Một gia đình 4 người tử vong, thủ phạm là thứ "không mùi không vị": Bất cứ ai cũng phải lưu tâm!

12/11/2024 20:00 PM | Sức khỏe

Sự việc đau lòng này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về ý thức an toàn trong sinh hoạt, đặc biệt là trong mùa đông.

Không khí đau thương bao phủ một khu vực dân cư tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc khi mới đây một vụ việc thương tâm xảy ra vì lý do đáng lẽ tránh được. 

Cụ thể, vào khoảng 8 giờ sáng ngày 9/11 một vụ ngộ độc khí CO đã được ghi nhận khiến 4 người tử vong và 1 người đang trong tình trạng nguy kịch. Nạn nhân gồm có 3 người lớn và hai trẻ nhỏ. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do gia đình đốt than sưởi ấm trong phòng kín, không đảm bảo sự lưu thông không khí.

Sự việc đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc và nhận được sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng. Nhiều người bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi đột ngột của các nạn nhân. 

"Người già có thể không hiểu biết nhưng người trẻ thì nên biết chứ. Đốt than, củi đều phải thông gió", một cư dân mạng chia sẻ. Một số khác thì không khỏi xót xa: "Thật tội nghiệp cho gia đình này! Trời lạnh sưởi ấm cũng phải hết sức cẩn thận". 

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng chính quyền địa phương cần phải chịu trách nhiệm trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn cho người dân. "Những vụ việc như thế này xảy ra hằng năm, cứ như tai nạn đuối nước mùa hè vậy. Năm nào cũng nhắc nhở nhưng năm nào cũng có người gặp nạn", một người khác bình luận.

Vụ tai nạn thương tâm này là một lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người về việc nâng cao ý thức an toàn, không được chủ quan, lơ là trong cuộc sống hằng ngày. Dù là trong công việc hay sinh hoạt, việc trang bị kiến thức an toàn cơ bản và phòng ngừa rủi ro là vô cùng cần thiết. 

Một gia đình 4 người tử vong, thủ phạm là thứ "không mùi không vị": Bất cứ ai cũng phải lưu tâm!- Ảnh 1.

Hình minh họa. Ảnh: Sina

Biểu hiện khi bị ngộ độc khí CO 

Khởi đầu chỉ là các triệu chứng tản mạn và không đặc hiệu.

Nếu ngộ độc nhẹ thường chỉ thấy đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, nôn, mệt mỏi, là người bệnh dễ nhầm là bị nhiễm virus. Ở một số người thấy da bị đỏ nhưng đây là triệu chứng không đặc hiệu.

Ở mức độ ngộ độc vừa: Nạn nhân thấy đau ngực, khó tập trung, nhìn mờ, khó thở khi gắng sức nhẹ, mạch nhanh, thở nhanh, hoại tử cơ, thất điều.

Khi bị ngộ độc nặng thấy đau ngực, hồi hộp, mất định hướng, co giật, hôn mê, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, thiếu máu cơ tim, bỏng da, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ. Bệnh nhân có thể bị ngất, tím ở môi và các đầu ngón tay, ngón chân; co cứng tay chân hoặc có những động tác bất thường. Nạn nhân thấy khó thở, thở trào bọt hồng. Tay chân sưng đau, nước tiểu sẫm màu, đỏ và ít dần.

Phát hiện người bị ngộ độc khí CO, xử lý như thế nào?

Trong cuộc sống hàng ngày, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ngạt khí CO. Đây là loại khí không màu, không mùi, không vị; không nhìn, ngửi hay cảm nhận được nhưng khả năng gây tử vong rất cao. 

Một gia đình 4 người tử vong, thủ phạm là thứ "không mùi không vị": Bất cứ ai cũng phải lưu tâm!- Ảnh 2.

Hình minh họa. Ảnh: Medlatec

Phần lớn người bị ngộ độc khí CO thường ở trong phòng đóng kín cửa nhưng có động cơ đang nổ như: xe máy, máy phát điện hoặc bếp than, củi,... mà bệnh nhân bất tỉnh hoặc tử vong thì nghĩ ngay đến ngộ độc khí. Khí CO hấp thu nhanh vào cơ thể gây ngộ độc, trường hợp nhẹ thì gây buồn nôn, đau đầu, dễ nhầm là cảm cúm hay ngộ độc thức ăn; nặng có thể khiến bất tỉnh và tử vong. 

Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Đức Lượng - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã đưa ra những gợi ý để cấp cứu trong trường hợp có người ngộ độc khí CO, thông tin được đăng trên trang web Vinmec, cụ thể như sau.

Cần nhanh chóng mở các cửa, khẩn trương đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nhiễm độc và nhanh chóng đưa đến cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất để được xử lý và điều trị kịp thời vì khi ngộ độc mức độ CO trên 60% thì tỷ lệ hôn mê và tử vong cao.

Bản thân người đến cấp cứu nạn nhân cũng phải chú ý đảm bảo an toàn cho mình, đồng thời nhanh chóng gọi người khác hỗ trợ, gọi cấp cứu y tế như gọi 115. Nếu bệnh nhân thở yếu hoặc ngừng thở, phải tiến hành ngay việc thổi ngạt bằng hô hấp nhân tạo miệng - miệng hay miệng - mũi.

Nếu nạn nhân không còn tỉnh thì đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở tư thế an toàn rồi vừa hà hơi thổi ngạt, vừa nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí đúng cách và kịp thời.


Theo Minh Anh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
XEM