau chiến tranh, chaebol này đã giúp đưa đất nước phát triển thành nền kinh tế hùng mạnh bậc nhất thế giới. Nhưng hiện tại khảo sát cho thấy sự ủng hộ đối với tập đoàn này đã giảm sút. Và chính vì vậy, Samsung bị cáo buộc phải giành lấy sự ủng hộ bằng những cách bất hợp pháp.
Bên trong Samsung Electronics – sự phẫn nộ đó của dư luận dường như không phải vấn đề gì to tát. Công ty vẫn tự tin vào nền tảng kỹ thuật của họ và đồng thời đang thay đổi văn hóa vỗn đã tồn tại từ rất lâu tại đây là làm việc không mệt mỏi, trung thành và sự tôn kính. Mặc dù văn hóa hà khắc như vậy rất phù hợp với một công ty phần cứng, nhưng các lãnh đạo biết công ty sẽ phải thay đổi nếu Samsung Electronics muốn cạnh tranh với những gã khổng lồ thung lũng Silicon về dịch vụ điện toán đám mây hay trí thông minh nhân tạo.
Những thay đổi như vậy có thể diễn ra được hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả phiên tòa xét xử của "Thái tử" Lee. Trong nhiều năm, gia tộc họ Lee và những chiến lược gia hàng đầu của họ đã thành lập một "văn phòng chiến lược giữa các doanh nghiệp" nhằm kết nối các chi nhánh và xử lý những vấn đề liên quan tới chính phủ. Tuy nhiên trong bối cảnh người đứng đầu tập đoàn bị ngồi tù, DJ Koh - Chủ tịch mảng viễn thông di động công ty cho biết "văn phòng này đã không còn tồn tại".
"Đây là một trải nghiệm hoàn toàn mới. Chúng tôi phải đưa ra quyết định của chính mình", Koh nói.
Người có tác động lớn nhất tới sự vươn lên toàn cầu của Samsung là Lee Kun-hee – con trai của nhà sáng lập Byung-chul và là cha của "thái tử" Lee. Ông Lee Kun-hee trở thành chủ tịch công ty vào năm 1987 và được biết đến khá tín tiếng nhưng cực kỳ quyền lực. Dưới sự dẫn dắt của ông, Samsung đã đầu tư vào dự án chất bán dẫn khổng lồ và nhà máy sản xuất màn hình, giúp công ty giành được danh tiếng sau một thời gian dài bị coi là kẻ chỉ biết "sao chép".
Trong năm 1993, chứng kiến doanh số bán những thiết bị tiêu dùng đi ngang, ông đã họp các lãnh đạo lại và tuyên bố "hãy thay đổi mọi thứ trừ vợ và các con của bạn".
Một vài năm sau, ông đã ra lệnh thu gom 150.000 chiếc điện thoại Samsung sản xuất lỗi chất đống lại và sau đó cho đốt chúng trước toàn bộ công nhân của nhà máy. Dù hành động này phần nhiều mang tính răn đe nhưng rõ ràng ông Kun-hee đã gửi thông điệp rõ ràng về việc nghiêm khắc kiểm soát chất lượng sản phẩm của công ty.
Dù khá lập dị, nhưng ông Kun-hee lại tỏ ra là một nhà kinh doanh thạo đời. Trong năm 1997, khi giá trị Samsung Electronics giảm xuống 1,7 tỷ USD sau cuộc khủng hoảng tài chính, ông đã quyết tâm loại bỏ những mảng kinh doanh gây trở ngại, tăng gấp đôi mảng chip, màn hình và điện thoại. Trong vòng 1 thập kỷ, giá trị thị trường của Samsung Electronics đã tăng gấp 6 lần. Song Jae-yong – một chuyên gia về chiến lược và quản lý quốc tế tại Đại học Quốc gia Seoul gọi Lee Kun-hee là "một trong những doanh nhân vĩ đại nhất thế kỷ 20".
Năm 2014, ở tuổi 72, ông Lee Kun-hee đã trải qua một cơn đột quỵ. Samsung sau đó đã nói rằng "tình hình của ông ấy đang dần ổn định" nhưng kể từ đó chưa có thêm bất cứ thông tin gì và phía Samsung cũng không đưa ra bình luận nào cả. Nhiều nguồn tin cho biết, vị chủ tịch này đang phải duy trì tình trạng sống thực vật tại Trung tâm y tế Samsung. Khi phóng viên tờ Bloomberg đột nhập vào khu vực VIP của bệnh viện đã ngay lập tức bị chặn lại bởi đội ngũ nhân viên bảo vệ hùng hậu.
