Một cá nhân ở Hà Nội nộp 11 tỷ đồng tiền thuế từ kinh doanh thương mại điện tử
Theo đại diện của Cục Thuế Hà Nội, đây là số thuế dồn tích nhiều năm, nên số tiền chậm nộp chiếm trên 4 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử mới đây, ông Viên Viết Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết: TMĐT đang là xu thế phát triển tất yếu trên thế giới và ở Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trên địa bàn Tp.Hà Nội, bài toán quản lý thuế với TMĐT đã được đặt ra từ trước, cơ quan thuế chủ động, kiên trì hướng dẫn, hỗ trợ người nộp thuế để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với hoạt động TMĐT và kiểm soát hệ thống kinh doanh TMĐT trên địa bàn Hà Nội.
Cơ quan thuế Thủ đô quản lý các cá nhân hoạt động TMĐT theo 5 nhóm:
Nhóm 1, cá nhân có dịch vụ cung cấp cho nhà mạng nước ngoài như Google, Facebook, Apple. Theo Lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội, đây là nhóm cá nhân có tri thức và họ đạt được những kết quả tốt từ việc cung cấp dịch vụ và thu tiền từ nhà mạng quốc tế vào trong nước. Năm 2021, 465 cá nhân thuộc nhóm này có thu nhập từ các tổ chức nước ngoài (Google, Facebook, Apple…) đã kê khai và nộp 56,1 tỷ đồng tiền thuế. Cục Thuế Hà Nội cũng đã thực hiện thanh kiểm tra ở 108 cá nhân và rà soát 503 cá nhân có hoạt động này.
Ông Viên Viết Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế Tp.Hà Nội
Nhóm 2, hộ kinh doanh bán hàng online, Cục Thuế Hà Nội đã nỗ lực thu thập thông tin quản lý thuế. Hiện đã thu thập được 32.800 địa chỉ bán hàng online, xác nhận 3.388 địa chỉ có doanh số trên 100 triệu đưa vào quản lý thuế hàng năm; Cơ quan thuế đã đưa vào quản lý 1.332 người nộp thuế bán hàng online, đôn đốc nộp 12,1 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Cục Thuế Hà Nội tiến hành rà soát 2.056 cơ sở bán hàng online trên địa bàn Tp.Hà Nội.
Nhóm 3, cá nhân cho thuê nhà trực tuyến thông qua các trang mạng như Agoda. Cục Thuế Hà Nội đã thu thập được dữ liệu 756 chủ cơ sở với 3207 cơ sở kinh doanh cho thuê nhà, trong đó xác minh dược 49 chủ cơ sở có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm thuộc đối tượng quản lý thuế, doanh thu 10 tỷ đồng, dự kiến số thu đạt được 1 tỷ đồng.
Nhóm 4, tổ chức, cá nhân phải thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài: Cơ quan thuế quản lý dữ liệu phát sinh chi trả cho các nhà thầu nước ngoài của 1.447 cá nhân, tổ chức, số tiền chi trả là 46,3 tỷ đồng. Dự kiến số thuế phải nộp là 4,6 tỷ đồng.
Nhóm 5, doanh nghiệp tổ chức điều hành sàn TMĐT như Sendo, Tiki: Cơ quan thuế đã hoàn thành thanh kiểm tra tại một số doanh nghiệp với tổng tuy thu, phạt số tiền: 1,4 tỷ đồng, giảm lỗ 66 tỷ.
Ông Viên Viết Hùng cho biết, tính chung trong năm 2021, số thuế thu từ hoạt động TMĐT từ các cá nhân, hộ kinh doanh là 110 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật tháng 9/2021, có 1 cá nhân có thu nhập từ hoạt động dịch vụ trên google, facebook kê khai và nộp số tiền 11 tỷ đồng. Đây là số thuế dồn tích nhiều năm nên số tiền chậm nộp chiếm trên 4 tỷ đồng.
Theo ông Viên Viết Hùng, do hoạt động TMĐT là hoạt động khá mới nên cần hỗ trợ để người nộp thuế hiểu về quyền lợi và trách nhiệm của người nộp thuế. Với tinh thần đó, Cục Thuế Hà Nội đã kiên nhẫn hỗ trợ và kiểm soát để người nộp thuế biết và tự giác kê khai thuế để không bị xử phạt và tính tiền chậm nộp thuế. Công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế với loại hình này cụ thể, chi tiết đến từng người và có kiểm soát do đó, về cơ bản cho đến nay cơ quan thuế chưa phải thực hiện cưỡng chế với cá nhân nào.
Trong thời gian tới, Cục Thuế Hà Nội xác định công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế tự giác kê khai và nộp thuế vẫn là biện pháp chủ đạo. Bên cạnh đó, trên cơ sở thu thập thông tin, dữ liệu người nộp thuế để cơ quan thuế triển khai đôn đốc nhắc nhở hỗ trợ người nộp thuế tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế của mình. "Cơ quan thuế đủ điều kiện theo quy định của Luật để thu thập thông tin và kiểm soát việc kê khai nộp thuế"- Ông Hùng cho biết.
Ngoài ra, Lãnh đạo cục Thuế Hà Nội cũng cho biết thêm, Cục thuế Hà Nội tiếp tục triển khai thựchiện các đề án hiện đại hóa của ngành trong công tác quản lý thuế như: khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, hoàn thuế điện tử; Phối hợp với các ngân hàng thương mại đa dạng hóa các hình thức thu nộp thuế không dùng tiền mặt; phối hợp với kho bạc, tài chính hiện đại hóa trong công tác truyền nhận dữ liệu thu nộp NSNN. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh TMĐT.