Một doanh nghiệp có sản phẩm chiếm thị phần gấp 15 lần Vinamilk hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, dịch tả lợn châu Phi, biên lợi nhuận đạt hơn 40%
CTCP đường Quảng Ngãi gần như chiếm trọn thị phần sữa đậu nành hộp giấy với 84,6%, theo sau là Vinamilk với 5,4%, NutiFood với 4,9%, còn lại là các sản phẩm trong nước và quốc tế khác.
Báo cáo phân tích mới đây của CTCP Chứng khoán FPT nhận định năm 2018, nhu cầu tiêu thụ sữa đậu nành tại Việt Nam đạt khoảng 864 triệu lít (tăng 5% so với năm 2017). Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng tiêu thụ sữa đậu nành trong nước tăng 4,3% (theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Nielsen). Chính điều này góp phần giúp CTCP đường Quảng Ngãi (QNS) đạt 13,2% tăng trưởng doanh thu trong nửa năm.
Tuy nhiên, trong hơn 864 triệu lít sữa đậu nành tại Việt Nam, sữa đậu nành hộp giấy (sữa đậu nành tiệt trùng, uống liền, hạn sử dụng trong 06 tháng) chỉ chiếm khoảng 35%. Còn lại là sữa truyền thống (sữa đậu nành được chế biến tại nhà và tiêu thụ tại các chợ truyền thống, hạn sử dụng trong ngày). FPTS cũng cho biết năm 2018 QNS gần như chiếm trọn thị phần với 84,6%, theo sau là Vinamilk với 5,4%, NutiFood với 4,9%, còn lại là các sản phẩm trong nước và quốc tế khác.
Cũng trong năm này, thương hiệu Fami của QNS đứng vị trí thứ 07 trong bảng xếp hạng thương hiệu đồ uống của Kantar Worldpanel tại khu vực nông thôn.
CTCP Đường Quảng Ngãi tiền thân là Công ty Đường Quảng Ngãi thuộc Bộ NN&PTNT, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm và đồ uống, được thành lập từ những năm 70 của thế kỷ 20. Năm 2005, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, trở thành CTCP Đường Quảng Ngãi. Tháng 12/2016, cổ phiếu QNS của Công ty được giao dịch tại sàn GDCK UPCOM.
Qua quá trình phát triển, hiện nay QNS đã trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm lớn, dẫn đầu lĩnh vực sản xuất sữa đậu nành và đứng thứ hai về sản xuất đường. Hiện công ty này có 3 mảng kinh doanh chính gồm:
Mảng sữa đậu nành Vinasoy: QNS sở hữu 03 nhà máy sữa (NMS) tại Bắc Ninh, Quảng Ngãi và Bình Dương với tổng công suất thiết kế đạt 395 triệu lít sữa/năm. Đặc biệt, Vinasoy sở hữu Trung tâm nghiên cứu ứng dụng đậu nành với hơn 1.500 nguồn giống đậu nành phù hợp với thổ nhưỡng tại Việt Nam, đem lại năng suất cao.
Mảng đường – điện: QNS sở hữu 02 nhà máy đường (NMĐ) An Khê (Gia Lai) và Phổ Phong (Quảng Ngãi). NMĐ An Khê là NMĐ có công suất ép mía lớn nhất cả nước với công suất đạt 18.000 tấn mía/ngày (TMN). Tổng công suất ép mía từ 02 NMĐ của QNS đạt 20.200 TMN, cung cấp khoảng 200.000 tấn đường/năm (13% sản lượng đường cả nước, đứng thứ 2 toàn quốc). Trong năm 2018, QNS đã hoàn thành xây dựng nhà máy điện sinh khối An Khê sử dụng năng lượng đốt từ bã mía, với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, công suất thiết kế là 95MW điện (~27% năng lực sản xuất điện từ bã mía tại Việt Nam).
Các mảng kinh doanh khác:
Nhà máy bánh kẹo BISCAFUN: công suất 11.400 tấn bánh kẹo/năm.
Nhà máy nước khoáng Thạch Bích: công suất 150 triệu lít/năm.
Nhà máy bia Dung Quất: công suất 100 triệu lít/năm.
Năm 2018, vùng nguyên liệu đậu nành trong nước của QNS đạt khoảng 5.000 ha ( chiếm khoảng 4,8% diện tích đậu nành cả nước), cung cấp khoảng 8.000 tấn đậu nành tuy nhiên chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Do đó, QNS bổ sung nguồn đậu nành sản xuất bằng nguyên liệu nhập khẩu từ Canada. Chi phí đậu nành nguyên liệu chiếm khoảng 33% chi phí sản xuất sữa đậu nành của QNS.
FPTS cho biết giai đoạn 2012 – 2018, QNS hưởng lợi từ diễn biến giảm giá đậu nành nguyên liệu, tỷ suất lợi nhuận gộp ở mức trung bình ở mức 40%. Năm 2018, tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty này tăng lên mức 43,6%, cao nhất trong 7 năm trở lại đây, khi giá đậu nành thế giới giảm hơn 13% từ 439 USD/tấn (tháng 4/2018) còn 381 USD/tấn (tháng 12/2018).
Giá đậu nành thế giới giảm mạnh xuất phát từ diễn biến khó lường từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc (hai quốc gia có ảnh hưởng lớn đến thị trường đậu nành thế giới. Mỹ là nước sản xuất số 1 về đậu nành trong khi Trung Quốc lại là nước nhập khẩu và tiêu thụ số 1 năm 2018. Trung Quốc cũng là đối tác nhập khẩu đậu nành lớn nhất của Mỹ trong niên vụ 2017/18.
Nguyên nhân thứ 2 là dịch tả lợn Châu Phi bùng phát tại Châu Á khiến nhu cầu thức ăn chăn nuôi với thành phần là đậu nành giảm mạnh.
Theo chia sẻ của QNS, bên cạnh nguyên liệu đậu nành thu mua từ các hộ nông dân, công ty này đã đầu tư hơn 200 ha đậu nành ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, có năng suất cao từ 2,8 - 3 tấn/ha (cao hơn khoảng 75% so với năng suất đậu nành trung bình tại Việt Nam). Trong năm 2019/20, QNS định hướng phát triển vùng nguyên liệu đầu tư lên 500 ha ( tăng 150%) và tiếp tục đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tự chủ.