Sức khỏe của chủ tịch Lee Kun-hee đột ngột suy yếu đã nhấn sâu thêm khủng hoảng của gia tộc. Nhìn chung sự kiểm soát của ông Lee tại Samsung khá lỏng lẻo nếu xét theo tiêu chuẩn các tập đoàn châu Âu, bởi ông chỉ sở hữu một lượng tương đối nhỏ cổ phần tại các chi nhánh của Samsung. Dẫu vậy ông vẫn duy trì quyền biểu quyết thông qua mạng lưới sở hữu chồng chéo.
Theo dữ liệu của Bloomberg, ông Lee Kun-hee hiện chỉ sở hữu 3,8% cổ phần Samsung Electronics nhưng ông là cổ đông lớn nhất của Samsung Life Insurance Co , nắm trong tay 20% cổ phần. Samsung Life trong khi đó lại sở hữu 8% cổ phần Samsung Electronics; Lượng cổ phiếu đó kết hợp lại với những chi nhánh khác, nâng tổng lượng cổ phiếu hữu dụng lên tới hơn 20%.
Cấu trúc sở hữu chồng chéo như vậy giới hạn quyền của những nhà đầu tư khác và những cổ đông. Chúng cũng dễ bị tổn thương trong những biến cố bất ngờ như bệnh nặng.
Trong trường hợp ông Lee Kun-hee qua đời, con trai của ông và cũng là người kế nghiệp Jay Y sẽ phải trả một hóa đơn thuế khổng lồ trên những cổ phiếu của cha để có thể duy trì quyền kiểm soát Samsung – lên tới 6 tỷ USD theo Chung Sun-sup – chủ tịch Chaebul.com – một trang theo dõi tài sản của những doanh nhân hàng đầu ở Hàn Quốc.
Chính điều này buộc Jay Y. phải tính đến một vài cách khác để bảo vệ quyền lực của mình. Và đó chính là thời điểm con ngựa được nhắc tới trong phiên xét xử ông xuất hiện.
Các công tố viên nói rằng trong năm 2015, Jay Y. đã tiến hành sáp nhập 2 mảng kinh doanh gồm Samsung C&T Corp – đơn vị điều hành mảng xây dựng và Cheil Industries Corp. – chi nhánh sở hữu nhiều dịch vụ giải trí và công viên chủ đề. Sự kết hợp này rõ ràng sẽ cho gia tộc họ Lee thêm quyền lực để kiểm soát Samsung Electronics. Nhưng công ty nói rằng bước đi này chỉ là để tăng thêm tính cạnh tranh cho các mảng kinh doanh.
Để hoàn tất thương vụ sáp nhập, Samsung cần sự chấp thuận của một số cổ đông lớn khác gồm cả quỹ NPS thuộc sở hữu của nhà nước. Các công tố viên đã buộc tội lãnh đạo cấp cao của Samsung do cảm thấy không chắc chắn về sự ủng hộ của quỹ đầu tư nhà nước này, vì vậy họ đã phải nhờ tới sự trợ giúp của văn phòng Tổng thống khi ấy là bà Park. Trên thực tế các công tố viên cũng đã công khai những tài liệu tài chính kết nối sự liên hệ giữa Samsung và bạn của bà Park cũng như những ghi âm tin nhắn và cuộc gọi giữa lãnh đạo công ty và văn phòng thủ tướng.
Tuy nhiên, mọi quyết định nằm trong tay thẩm phán và "Thái tử" Lee sẽ phải chờ đợi phán quyết cuối cùng vào cuối mùa hè này nhưng đây đã trở thành chủ đề sôi sục ở Hàn Quốc.
Có vẻ như truyền thông địa phương không còn ủng hộ quan điểm "cái gì tốt cho Samsung là tốt cho Hàn Quốc" nữa. Sức ảnh hưởng của công ty không còn giống hồi năm 2008: Một ngày trước khi ông Lee Kun-hee phải xuất đầu lộ diện cho cuộc điều tra vì cáo buộc trốn thuế, chỉ 1 trong 3 tờ báo lớn nhất Hàn Quốc cho chạy tiêu đề tin tức này lên trang nhất. Những tờ khác đã để bài báo này chìm vào những trang sau.
Còn bây giờ mọi chuyện hoàn toàn khác. Jay Y. thường xuyên bị báo chí chụp và đăng tải hình ảnh đi ra vào tòa án với vẻ mặt trống rỗng, tay đeo còng và hàng tá cảnh sát dẫn độ bên cạnh. Sự sỉ nhục này phản ánh mong muốn nghiêm túc của một bộ phận dân chúng Hàn Quốc về việc xoá bỏ quyền lực khủng khiếp của các chaebol. Đó là vấn đề đáng xấu hổ mới nhất của công ty này.
