Công ty Trung Quốc sở hữu ứng dụng Tik Tok vừa 'vượt mặt' Uber trở thành startup giá trị nhất thế giới
Nhà phát triển ứng dụng "hát nhép" Tik Tok gây sốt trên toàn thế giới đang được định giá 75 tỷ USD, tức là vượt cả ứng dụng gọi xe Uber.
ByteDance là một trong những công ty internet hàng đầu Trung Quốc sở hữu các ứng dụng trực tuyến phổ biến như Jinri Toutiao và Tik Tok được thành lập bởi Zhang Yiming. Sau 6 năm, ByteDance đã trở thành startup kỳ lân (công ty khởi nghiệp được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) đắt giá nhất thế giới và chính thức vượt mặt ứng dụng gọi xe Uber.
ByteDance được định giá 75 tỷ USD so với giá trị 72 tỷ USD của "cựu vương" Uber. Đầu tháng này, họ đã gọi vốn thành công 3 tỷ USD từ nhà đầu tư công nghệ Nhật Bản SoftBank thông qua quỹ Vision Fund và một số nhà đầu tư khác.
Một điểm đáng chú ý khác là công ty mẹ của Tik Tok đã phát triển mà không cần đến tiền đầu tư từ tập đoàn Alibaba và Tencent – hai gã khổng lồ đầu tư cho hầu hết các startup kỳ lân tại Trung Quốc.
Theo nghiên cứu, Trung Quốc có tổng cộng 83 trong số 287 startup kỳ lân trên toàn thế giới, chiếm 30% tổng số tính đến đầu tháng 11. Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ với 135 startup.
Lượng người dùng ngoài Trung Quốc của Tik Tok đạt con số 100 triệu người.
ByteDance trở thành startup kỳ lân từ tháng 4/2017 khi được định giá 11 tỷ USD, bằng gần 1/7 so với mức định giá hiện tại. Hiện Tik Tok đang là ứng dụng đóng vai trò chủ chốt trong sự phát triển bùng nổ của ByteDance. Ứng dụng này cho phép người dùng quay những đoạn video ngắn 15 giây trên nền nhạc thường xuyên được cập nhật và chia sẻ chúng.
Trong nửa đầu năm 2018, Tik Tok đã trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên iPhone và nhanh chóng phát triển thành nền tảng có hơn 500 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn thế giới tính đến cuối tháng 10. Thanh thiếu niên trong độ tuổi 20 là những người ưa chuộng Tik Tok nhất do sự vui nhộn và mới lạ mà ứng dụng này mang lại.
Dù người dùng Trung Quốc chiếm 4/5 tổng số nhưng 100 triệu người dùng còn lại đến từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác cũng là một con số không hề nhỏ.
Một cô gái 27 tuổi đến từ Nhật Bản chia sẻ: "Tôi thường xuyên theo dõi những video trên Tik Tok. Chúng phù hợp với thị hiếu của tôi. Ngoài ra, tôi có thể quay video hát nhép và chia sẻ một cách dễ dàng".
Lợi thế lớn nhất của Tik Tok so với YouTube là được thiết kế đặc biệt để sử dụng trên điện thoại thông minh, cho phép người dùng chuyển từ video này sang video khác bằng cách vuốt nhẹ màn hình cảm ứng.
Bên cạnh đó, ứng dụng cũng sử dụng trí thông minh nhân tạo và phân tích dữ liệu để tìm hiểu thị hiếu của người dùng, từ đó cung cấp cho họ luồng video được cập nhật liên tục. Ví dụ khi người dùng thích video về một chú chó, họ sẽ thấy những video về chó mèo hay động vật khác hiển thị nhiều hơn.
Công nghệ này được phát triển bởi một đội ngũ kỹ sư phần mềm giỏi của công ty. Trung tâm của ByteDance ở Bắc Kinh giống như một nhà chứa máy bay cỡ lớn, nơi làm việc của rất nhiều kỹ sư AI (trí thông minh nhân tạo). Một giám đốc điều hành cho biết nhóm các nhà khoa học dữ liệu của họ gồm nhiều chuyên gia thông thạo phương pháp học sâu và phân tích dữ liệu đến từ khắp nơi trên thế giới.
Được biết doanh thu của Tik Tok đến chủ yếu từ quảng cáo và hiện đang có rất nhiều doanh nghiệp mong muốn quảng cáo trên nền tảng này.
Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của ByteDance, ông Zhang Yiming cho biết: "Sự hấp dẫn vượt ngoài biên giới Trung Quốc của Tik Tok là một trong những lý do khiến ứng dụng này ngày càng trở nên phổ biến. Chúng tôi không sao chép mô hình kinh doanh của nước ngoài để áp dụng vào Trung Quốc mà chúng tôi đang tự phát triển để mở rộng kinh doanh trên quy mô toàn cầu".