Một câu nói của con trai nhỏ khiến tôi - người mẹ 40 tuổi phải bừng tỉnh: Đời này, sống cho chính mình là quan trọng nhất!

21/07/2024 14:00 PM | Sống

Mỗi một cá nhân đều là trung tâm của vũ trụ, mong bạn có thể bảo vệ được thế giới của mình, trở thành trung tâm trong chính vũ trụ của bản thân.

Cách đây vài ngày, con trai có nói một câu khiến khoảnh khắc đó, tôi bỗng như được bừng tỉnh.

Ngày hôm đó, chúng tôi cùng nhau cắm hoa, mỗi người một bình hoa, thấy bình con trai cắm quá dày, tôi liền vừa nói con vừa đưa tay rút ra một vài cành hoa từ trong bình của con. Đúng lúc này, con trai bỗng nhiên nói, "Nhưng đây là bình hoa mà con cắm, con thích như vậy, mẹ không được làm như vậy, con cảm thấy không vui về hành động vừa rồi của mẹ." Thằng bé nói ra câu nói đó với một thái độ vô cùng bình tĩnh. Vì sao chỉ một câu nói vô cùng đơn giản đó lại chạm tới tôi nhiều tới như vậy?

Bởi lẽ trong cuộc sống hàng ngày, điều mà những người lớn chúng ta nhìn thấy thường là những góc nhìn khác.

Một câu nói của con trai nhỏ khiến tôi - người mẹ 40 tuổi phải bừng tỉnh: Đời này, sống cho chính mình là quan trọng nhất! - Ảnh 1.

Chẳng hạn như biên tập của công ty tôi, trong một cuộc họp, nếu bị hỏi vì sao số liệu này lại không tốt, tại sao phần biên tập này lại làm không tới nơi, cô ấy sẽ ngập ngừng, khuôn mặt đỏ bừng, cô ấy sẽ cảm thấy nếu mình trả lời không tốt, liệu có ảnh hưởng tới cách người khác nhìn nhận về mình hay không, dù bản thân cô ấy có ý tưởng hay rất hiểu nội dung, cũng rất thuần thục công việc.

Chẳng hạn như đối tác chịu trách nhiệm các công việc văn phòng của tôi, cô ấy muốn thử một bước đột phá trong sự nghiệp, nhưng trong đầu cô ấy luôn có một giọng nói, "Mày có làm được không? Nếu không thành công, có phải sẽ rất mất mặt hay không?" Dù cô ấy hoàn toàn dựa vào nỗ lực của bản thân từng bước từng bước tới được vị trí hiện tại.

Hay chẳng hạn như chính bản thân tôi. Mỗi khi cảm thấy vô cùng tức giận, tôi sẽ cảm thấy xấu hổ vì những lúc như vậy của bản thân, cảm thấy liệu như vậy trong mắt người khác tôi có phải là người không có cảm xúc ổn định hay biết kiểm soát cảm xúc của mình hay không.

Một câu nói của con trai nhỏ khiến tôi - người mẹ 40 tuổi phải bừng tỉnh: Đời này, sống cho chính mình là quan trọng nhất! - Ảnh 2.

Chúng ta luôn nghĩ mình là người theo đuổi ánh sáng, theo đuổi cuộc sống mà mình mong muốn, nhưng bạn có phát hiện ra không, rất nhiều khi, thứ mà chúng ta theo đuổi, thực ra lại là ánh nhìn trong con mắt của người khác.

Vì sao?

Nó có thể xuất phát từ hình thức giáo dục mà chúng ta tiếp xúc từ nhỏ, một hình thức giáo dục mang "thức phủ định", "thức xem nhẹ", "thức hi sinh", chúng ta phải biết để ý tới cảm xúc của người khác, suy nghĩ của người khác, phải làm hài lòng nhu cầu của người khác. Dưới ảnh hưởng đó, chúng ta dần dần hình thành nên một cái gọi là "tư duy khách thể", có nghĩa là chúng ta luôn đứng từ góc nhìn của bên thứ ba khi nhìn nhận vấn đề.