Còn nhớ thời điểm này năm ngoái, mảng viễn thông di động của Samsung Electronic s đã trải qua một năm không thể tuyệt vời hơn: Vượt mặt Apple tại Mỹ trong thị trường điện thoại thông minh và chuẩn bị củng cố thêm vị trí thống trị với việc ra mắt dòng điện thoại dẫn đầu Galaxy Note 7.
Vài ngày sau khi chiếc điện thoại này lên kệ, Thế vận hội Olympic mùa hè đã được khai mạc dưới sự tài trợ chính của Samsung. Các lãnh đạo công ty đã bay tới Rio de Janeiro để thu hút sự chú ý của truyền thông. "Đó quả là một khoảnh khắc tuyệt vời", Lee Yong-hee – Phó chủ tịch marketing toàn cẩu của Samsung nói.
Một vài tuần sau đó, Lee – một trong số ít những lãnh đạo nữ tại Samsung (chỉ là người cùng tên và hoàn toàn không liên quan tới gia tộc Lee) có mặt tại Berlin tham gia một hội nghị về công nghệ. Và đây cũng chính là lúc một số điểm gở bắt đầu lan tràn trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng. Các tờ báo bắt đầu loan tin về những chiếc điện thoại Note 7 bị bốc cháy.
Lee nói rằng cô ấy không tin vào chuyện này. Sau đó nhiều chiếc Note 7 khác lại tiếp tục bốc cháy. Và vẫn còn nữa… Các hãng hàng không trên toàn thế giới còn ra lệnh cấm Note 7 trên các chuyến bay của họ. "Đó là một chuyện thực sự khủng khiếp. Note 7 là niềm tự hào của chúng tôi".
Để xử lý khủng hoảng, các lãnh đạo của Samsung Electronics tại trụ sở công ty nằm ở ngoại ô Seoul đã phải thành lập ngay một một đội đặc nhiệm dưới sự dẫn dắt của Koh – lãnh đạo mảng viễn thông di động của công ty. Trong 4 tháng, họ đã gặp nhau từ 7 giờ sáng mỗi ngày để cùng bàn bạc đưa ra giải pháp. Điều quan trọng nhất là cuối cùng họ đưa ra quyết định thu hồi khẩn cấp Note 7 – hàng triệu chiếc đã bị thu hồi trên toàn cầu và hàng trăm kỹ sư được lệnh tham gia vào cuộc kiểm tra nguyên nhân xảy ra lỗi cháy nổ.
Koh ước tính chi phí cho những nỗ lực xử lý bê bối này lên tới hơn 5 tỷ USD nhưng ông nhớ rằng gia đình họ Lee đã không mảy may bận tâm tới con số đó. Khi Koh gặp Jay Y. trong một buổi họp, anh này chỉ nghiêm túc lắng nghe và cam kết ủng hộ. "Tôi nghĩ anh ấy chắc chắn phải biết chi phí là bao nhiêu nhưng anh ấy không hề đề cập một chút nào tới tiền. Anh ấy chỉ nói rằng: Koh, hãy làm những gì đúng đắn nhất".
Tháng 1, Samsung tổ chức họp báo để thông báo kết quả vụ điều tra. Nguyên nhân cháy nổ Note 7 theo Koh, là do sai sót từ nhà cung cấp pin. Samsung cam kết sẽ kiểm tra điện thoại của họ và các thiết bị cẩn thận trước khi lên kệ. Họp báo kết thúc bằng việc ông Koh cúi gập người xin lỗi tới toàn thể khách hàng và đối tác.
Hiện tại Samsung đang nỗ lực cải thiện danh tiếng của mình. Galaxy S8 đang nhận được những phản hồi tốt và đồng thời ra phiên bản tân trang của Note 7.
Họ cũng mới mở thêm nhà máy sản xuất chất bán dẫn mới ở Pyeongtaek – đây cũng là một trong những dự án cuối cùng mà Jay Y thông qua trước khi ông phải ngồi tù. Samsung cho biết nhà máy này sẽ mất 27 tỷ USD chi phí xây dựng nhưng vẫn ít hơn một nửa so với con số dự trù 63 tỷ USD.
Tiềm lực tài chính không ngừng giúp công ty này mạnh tay chi cho những khoản đầu tư mới. Bản thân họ cũng không hề che giấu tham vọng. Nếu được ghé thăm nhà máy sản xuất chip Hwaseong – khoảng 15 dặm từ Pyeongtaek – bạn sẽ nhìn thấy một chiếc đồng hồ điện tử ghi rõ đã "25 năm, 17 ngày, 11 giờ, 24 phút và 54 giây" kể từ ngày công ty trở thành nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới
Tháng 5 vừa qua, Samsung đã thành lập một mảng kinh doanh độc lập chuyên sản xuất bộ vi xử lý cho các đối thủ cạnh tranh như Qualcomm và Apple - vốn không thể, hoặc không muốn tự xây dựng các nhà máy ví chi phí lớn.
