Một loại cây ở Việt Nam mệnh danh là 'nhân sâm của người nghèo', Trung Quốc sẵn sàng trả giá hàng chục triệu đồng để thu mua
Cây đinh lăng (còn gọi là cây gỏi cá, cây nam dương sâm thuộc họ ngũ gia bì) vốn là một loại cây cảnh phổ biến trong các gia đình ở Việt Nam, nổi danh là "nhân sâm của người nghèo" nhờ vào công dụng chữa bệnh với chi phí rẻ.
Nhân sâm của người nghèo
Cây đinh lăng (còn gọi là cây gỏi cá, cây nam dương sâm thuộc họ ngũ gia bì) vốn là một loại cây cảnh phổ biến trong các gia đình ở Việt Nam, nổi danh là "nhân sâm của người nghèo" nhờ vào công dụng chữa bệnh với chi phí rẻ.
Tại Việt Nam, loại cây này thường phân bổ chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc. Lá cây đinh lăng dài khoảng 20-40cm, mọc cách, có mép răng cưa không đều. Màu xanh ở mặt trên lá đậm hơn mặt dưới.
Theo chuyên san Hindawi, từ lâu, cây đinh lăng đã được sử dụng như một cây thuốc có tiềm năng chữa bệnh rất lớn trên thế giới.
Đinh lăng có một số tác dụng dược lý như tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, cải thiện khả năng sinh sản của nam giới, chống mệt mỏi, bồi bổ, tăng cường ăn ngon, ngủ ngon, tăng khả năng lao động, tăng cân, giải độc.
Đinh lăng có thể thay thế cho loại cây thuốc đắt tiền hơn trong việc chữa trị nhiều bệnh. Tại nhiều nước Châu Á, lá đinh lăng chữa bệnh trĩ là một trong những bài thuốc thường được sử dụng.
Chẳng hạn, người dân ở Malaysia sẽ sắc nhuyễn lá thành bột và tạo thành khối, sau đó xoa bóp quanh vùng bụng trước khi ngủ. Đây chính là phương pháp dân gian được truyền lại tại đất nước này.
Các chế phẩm từ đinh lăng được dùng cho vận động viên trong thi đấu, bộ đội hành quân kéo dài, được Liên Xô sử dụng trong chương trình du hành vũ trụ và các nghiên cứu của Liên Xô gọi nó là "Thuốc sinh thích nghi".
Trong y học dân gian Việt Nam, lá đinh lăng được dùng để hỗ trợ điều trị các bệnh thoái hóa thần kinh như Parkinson, Alzheimer nhờ cải thiện các triệu chứng run tay chân, mất thăng bằng, mất ngủ, suy giảm trí nhớ, căng thẳng, suy nhược thần kinh.
Các nghiên cứu dược lý chỉ ra rằng đinh lăng có tác dụng rộng rãi khác như chống trầm cảm, chống căng thẳng, cải thiện trí nhớ, chống oxy hóa, hạ đường huyết, bảo vệ gan, hạ lipid trong máu, kháng nấm và kháng khuẩn.
Đinh lăng có chứa saponin, alkaloid, glycoside, polyphenol, flavonoid, tanin, vitamin (C, B1, B2 và B6) và axit amin. Trong đó, flavonoid và polyphenol là những hợp chất chuyển hóa thứ cấp rất điển hình có tác dụng chống oxy hóa trong thực vật.
Trung Quốc săn lùng đinh lăng
Trong các năm 2015 và 2011, theo phản ánh của các cơ quan báo chí trong nước, cây đinh lăng, đặc biệt là các cây có tuổi đời cao và kích thước lớn, từng được các thương lái săn tìm ở tỉnh Kon Tum và tỉnh Phú Yên để bán cho những người giàu có hoặc xuất sang Trung Quốc.
Trước đó, đinh lăng chỉ được một số người chơi cây cảnh săn lùng. Một cây đinh lăng 5-7 năm tuổi thường có giá khoảng vài chục nghìn đồng/cây. Đôi lúc giá có tăng nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức vài trăm nghìn đồng/cây.
Khi các thương lái lùng mua, giá đinh lăng bỗng được đẩy lên rất cao. Một gốc đinh lăng có tuổi đời 10 năm được thu gom với giá 3-4 triệu đồng, những gốc trên 10 năm có khi giá lên tới hàng chục triệu đồng. Người mua thậm chí phải đặt tiền cọc trước và chờ đợi hàng tháng trời mới có thể sở hữu được những gốc đinh lăng tốt.
Giới săn lùng khao nhau rằng, cây đinh lăng càng già thì càng tốt, càng lâu năm thì các hoạt chất trong cây càng nhiều. Củ và thân đinh lăng già, có tuổi thọ hàng chục năm, được cho là có giá trị ngang ngửa nhân sâm.
Tại Trung Quốc cũng có đinh lăng, còn được biết tới là đinh lăng cao sản. Tuy nhiên, loại này không có mùi thơm và chất lượng tốt như đinh lăng lá nhỏ của Việt Nam. Trong Đông y, chỉ có loại đinh lăng lá nhỏ được sử dụng làm thuốc và có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh, còn loại đinh lăng cao sản lá to thì giá trị dược liệu chưa được kiểm chứng.
Báo Tiền Phong dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Duy Thuần (hiện là cố vấn Khoa học của Viện Nghiên cứu Y Dược cổ truyền Tuệ Tĩnh) nhận định, đinh lăng là loại dược liệu quý, có thể Trung Quốc "mua về để bào chế sang dạng hoạt chất và bán lại cho chúng ta làm thuốc".
Trong khi đó, bác sĩ Phạm Việt Hoàng – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho hay, không chỉ riêng đinh lăng, từ trước tới nay, Trung Quốc vẫn muốn thu mua các cây dược liệu của Việt Nam. Theo bác sĩ Hoàng, có thể do ở nước ta vẫn chưa tìm ra công dụng đặc hiệu của các loại cây này nên chưa khai thác tối đa được chúng.