"Tư duy khách thể", ở một mức độ nhất định, có thể giúp chúng ta biết cảm thông, giúp chúng ta dễ dàng hợp tác với người khác, nhưng "tư duy khách thể" khi quá mức sẽ khiến bạn vô thức xem nhẹ cảm nhận và nhu cầu của bản thân, luôn đứng từ góc độ của bên thứ ba mà thờ ơ, phê phán bản thân, luôn cảm thấy chỉ khi có được sự công nhận của người khác, chúng ta mới có giá trị.

Một khi cảm thấy bản thân không đạt được tới tiêu chuẩn mà người khác đặt ra, chúng ta sẽ lập tức cảm thấy lo âu, bồn chồn, thậm chí khiến chúng âm thầm phát triển thành các căn bệnh tâm lý.

Tuy nhiên, có một điều chúng ta cần thừa nhận đó là sự bàn tán và đánh giá vốn là bản tính của con người, bất kể bạn có làm ra sao, sẽ luôn có người đánh giá bạn, quá xem trọng ánh nhìn của người khác, luôn hành động theo ý của người khác, vậy thì tới cuối cùng, bạn sẽ phát hiện ra rằng, "ý thức chủ thể" của bạn sẽ bị mài mòn không có giới hạn. Trông thì có vẻ như là cuộc đời của bạn, nhưng thực ra bạn vĩnh viễn đang sống cuộc sống mà người khác mong muốn.

Một câu nói của con trai nhỏ khiến tôi - người mẹ 40 tuổi phải bừng tỉnh: Đời này, sống cho chính mình là quan trọng nhất! - Ảnh 3.

Khi nghe thấy con trai nói như vậy, tôi cảm thấy được an ủi.

Tới ngày hôm sau khi nghĩ lại chuyện này, tôi vẫn cảm thấy rất vui, tôi nói với con, "Con trai, con giỏi quá, con đang biểu đạt cảm xúc và nhu cầu của mình rất rõ ràng", nhưng tôi không ngờ rằng thằng bé nói: "Là mẹ dạy con, bởi lẽ rất nhiều người khi muốn thể hiện sự tức giận đều sẽ sợ mình bị mắng hoặc bị chê cười nên họ không dám nói, nhưng mẹ thì không như vậy, mẹ sẽ lắng nghe và sau đó cùng con nói về vấn đề này."

Khoảnh khắc đó tôi rất ngưỡng mộ thằng bé. Nó khiến tôi có một suy nghĩ, người lớn chúng ta, nếu không thể giống như trẻ con bây giờ, có một môi trường phát triển mang tính khoa học và bao dung hơn, vậy thì tại sao chúng ta không thử một lần tự nuôi dưỡng lại bản thân, không còn nỗ lực đi diễn cái khách thể trong mắt người khác, mà xuất phát từ bản thân, tạo nên một chuẩn tắc hành động và hệ thống đánh giá của riêng mình.

Từ "bị quan sát", "bị lựa chọn", "bị đánh giá", chuyển hóa thành "tôi quan sát", "tôi lựa chọn", "tôi quyết định".

Không phải "Tôi mặc chiếc váy này có đẹp hay không" mà là "chiếc váy này không hợp tôi".

Không phải "tôi có đạt được tới tiêu chuẩn của bạn không", mà là "tôi có thực hiện được mục tiêu của mình hay không".

Không phải "họ nói tôi lựa chọn như này không chính xác", mà là "Tôi quyết định làm như vậy và tôi sẽ chịu trách nhiệm về lựa chọn này của mình."

Thay vì suy nghĩ người khác nhìn nhận bản thân ra sao, chi bằng dành thời gian đi suy nghĩ xem nhu cầu của bản thân là gì và tôi có thể làm được những gì để thỏa mãn những nhu cầu này.

Bạn cần biết rằng không phải thành công đã rồi mới làm hài lòng bản thân, mà phải làm hài lòng chính bản thân mình đã, khi đó bạn sẽ thành công.

Mỗi một cá nhân đều là trung tâm của vũ trụ, mong bạn có thể bảo vệ được thế giới của mình, trở thành trung tâm trong chính vũ trụ của bản thân.

Diệu Đan

Cùng chuyên mục
XEM