Một bác sĩ "khoe" nâng SpO2 bệnh nhân từ 1% lên 99%: Đây là điều không tưởng, nếu làm được đáng ghi vào y văn thế giới!

26/07/2021 14:44 PM | Xã hội

Theo đánh giá của các chuyên gia, câu chuyện nâng SpO2 cho 1 bệnh nhân từ 1% lên 99% là đã làm được điều không tưởng. Nếu có thực cần phải ghi vào y văn thế giới.

Mới đây trên trang facebook cá nhân của một vị bác sĩ có tên P.X.Tr chia sẻ câu chuyện về trường hợp bệnh nhân 70 tuổi trong vùng phong toả đang thoi thóp. Gọi cấp cứu khắp nơi không thấy ai.

Câu chuyện sẽ không có gì gây ồn ào nếu như vị bác sĩ Tr đã chia sẻ "khi đến cấp cứu cho bệnh nhân đo oxy đầu ngón tay... trời ơi, SpO2 còn 1%!"

Ngay lập tức bác sĩ Tr tròng mặt nạ túi khí, bật máy oxy, nối dây ... cho bệnh nhân SpO2 tăng dần lên 10 rồi lại tuột xuống. Song song với đó bệnh nhân được ép ngực để tăng thông khí. Sau đó, oxy của bệnh nhân đã lên mức 99%.

 Một bác sĩ khoe nâng SpO2 bệnh nhân từ 1% lên 99%: Đây là điều không tưởng, nếu làm được đáng ghi vào y văn thế giới! - Ảnh 1.

Bác sĩ Tr chia sẻ.

Sau câu chuyện ồn ào không tưởng về việc SpO2 1%, vào sáng nay, bác sĩ Tr có chia sẻ thêm: "Sáng nay mọi người ồn ào vụ SpO2 1%. Các thầy và cô cũng gọi hỏi. Đây là điều lạ đối với nhiều người và với cả bản thân tôi.

Ở thời điểm đó chỉ biết ghi nhận sự việc và làm theo phản xạ. Hơn 2 tháng trời cấp cứu cho má bị tụt oxy xuống đến 43% do suy hô hấp và được dạy cho cách tập Vật Lý Trị Liệu ép phổi trợ thở giúp tăng thông khí nên thành quen. Thấy là làm. Stt (bài đăng trên trang) chỉ mô tả những gì mình làm và thấy. Có clip tường thuật lại của M con của bệnh nhân. Tin hay không thì tùy

Tôi chỉ mô tả sự kiện. Chỉ số 1% là có thật, có sự quan sát của người nhà và chính người nhà đã giúp cho bệnh nhân tăng thông khí. Tôi không có mục tiêu câu like, câu view, kiếm tiền, bán hàng, quảng cáo... cho ai hết.

Kiến thức của tôi có hạn nên không biết lý giải những gì đã xảy ra, chỉ mô tả. Quý anh chị đọc hiểu nhiều có thể tìm hiểu thêm".

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM cho biết, SpO2 viết tắt của cụm từ Saturation of peripheral oxygen dịch nghĩa là độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi, chỉ số SpO2 là một trong những phương tiện giúp nhận biết sớm các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng, thiết bị này là cần thiết đối với các trường hợp F0 bắt đầu có triệu chứng.

Bác sĩ Khanh phân tích, SpO2 là một chỉ số quan trọng, nếu chỉ số SpO2 thấp hơn 92% bệnh nhân cần được hỗ trợ hô hấp, nhập viện và theo dõi sát diễn tiến tình trạng suy hô hấp; trong trường hợp bệnh nhân có chỉ số SpO2 lớn hơn 92% nhưng có các biểu hiện suy hô hấp như khó thở nhiều, thở nhanh > 30 lần/phút, thở co kéo các cơ hô hấp phụ nhiều, vẫn cần được nhập viện để theo dõi và điều trị.

Theo bác sĩ Khanh, không chỉ các thiết bị được tích hợp tính năng đo chỉ số SpO2 mà ngay cả với các thiết bị đo chỉ số SpO2 chuyên dụng cũng có gặp phải các sai số nhất định do máy quá cũ,...

"Còn nếu dùng máy đo SpO2 mini thì rất kém nhạy, nó đo độ bão hòa oxy qua mao mạch đầu ngón tay, vậy nên nó chỉ đo chính xác ở người bình thường.

Với người bệnh, đặc biệt là suy hô hấp, khi độ bão hòa oxy máu dưới 80% bệnh nhân sẽ rối loạn ý thức, tụt huyết áp và ngừng thở. Dưới 30% thì khả năng cứu đã rất mong manh. Do đó sẽ không có con số 1%. Trường hợp này chỉ do đo sai, hoặc máy sai thôi, có thể chỉ số 1% là lúc máy chưa lên đúng và đủ.

Một người bệnh tổn thương phổi, suy hô hấp đến độ tụt oxy máu, nghĩa là lá phổi không đảm đương khả năng trao đổi khí . Cấp cứu xong đo... SpO2 lên 99% nghĩa là phổi tự nhiên trao đổi khí bình thường trở lại, kỳ diệu quá. Người dân nên chọn lọc những thông tin từ Bộ Y tế để tránh các trường hợp xấu xảy ra", bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Trao đổi với bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền Nhiễm Việt Nam về thông tin trên, bác sĩ Hà cho biết đây là điều không tưởng. Với một bệnh nhân nồng độ oxy trong máy SpO2 đo dưới 90% đã ở mức có thể nguy hiểm cho tính mạng.

Đối với thiết bị đo nồng độ oxy trong máu khi đo sẽ xảy ra sai số nhất định. Nguyên nhân sai số là do máu không đến được đầu ngón tay, tâm lý người đo, đo không đúng. Tuy nhiên, với một bác sĩ khi sử dụng và độ thiết bị đo nồng độ oxy ngón tay thì khó có thể đo được con số 1%.

"Nói thẳng thắn hơn, khi bệnh nhân đo SpO2 1% là không thể và bệnh nhân đó xác định đã tử vong", bác sĩ Hà nói.

Đồng tình với quan điểm của bác sĩ Hà, một chuyên gia hồi sức cấp cứu khác cũng khẳng định, không có ai SpO2 1% mà còn đo được.

Nếu nâng SpO2 cho bệnh nhân từ 1% lên 99% sẽ trở thành ca bệnh điều trị suy hô hấp kinh điển đáng được ghi vào y văn của thế giới. Chỉ với 1 máy tạo oxy 5l/p , một bác sĩ Việt Nam đã nâng SpO2 cho bệnh nhân từ 1% lên 99% "thật đáng... ngưỡng mộ!"

Ngọc Minh - Lê Liên

Cùng chuyên mục
XEM