Một Elon Musk và Tesla rất không... bình thường
Câu chuyện bắt đầu với một nhà báo tài chính giấu tên, tạm gọi là Montana Skeptic.
Montana Skeptic là một nhà báo tài chính, dùng bút danh để ẩn giấu danh tính thật của mình. Người này rõ ràng không phải là một fan của Tesla, và những bài đăng mà người này viết đã chọc giận Elon Musk tới mức nhà sáng lập của Tesla đã tìm ra được danh tính của cây bút này và liên lạc với sếp của người này. Do đó, Montana Skeptic đã phải dỡ bỏ tài khoản Twitter của mình và tuyên bố rằng anh sẽ không viết về Tesla nữa.
Đây là ví dụ điển hình về một tỷ phú giàu có đang phô trương quyền lực của mình, một hiện tượng mà ngày càng phổ biến ngày nay. Nó khiến chúng ta phải đặt ra dấu chấm hỏi. Tại sao Musk lại muốn nhắm vào nhà phê bình Tesla này? Có rất nhiều nhà báo, những người mà đăng tải tên thật của họ lên mạng. Tuy nhiên khi liên lạc với Tesla để xin bình luận về vụ việc này, câu trả lời của họ thậm chí còn lạ lùng hơn. Một câu trả lời từ một công ty đại chúng thường sẽ lầ: A) từ chối bình luận hoặc B) xác nhận sự việc bằng một cách nào đó nhưng sẽ cố giảm nhẹ điều mà đã xảy ra.
Tesla lại làm một điều khác hẳn. Thay vào đó, họ chỉ đích danh tên của cây bút giấu tên kia. Họ cũng đã chỉ điểm người sếp của Montana Skeptic, cung cấp số điện thoại, và yêu cầu liên lạc với người sếp đó. Hay nói ngắn gọn, một công ty 50 tỷ USD muốn quấy rối một người mà dám cả gan phê bình họ. Chỉ thị này đến từ phòng PR của Tesla.
Quả là đáng buồn cho Montana Skeptic. Anh này không hề "troll" hay quấy rối ai cả. Anh chỉ đơn giản là viết một bài phân tích về lí do vì sao cổ phiếu của Tesla không giá trị như nhiều người vẫn tưởng. Có vô vàn blog và các nhà văn khác đã viết với bút danh để ẩn tên thật, và chúng ta vẫn đọc và chia sẻ những bài viết đó mà không tìm cách lật tẩy danh tính của tác giả. Vì thế, có vẻ hợp tình hợp lý nếu như Montana Skeptic muốn được ẩn danh, chúng ta nên để cho anh ta làm điều đó.
Tuy nhiên, Musk lại đi theo hướng ngược lại, tìm mọi cách để moi được tên thật và nơi làm việc của anh này. Và sau đó đội của anh này đã đi thêm bước nữa bằng cách cung cấp thông tin này cho báo chí. Mặc dù công ty có thể lấy lí do rằng những người tò mò có thể lên mạng và tìm được danh tính của Skeptic, điều này không có nghĩa là câu trả lời chính thức của công ty là chấp nhận được. Hơn nữa, Tesla đã công khai danh tính của anh này cho báo chí kể cả khi anh ấy đã đầu hàng và nói rằng anh sẽ dừng viết về công ty, khiến cho toàn bộ sự việc này trở nên xấu xí hơn nữa.
Trong nhiều tháng qua, Musk cũng đã vướng vào vô số lùm xùm trên Twitter. Câu chuyện thường diễn ra như sau: Một người nào đó, thường là một người vô danh, tra hỏi những hành động của ông, và Musk sẽ "nổi đoá." Khi mọi người đặt câu hỏi về chiếc tàu ngầm mini của Elon Musk trong vụ giải cứu đội bóng Thái Lan, Musk đã gọi đội trưởng đội cứu hộ là một kẻ "ấu dâm." Và khi giới truyền thông đặt câu hỏi về chiến thuật kinh doanh của Elon Musk, ông đã lăng mà người này. Trong năm vừa qua, Musk đã chứng tỏ mình là một mớ hỗn độn với một cái đầu quá nóng.
Nhưng không chỉ có mình ông. Cả công ty cũng nghe theo ông răm rắp. Trong vụ việc mới đây nhất với nhà báo ẩn danh, một nhóm quan hệ công chúng cho rằng việc truy đuổi theo một cây bút chuyên viết phân tích tài chính là một điều khôn ngoan. Tesla cũng sử dụng một chiến thuật tương tự khi nhóm báo chí của công ty miêu tả một bài báo từ tờ báo phi lợi nhuận Reveal là một "cuộc tấn công mang tính ý thức bởi một tổ chức cực đoan."
Tất cả những động thái này của Tesla đều mang tính cực đoan. Họ luôn cảm thấy có nhu cầu cần thiết để được nói những lời cuối cùng và to mồm nhất.
Có vẻ như có điều gì đó không bình thường ở đây. Những hành vi sai trái dường như đang trở thành chuẩn mực ở mọi nơi mà ta nhìn vào, từ chính trị cho đến trong gia đình. Và giờ đây, nó xuất hiện cả ở trong kinh doanh. Điều này đem đến những câu hỏi về sự giá trị của một công ty. Có một nhà lãnh đạo thất thường là một chuyện, nhưng việc cả công ty lấy hành động thất thường của nhà lãnh đạo đó làm chiến lược của công ty lại là cả một chuyện khác hẳn.
Các tổ chức cứ như đang đi theo một cuộc diễu hành vậy. Nó bắt đầu từ những người đứng đầu, sau đó nó cứ theo dần xuống theo thứ bậc. Trong trường hợp của Tesla, hi vọng là sẽ có ai đó trong đội báo chí dừng lại và nói: "Này, liệu cái chúng ta làm có thực sự ổn không? Có lẽ đây không phải là ý hay đâu." Song chả có ai làm vậy cả, mà họ cứ thế mà diễu hành và làm đến cùng.
Nói cho cùng, mặc dù những sự phản ứng kiểu như Tesla đã làm ngày càng trở nên phổ biến, đó không phải là một hành động bình thường. Và chúng ta cùng không nên bình thường hóa nó.