Morgan Stanley: Kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục theo hình chữ V
Ngân hàng này cũng dự báo các biện pháp hỗ trợ chính thức sẽ không thể sớm kết thúc, với cả NHTW và Bộ Tài chính các nước đều đang bơm tiền vào nền kinh tế của họ.
Nền kinh tế toàn cầu đang ở trong chu kỳ tăng trưởng mới và đến quý IV sản lượng sẽ quay trở lại mức trước đại dịch, theo các chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley.
"Chúng tôi tự tin hơn khi gọi đó là 1 cú hồi phục hình chữ V, sau khi xuất hiện các số liệu kinh tế tích cực và các chính phủ đã hành động mạnh mẽ", nhóm chuyên gia kinh tế dẫn đầu bởi Chentan Ahya viết trong báo cáo hôm 14/6.
Dự báo kinh tế toàn cầu sẽ trải qua giai đoạn suy thoái "mạnh nhưng ngắn", các chuyên gia kinh tế cho rằng quý II GDP toàn cầu sẽ sụt giảm 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến quý I/2021 sẽ hồi phục lại, tăng trưởng ở mức 3%.
Theo Morgan Stanley, có 3 lý do giải thích tại sao cuộc suy thoái do Covid-19 gây ra sẽ sớm kết thúc: đây không phải là 1 cú sốc nội sinh xuất phát từ những sự mất cân bằng khổng lồ như những lần suy thoái khác; áp lực giải chấp (deveraging) không quá lớn và các chính phủ tung ra những biện pháp hỗ trợ rất quyết đoán, quy mô lớn và sẽ hiệu quả trong việc thúc đẩy kinh tế hồi phục.
Ngân hàng này cũng dự báo các biện pháp hỗ trợ chính thức sẽ không thể sớm kết thúc, với cả NHTW và Bộ Tài chính các nước đều đang bơm tiền vào nền kinh tế của họ.
Trong tương lai, rủi ro đe dọa triển vọng kinh tế thế giới liên quan đến diễn biến dịch bệnh và quá trình phát triển vaccine. "Trong kịch bản cơ bản, chúng tôi giả định rằng làn sóng lây nhiễm thứ hai sẽ xảy đến vào mùa thu, nhưng thế giới có thể kiểm soát được và do đó sẽ chỉ có một số nơi bị phong tỏa". Trong kịch bản này thế giới sẽ có vaccine có thể sử dụng rộng rãi vào mùa hè năm 2021.
Ngược lại, trong kịch bản tồi tệ nhất, thế giới phải quay trở lại với các biện pháp phong tỏa ở mức độ nghiêm trọng như hồi đầu năm, khiến cú hồi phục bị đứt gãy.
Dự báo của Morgan Stanley khá lạc quan, thậm chí đối lập so với những dự báo thận trọng hơn của các tổ chức khác. Ví dụ, tuần trước Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đã cảnh báo rằng kinh tế toàn cầu đang hồi phục chậm chạp hơn dự báo và vẫn còn rất nhiều điều bất định chờ đợi ở phía trước.
Dịch bệnh tái bùng phát ở Bắc Kinh đang làm dấy lên nỗi lo sợ Covid-19 sẽ bùng phát trở lại ở Trung Quốc và làm chậm lại đà hồi phục của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tờ Tân Hoa Xã dẫn lời phó Thủ tướng Trung Quốc nhận định có nguy cơ cao ổ dịch ở Bắc Kinh sẽ lây lan.
Trong khi đó nhóm các chuyên gia kinh tế của JPMorgan Chase dẫn đầu bởi Bruce Kasman nhấn mạnh nguy cơ nợ và thâm hụt tăng sẽ buộc các chính phủ phải thu hẹp các gói kích thích tài khóa khổng lồ - thứ đang chống đỡ cho kinh tế toàn cầu.
Tham khảo Bloomberg