Ngành sản xuất sinh lời này lâu nay vốn bị thống trị bởi Taiwan Semiconductor Manufacturing và hiện Samsung đang tấn công mảng này với tâm thái tự tin rằng họ có thể sản xuất bộ vi xử lý cung cấp cho cả đối thủ cạnh tranh và cho cả chính mình. "Một khi bắt đầu cái gì đó mới, một mảng kinh doanh mới chẳng hạn, chúng tôi luôn đạt được thành công rực rỡ trong khoảng 10 năm", Koh chia sẻ.
Khó khăn lớn nhất với Samsung lúc này có lẽ là mảng phần mềm. Công ty hiện đang ôm mộng cạnh tranh với Amazon và Google trong việc phát triển dịch vụ điện toán đám mây và trợ lý thực tế ảo.
Một vài năm trước Samsung có cho ra mắt hệ điều hành di động Tizen nhưng không thành công và nó hiện chỉ được dùng cho các đồng hồ thông minh và một số ứng dụng. Một vài ứng dụng khác gồm Samsung Health, Samsung Cloud và Milk Music của họ hoàn toàn bị lép vế trước các đối thủ. Chỉ có duy nhất dịch vụ thanh toán trực tuyến Samsung Pay hiện có tiềm năng hứa hẹn thành công hơn khi đã xuất hiện tại 20 quốc gia.
Koh - người đã gắn bó với Samsung trong suốt 33 năm qua hiểu rằng để trở thành người tiên phong trong phát triển phần mềm công ty sẽ cần phải thu hút được những nhân viên thật sự giỏi
Một tháng sau phiên toà vào đúng ngày sinh nhật của Jay Y, ông lại phải quay trở lại căn phòng xử án nóng nực ở Seoul và nội dung phiên toà lần này xoay quanh việc liệu có phải mảng dược phẩm của Samsung đã "đi đêm" với chính phủ để được niêm yết trên sàn chứng khoán hay không. Hiển nhiên, câu trả lời của Samsung là KHÔNG.
Bên ngoài cánh cửa canh gác cẩn mật của toà án, một trận chiến khác đang diễn ra. Một nhóm nhỏ những người biểu tình mà dẫn đầu là một phụ nữ ngồi xe lăn đang chờ phía ngoài. Cô này tự xưng là Han Hye-kyung, một cựu công nhân Samsung hồi năm 30 tuổi nhưng giờ đang bị u não. Trên tay cô cầm tấm biển "Hãy trừng phạt Jay Y. Lee" và chiếc áo thì ghi dòng chữ "Không thể để xảy ra thêm bất kỳ cái chết nào tại Samsung" ám chỉ việc ô nhiễm trong nhà máy gây ra những căn bệnh chêt người cho công nhân đặc biệt là ung thư. Sau nhiều năm tranh cãi, gia tộc họ Lee cuối cùng đã tạo ra một quỹ bồi thường trị giá gần 90 triệu USD, nhưng nhiều người từ chối chấp thuận các điều khoản.
Khi "thái tử" Lee cùng những bi cáo khác bị dẫn vào toà án, nhiều người biểu tình xung quanh đã quẳng cho họ những lời lẽ mắng chửi thậm tệ.
Nhưng Lee vẫn có những người ủng hộ riêng - nhóm những người cho rằng: "Jay Y. Lee chẳng làm gì sai cả. Anh ta chỉ đang cố làm đất nước của chúng ta tuyệt vời hơn bằng cách biến Samsung trở nên vĩ đại hơn mà thôi"; "Samsung đã nuôi sống rất nhiều thế hệ của đất nước này. Hàn Quốc nổi tiếng là nhờ họ. Những người biểu tình phản đối thật không biết hổ thẹn".
Khi tất cả được dẫn độ vào trong phòng xử án, những tiếng ồn ào tranh cãi phía sau tạm ngừng lại. Không gian yên lặng. Phóng viên tờ Bloomberg bước tới hỏi Han vì sao cô đổ lỗi cho Jay Y chứ không phải cha anh ta là Lee Kun-hee. Cô đã trả lời rằng nếu người con trai đó được thừa kế tài sản thì anh ta cũng phải chịu trách nhiệm về những lỗi lầm mà cha mình đã gây ra.
Gần đó, tiếng một vài người đứng về phe ủng hộ Samsung hô vang: "Hãy thả Jay Y. Lee".
Bloomberg